Vào cuối tháng Tư, Giám đốc Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Hưng Yên – ông Vũ Thanh Bình – bất ngờ nhảy từ tầng 2, trụ sở làm việc ở đường Nguyễn Lương Bằng, Phường Lam Sơn, TP Hưng Yên xuống đất nhưng may mắn không tử vong.
Động cơ nhảy lần tự vẫn của ông Bình là có thể lý giải, vì đó là thời điểm ông ta bị công an công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành khám xét trụ sở.
Đến đầu tháng Năm năm 2018, đến lượt Đại tá Võ Tuấn Dũng, Cục phó Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Sử Dụng Công Nghệ Cao (C50) của Bộ Công an được phát hiện ‘nằm chết’ và sau đó được Tổng cục Cảnh sát của bộ này thông báo là ‘đột tử’, mặc dù trước đó báo Môi trường và Đô thị đã thông tin là Đại tá Dũng ‘tự treo cổ’.
Khác với vụ nhảy lầu của ông Vũ Thanh Bình nhưng thoát chết, Đại tá Võ Tuấn Dũng đã chết thật.
Nhưng hai vụ trên lại rất tương hợp nhau ở một điểm quan trọng: Trang báo điện tử Một Thế Giới cho biết trước đó, công an tỉnh Phú Thọ và Viện Kiểm sát Nhân Dân (VKSND) tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần làm việc với ông Võ Tuấn Dũng tại trụ sở của C50 tại Hà Nội, riêng VKSND tỉnh Phú Thọ đã làm 3 lần làm việc với ông này và buổi làm việc gần đây nhất mới diễn ra vào chiều 03/05 liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ có sự bảo kê của tướng công an (hiện Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố gần 90 người trong đó có 2 cấp trên của ông Dũng là ông Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng – tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hoá, cựu cục trưởng C50…).
Ông Võ Tuấn Dũng đã bị đình chỉ công tác, phục vụ việc xác minh và làm rõ các sai phạm trong vụ án nói trên. Liên quan đến quyết định đình chỉ công tác, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ký quyết định số 4019/QĐ-BCA-X11 ngày 7.11.2017 trong đó yêu cầu trong thời gian bị đình chỉ, đại tá Võ Tuấn Dũng phải có mặt tại đơn vị khi được yêu cầu và Bộ Công an giao Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm quản lý đối với ông Dũng trong thời gian này.
Thật quá khó để tin rằng Đại tá Võ Tuấn Dũng đã ‘đột tử’.
Những kinh nghiệm rất phong phú có thể tham khảo từ chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ của Tập Cận Bình ở Trung Quốc.
Đối với nhiều vụ tự sát của quan chức ở Trung Quốc, mặc dù trong thông báo được phía chính quyền đưa ra để giải thích nguyên nhân quan chức tự sát luôn nói là “do áp lực quá nhiều” hoặc “do chứng trầm cảm”, nhưng những lý do này không thể khiến công chúng tín phục.
Chẳng hạn vào ngày 9/7/2014, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc, Lý Hải Hoa ngã từ phòng làm việc xuống và tử vong tại chỗ. Trùng hợp là, trong ngày hôm đó, Ủy ban kiểm tra kỷ luật tỉnh Hồ Bắc sẽ dẫn ông Lý Hải Hoa đi để điều tra. Sau khi ông Lý nhảy lầu chết, Cục Công an thành phố Hiếu Cảm lên tiếng xác nhận, tại hiện trường ông có để lại di thư nói “bản thân mắc nhiều bệnh, thường xuyên cảm thấy khó chịu, nên chỉ có thể tự giải thoát”.
Nhưng lại có nhiều đồn đoán được truyền tai nhau về nguyên do quan chức tự sát như “sợ tội tự sát”, “giết người diệt khẩu” và “nhân quả báo ứng”.
Trong dân chúng cũng đưa ra nhiều đồn đoán: “Đối với cái chết của những quan chức này, trên bề mặt dường như lấy cái chết để trốn tránh tội, nhưng nguyên nhân đằng sau có thể là vì để bảo vệ những tham quan có chức vị cao hơn; hoặc là bị thế lực có quyền thế cao hơn bức ép; hoặc là bị diệt khẩu, v.v”.
Nhà bình luận thời sự Hoành Hà cũng đưa ra phân tích về “phong trào” quan chức Trung Quốc tự sát, nguyên nhân bên trong chủ yếu cũng có thể do tự sát hoặc là do người khác ép buộc phải chết.
Hoành Hà nhận định, nếu nói là tự sát, nguyên nhân có thể nói là do áp lực chính trị lớn, ví dụ như bị điều tra, nhưng tình huống như thế này không có nhiều. Nguyên nhân tự sát như thế này thời Cách mạng Văn hóa có nhiều, bởi vì đa số là bị oan, nên trong tâm khó có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, hiện nay đa số quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đều biết rõ bản thân mình có tội.
Một nguyên nhân nữa có thể là do chịu tội thay người khác. Các phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc được hình thành chủ yếu là sự kết hợp nhóm lợi ích, do đó quan chức không thể nào vì lợi ích mà đi tự sát để bảo vệ người khác. Vì vậy, nếu như tự sát vì chịu tội thay người khác, có thể là do bị lấy tính mạng của người nhà hoặc tiền đồ con cái ra uy hiếp, nên bắt buộc phải đi tự sát…
Vào đầu năm 2014, ở Việt Nam đã xảy ra cái chết đáng nghi ngờ của Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ. Tuy nhiên có một chi tiết rõ ràng nhất là ông Ngọ không phải chết vì tự sát.
Còn cái chết của Đại tá Võ Tuấn Dũng, nếu đúng là ‘tự treo cổ’, đã cho thấy tâm trạng bế tắc không lối thoát của một bộ phận trong giới quan chức tham nhũng ở Việt Nam.
Thiền Lâm
Calitoday
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét