Nên chăng, cần có những câu trả lời, những giải trình rõ ràng từ các cán bộ nhà nước về việc làm gì ra nhiều tiền đến vậy để xây biệt phủ. Không ai có 100 tỷ đồng mà đi xây luôn biệt thự trăm tỷ, với mức lương cán bộ hiện nay, để gom đủ tiền xây một cơ ngơi như vậy, nếu không ăn, không tiêu cũng phải gom mất tầm 300 năm...!
Xóm Đông Thắng, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh thời gian gần đây trở nên nổi tiếng vì mọc lên một ngôi biệt thự ước tính cả trăm tỷ đồng, tọa lạc trên khu đất rộng 1.760m2. Người đứng tên hợp pháp trên giấy tờ ngôi nhà là bà Từ Thị Loan (78 tuổi).
Căn biệt thự đang trong quá trình hoàn thiện nhưng vẻ nguy nga, tráng lệ của nó khiến nhiều người choáng ngợp. Tòa nhà được thiết kế kiên cố, tỉ mỉ từng chi tiết từ hệ thống cột tròn và vuông đến hệ thống mái vòm, mái dốc trên cao cùng hệ thống tường rào cao khép kín, kiên cố.
Không chỉ thế, chủ nhân tòa nhà này còn đầu tư hàng tỷ đồng để kéo hẳn một hệ thống điện từ đường dây 22KVhạ thế xuống 220V, cường độ là 0,6 thông qua trạm biến thế. Đường điện này, song song với đường điện 3 pha của cả thôn Đông Thắng hiện đang được sử dụng.
Theo cán bộ và người dân địa phương ước tính, chủ nhân tòa nhà này có lẽ đã bỏ ra trên dưới trăm tỷ đồng cho phần xây dựng. Đây được đánh giá là căn biệt thự “khủng” nhất ở Hà Tĩnh hiện nay mà ít người biết đến…
Ngoài việc sở hữu diện tích đất ở dùng để xây biệt thự khủng thì bà Loan còn đang cho chiếm dụng bất hợp pháp và xây dựng hệ thống móng, tường bao quanh một khu đất khác rộng 3.262 m2 ngay bên cạnh. Được biết, khu đất này vốn là đất nông nghiệp trồng lúa, hiện bà Loan đang lập đề án xin chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản.
Liên quan đến phần diện tích đất nông nghiệp xin chuyển đổi này, ông Phan Văn Hợp- Phó Chủ tịch xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà cho biết, tòa nhà này nằm trên diện tích đất của bà Từ Thị Loan (78 tuổi, xã Mai Phụ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) - cũng là người đại diện hợp pháp của tòa nhà. Phần xây biệt thự được chuyển đổi đất vườn từ 8 lô đất liền kề với 220m2/lô tức là tổng 1.760m2 đất ở đang được xây biệt thự, trong đó có một phần diện tích đất nguyên thổ của bà Loan trước đó.
Riêng đề án quy hoạch để nuôi trồng thủy sản của cả vùng là khoảng 4500m2 còn quy hoạch nuôi trồng thủy sản của bà Loan là 3.262m2. Đề án, phương án sản xuất hiện gia đình bà đã hoàn tất. Về phía UBND huyện mới chỉ là đồng ý chấp thuận chủ trương cho quy hoạch vùng hồi nhà bà Loan để nuôi trồng thủy sản.
“Lúc đầu chúng tôi cũng hiểu nhầm tưởng là đã đồng ý cho chuyển đổi sử dụng, nhưng trên thực tế chỉ là mới chấp thuận chủ trương mà thôi”, ông Hợp thông tin thêm.
Như vậy, việc chuyển đổi 3.262m2 đất nông nghiệp trồng lúa chỉ mới được UBND huyện Lộc Hà chấp thuận chủ trương để khảo sát, lập hồ sơ làm đề án để trình lên chứ UBND huyện chưa hề cấp phép cho bà Loan chuyển đổi. Thế nhưng gia đình bà Loan đã tác động trực tiếp thay đổi hiện trạng đất bằng việc xây dựng hệ thống móng bằng đá kiên cố.
Việc xây dựng này cũng đã diễn ra lâu dài, giữa “thanh thiên bạch nhật” chứ không lén lút trong ngày một ngày hai. Trong khi đó chính quyền địa phương dù biết đất chưa được đồng ý chuyển đổi nhưng lại “làm ngơ”, mặc kệ bà Loan xây dựng. Điều này không khỏi khiến dư luận dấy lên nghi vấn liệu chính quyền xã Mai Phụ và huyện Lộc Hà thiếu năng lực quản lý hay cố tình làm ngơ để “hợp lý hóa” gộp 3.262m2 đất nông nghiệp vào diện tích 1.760m2 đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng trước đó cho bà Loan?
Mốt xây lâu đài là một trong những xu hướng của các đại gia xuất hiện từ vài ba năm trở lại đây. Tuy nhiên, tòa lâu đài được cho là “khủng nhất” Hà Tĩnh do một cụ bà gần 80 tuổi bần nông, hàng ngày vẫn trồng rau mang ra chợ bán khiến dư luận không khỏi hoài nghi về chủ nhân thực sự? Theo nguồn tin riêng mà chúng tôi có được thì chủ nhân thực sự của tòa lâu đài này là người con trai cả của bà Loan hiện đang giữ cấp hàm Đại tá, công tác trong lực lượng Quân đội.
Và nếu vị Đại tá này là người dốc hầu bao xây nhà cho mẹ thì Đại tá lấy tiền ở đâu khi mà lương cấp hàm Đại tá chỉ vỏn vẹn khoảng 10.920.000đ/tháng (tính theo bảng lương niêm yết đối với sĩ quan Quân đội nhân dân và sĩ quan Công an nhân dân được công khai trên mạng). Câu chuyện còn nhiều khúc mắc này nhắc chúng ta đến một căn biệt thự trăm tỷ khác của Đại tá Lê Văn Tam – Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng.
Giám đốc Công an Đà Nẵng và ngôi nhà dân đồn Vũ “Nhôm” biếu?
Ngày 17/4, liên quan đến vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước, trốn thuế, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm”), hai cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng là Trần Văn Minh bị khởi tố, bắt tạm giam và Văn Hữu Chiến bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú về các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Căn biệt thự của Đại tá Lê Văn Tam – Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng |
Ngày 19/4, thông tin chưa từng được tiết lộ về căn biệt thự trăm tỷ của Đại tá Lê Văn Tam – Giám đốc Công an TP. Đà Nẵngđược một nữ nhà báo đăng tải trên mạng xã hội facebook khiến dư luận càng thêm dậy sóng. Tài khoản này cho rằng, ông Tam có một biệt phủ rộng khoảng 1.000m2, trị giá 100 tỷ đồng tọa lạc tại số 24, 28, đường Hoa Phượng 2, thuộc Khu du lịch ven sông Hàn (Làng biệt thự Euro Village, quận Sơn Trà) - khu đất đắc địa thuộc hàng kim cương ở Đà Nẵng hiện nay. Hơn nữa, chính Vũ “Nhôm”, nhân vật làm mưa làm gió ở Đà Nẵng một thời chính là người đã tài trợ tiền mua đất, làm nhà này cho ông Tam.
Đại tá Lê Văn Tam – Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng |
Đại tá Tam thừa nhận việc mình có nhà ở Làng biệt thự Euro Village nhưng phủ nhận việc được Vũ “Nhôm” biếu tặng. “Thế này, chuyện nhà cửa thì anh có cái nhà bên đó, còn cái việc nhà anh do Vũ "nhôm" tặng, tiền nong này kia là họ viết tào lao đó, không có đúng gì hết trơn”, Đại tá Lê Văn Tam trả lời báo chí.
Khi có thông tin nêu đích danh người đứng đầu Công an thành phố, nhiều cử tri đã bức xúc chất vấn lãnh đạo Đà nẵng, yêu cầu Đại tá Lê Văn Tam báo cáo giải trình về những vấn đề có liên quan, Đại tá Tam đã thực hiện. Song báo cáo giải trình như thế nào vẫn chưa công bố cho người dân được biết.
Mặc dù vậy, dẫu vị Đại tá có giải trình kín kẽ đến đâu đi chăng nữa, nhưng với giá trị ngôi nhà lên đến 100 tỷ (khoảng 60 tỷ tiền đất và 40 tỷ tiền xây dựng, ước lượng thời điểm hoàn thiện căn nhà năm 2016 theo giá thị trường) thì vẫn khiến người dân đặt câu hỏi về nguồn gốc hợp pháp của khối tài sản "khủng" đó.
Như đã nói ở trên, trước ngày 1/7/2018, lương cấp hàm Đại tá chỉ vỏn vẹn 10.920.000đ/tháng, nếu tính cả thưởng, phụ cấp, cộng với lương của người vợ làm giáo viên thì mỗi tháng gia đình ông Tam có khoảng 30 triệu đồng. Làm phép tính đơn giản như TS Nguyễn Hoàng Chương đã tính toán trên báo chí thì để có căn biệt phủ ấy, ông Tam phải mất gần 300 năm không tiêu may ra mới đủ?.
Trước Đại tá Tam, khi phải giải trình về tiền làm ra những tòa lâu đài, những biệt phủ nguy nga, tráng lệ hiếm có, nhiều vị cán bộ đã có câu trả lời rất đáng quan tâm. Như ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái khẳng định tiền xây biệt phủ của ông là tích cóp buôn chổi đót, nấu rượu, vay ngân hàng, mượn bạn bè. Hay Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Trị, ông Khổng Trung giải trình biệt phủ làm hoàn toàn bằng gỗ quý hiếm của ông có từ việc làm lâm nghiệp, kinh doanh cây xăng. Hoặc Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Sỹ Kỷ khăng khăng tiền do con cái gom góp, vợ ông kinh doanh nhiều mặt hàng, làm vườn, còn ông ngoài làm cán bộ nhà nước thì lúc trẻ sau giờ làm việc phải chạy xe ôm thâu đêm để tích góp tiền… ?!
Có lẽ, giờ người dân đã chờ đủ lâu để được lắng nghe giải trình công khai, rõ ràng về những căn nhà cũng như nguồn gốc của nó từ Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng Lê Văn Tam và chủ nhân thật sự của ngôi nhà tại Hà Tĩnh.
Bá Thanh- Thùy Thư
Bảo vệ pháp luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét