Sự xảo trá cổ cồn đã trở thành điểm tựa cho lâu la bên dưới, làm nên những cuộc trấn áp kinh động ở Thủ Thiêm. Nơi có người chết tức tưởi vì đất, có người á khẩu vì oan trái. Có những bàn thờ lập vội đêm trước, sáng hôm sau đã bị phá nát. Nơi có những nhà báo dấn thân vì dân cũng chịu lây những uất ức đè nặng, cho đến tận bây giờ.
Những kẻ cướp quyền lực đã dày công vẽ nên một kịch bản để lấy đất của dân với giá chai nước suối và hóa phép nó thành cao ốc triệu đô. Hốt dân đi nơi khác để tạo đất sạch, sau đó giao cho doanh nghiệp làm BT đổi hạ tầng. Mà thực chất hạ tầng ấy, dẫn vào dự án.
Chính sách đất đai, đã tạo cho quan chức một lưỡi hái tử thần, mặc sức múa gậy vườn hoang mà tội ác đó đã có thể vĩnh viễn bị vùi chôn cùng các dự án, nếu như không có cuộc can qua ngày hôm nay.
Nói về nhân quả. Hạt mầm man trá của quan chức, đã tạo ra biết bao nhiêu nỗi đắng cay ai oán cho dân. Dù bất kỳ ai vào lò lửa hay vạc dầu, thì 15 nghìn hộ, cũng đã như chim mất tổ, người chết người điên không còn trở lại được nữa.
2. Không có mốc thực địa, nghĩa là việc công ty Long Sơn giữa đêm “đánh úp” gia đình anh Đặng Văn Hiến là đánh cướp. Nghĩa là lãnh đạo UBND tỉnh Dak Nong đã dựa trên ý chí và quyền năng của mình “ngắt” một miếng đất chỉ có giá trị quy ước cho Long Sơn, rồi sau đó điềm nhiên như không còn liên quan đến mình. Bằng chứng là không hay không biết việc Long Sơn tự tổ chức “cưỡng chế” trái luật.
Đoàn cưỡng chế tự phát đang đêm hù dọa, ném đá vào căn nhà của Hiến giữa núi rừng hoang vắng, nơi anh cùng vợ con đang say giấc. Hiến bắn chỉ thiên, đoàn người vẫn ập vào. Hiến nhả đạn… 3 người chết.
Đoàn người hung bạo ấy, họ cũng là những con người chân chất. Họ làm thứ mà họ tin là nhiệm vụ, trong hiểu biết hạn hẹp của mình. Và vì thiếu hiểu biết, chỗ dựa duy nhất của họ là sự tham lam đến hung bạo của Long Sơn cộng hưởng với sự bàng quan đến tàn nhẫn của chính quyền.
Chó cùng rút dậu, thỏ cùng mọc nanh. Tiếng súng của Hiến, chát chúa thân phận của những người thấp cổ bé họng trong xã hội này. Lòng tham bặm trợn trộn với sự vô cảm thành hạt giống, quả của nó, là 3 mạng người. Và sẽ là 4, nếu phiên tòa ngày mai, bồi thẩm đoàn vẫn nhìn anh như một tên tội phạm nguy hiểm, thay vì nhìn vào một thân phận cùng đường.
***
Đất đai chiếm gần 80% khiếu nại khiếu kiện cả nước. Thực tế quản lý đất đai lạc hậu duy ý chí, đã khiến đất trở thành ngòi nổ kích hoạt bao nhiêu cuộc xung đột và khai sinh nhiều mầm mống bất ổn cho xã hội, đe dọa cả sự tồn vong của chính thể. Thực tế ấy, không chỉ đẻ ra tham nhũng chính sách mà còn đẻ ra cả hình thức cướp bằng chính sách vô cùng bạo tàn. Cần phải nhìn thẳng vào thực tế ấy để thay đổi.
Để những oan dân không còn ai oán, bấu víu vào nhân quả để mà hy vọng. Nếu thật sự có nhân quả, Thủ Thiêm đã không thất thủ, và kẻ phải chết, không phải là những người như Đặng Văn Hiến!
Nguyễn Tiến Tường
Viết trong chờ đợi
Đây là Đặng Văn Hiến – nhân vật của tôi – người nông dân bị cướp đất ở Đak Nông, bị dồn đến đường cùng phải nổ súng.
3 người chết, 13 người bị thương cũng là những nông dân nghèo như Hiến nhưng làm thuê cho công ty Long Sơn.
Tôi đã cảnh báo 9 tháng trước khi có tiếng súng Đak Nông, không ai nghe cả!
Sáng mai, Hiến sẽ ra tòa phúc thẩm với án tử của tòa sơ thẩm mang theo. Nếu vẫn là một án tử, không thể ngắn được suy nghĩ “đằng nào cũng chết thì…” của những phận người tận cùng khốn khổ như Hiến ở Tây Nguyên. Rất nhiều!
Cho tới giờ, nguồn gốc bức xúc đất đai hay nguồn gốc của cái ác vẫn chưa được xử lý triệt để!
Đặng Văn Hiến- một người lần đầu phạm tội, chủ động ra đầu thú, thành khẩn khai báo, gia đình có khắc phúc hậu quả, được người nhà nạn nhân xin miễn án tử.
Nếu Hiến nhận án tử. Liệu tội phạm sẽ không ra đầu thú nữa vì không thấy sự khoan hồng của pháp luật? Liệu những suy nghĩ “đầu thú cũng chết thì bắn thêm vài mạng nữa” sẽ dấy lên?
Nếu Hiến nhận án tử. Tôi sẽ không đến bất cứ đâu để vận động đầu thú cho bất kỳ ai nữa nếu có thêm tiếng súng nổ và những mạng người mất đi. Lúc đó thì mời những kẻ đòi xử tử Hiến trên tòa và trên mạng xã hội đến vùng đất lắm súng ấy mà vận động.
Với những trải nghiệm và thông tin tôi có ở Tây Nguyên, tôi xin đưa ra thêm 1 cảnh báo cuối: Chính quyền địa phương nào còn bao che bất chấp lệnh trên, công ty nào còn tự ý cưỡng chế thì bạo lực sẽ còn xảy ra!
“Thế giới đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải sự tàn ác của những người xấu mà là vì sự im lặng của những người tốt”- Napoleon.
Hãy nhớ điều đó!
P/s: Những dòng này tôi viết trong chờ đợi. Chờ đợi 1 bản án công tâm và hợp lòng người. Sáng mai xử Hiến…
FB Mai Quốc Ấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét