Theo ghi nhận của truyền thông trong nước, VKSND đề nghị tòa phúc thẩm không giảm nhẹ hình phạt với ông Đinh La Thăng, từng giữ chức chủ tịch PetroVietnam (PVN) từ 2008 đến 2011, và giữ nguyên hình phạt như án sơ thẩm.
Ông Thăng và 13 bị cáo khác, chủ yếu là các cựu lãnh đạo của PetroVietnam, đang kháng cáo tại các phiên tòa phúc thẩm kéo dài trong 10 ngày bắt đầu hôm 7/5 tại Hà Nội. Một cựu lãnh đạo khác của PVN, Trịnh Xuân Thanh, đã bất ngờ rút đơn kháng cáo và không tham dự tòa phúc thẩm.
Theo đại diện VKS được ZingNews trích lời nói, hầu hết các bị cáo đều nhận tội tại tòa phúc thẩm. Tuy nhiên ông Thăng, từng là Bí thư thành ủy TP HCM và Bộ trưởng Giao thông Vận tải, không nhận tội và khẳng định làm đúng quy trình và thẩm quyền trong việc chỉ định PVC, một công ty con của PetroVietnam, làm tổng thầu thi công Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Ông Thăng, 57 tuổi, phủ nhận liên quan trách nhiệm trực tiếp khi tạm ứng hơn 1.000 tỷ đồng cho PVC, theo ghi nhận của VNExpress về phiên tòa phúc thẩm.
Ngoài bản án 13 năm tù giam vì tội “cố ý làm trái,” ông Thăng còn nhận bản án 18 năm tù giam trong một phiên tòa khác vào ngày 29/3 trong vụ án thất thoát 800 tỷ đồng (35 triệu USD) của PetroVietnam khi đầu tư vào ngân hàng OceanBank.
Hãng tin AP nói vụ xử Đinh La Thăng là một phần trong cuộc chiến bài trừ tham nhũng chưa có tiền lệ do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo. Hãng này cho rằng ông Trọng có thêm quyền lực kể từ khi tái đắc cử vào năm 2016, sau khi hất cẳng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi chính trường.
Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng đã lan sang ngành ngân hàng và công an.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét