Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Căng thẳng mới nhất xảy ra tại trạm thu phí BOT Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa vào đầu tháng 5 khi giới tài xế dừng xe tại các trụ thu phí, dàn xe ra, không mua vé và cứ vài phút lại bấm còi liên tục dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài nhiều kilomet. Tình hình cũng được mô tả là hỗn loạn khiến ban lãnh đạo BOT Ninh Lộc buộc phải xả trạm.
Những tài xế phản đối cho rằng mức thu phí không phù hợp với người địa phương và yêu cầu chủ đầu tư miễn giảm phí 100% cho người dân sống khu vực quanh trạm.
Anh Hùng Nguyễn một người dân kinh doanh tại khu vực ngay trạm BOT Ninh Lộc cho rằng lúc trước miễn phí cho các xe loại 1 giờ thì không miễn giảm nữa. Anh cho rằng người dân sống tại khu vực này không phản đối việc đặt BOT nhưng vì việc phân bố tuyến đường còn nhiều bất cập, anh yêu cầu mở giải phân cách trước khi qua trạm để các xe không đi qua thì có thể quay đầu xe lại, còn như bây giờ người dân khu vực quanh trạm đi qua đi lại phải mất 2 lượt thu phí nên người dân bức xúc .
“Theo Hùng và người dân muốn là tất cả các xe loại 1 của tất cả các xã phường tại xã Ninh Hòa được miễn 100%, xe loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 thì miễn 50% như ông Trần Phúc Tự nói, xe bus cũng giảm 100%. Tôi hy vọng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc yêu cầu trạm BOT này giải quyết miễn phí 100% cho các xe loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 của quanh đầu trạm này khoảng 1km, chứ người ta muốn đi đâu thì phải quay đầu chạy ra chạy vô tốn 2 lần .”
Ông Vũ Hải Long, Lãnh đạo BOT Ninh Lộc cho báo chí trong nước biết đã gửi công văn đề xuất xin miễn giảm 100% cho người dân các xã và phường sống khu vực quanh trạm. Tuy nhiên, Tổng cục đường bộ Việt Nam chỉ chấp nhận miễn 100% cho xe bus công cộng và giảm từ 40%-50% cho các loại xe của tám xã phường khu vực lân cận.
Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với ông Trần Phúc Tự, giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa, chủ đầu tư trạm thu phí BOT Ninh Lộc nhiều lần để hỏi thêm thông tin sự việc nhưng không liên lạc được.
Tình hình càng lúc trở nên căng thẳng khiến nhà đầu tư BOT Ninh Lộc tỉnh Khánh Hòa đề nghị chính phủ hoàn vốn cho nhà đầu tư hoặc sẽ trả về cho Bộ Giao thông Vận tải để quản lý do phản ứng gay gắt từ người dân.
Phản đối BOT khắp nơi
Lâu nay từng xảy ra những vụ phản đối mạnh mẽ và kéo dài nhiều ngày tại những trạm thu phí BOT trên cả nước, điển hình là các vụ phản đối tại các trạm thu phí BOT Cai Lậy ở Tiền Giang, BOT Đại Yên ở Quảng Ninh, BOT Sông Phan ở Bình Thuận, BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp, BOT Sóc Trăng…
Cách thức chung để thể hiện sự phản đối của mình mà giới giới tài xế sử dụng tại hầu hết các trạm BOT trên toàn quốc là dùng tiền mệnh giá nhỏ để trả phí qua trạm, dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài.
Một tài xế ở Long An, xin giấu tên cho rằng việc phản đối của các bác tài và người dân xung quanh BOT ngày một nhiều hơn là do việc thực hiện giảm giá thu phí cho người dân sinh sống xung quanh khu vực còn quá chậm trễ. Một số người cho rằng họ không sử dụng dịch vụ của nhà đầu tư hết tuyến đường, thậm chí là không sử dụng nhưng vẫn phải chịu một mức phí như nhau.
Chuyện các trạm BOT đặt sai vị trí và thu phí quá cao có thể nói là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đa số các cuộc phản đối của cánh tài xế, trong khi hàng năm các nhà xe đều phải đóng phí bảo trì đường bộ.
Anh Huỳnh Long, một tài xế tại khu vực BOT Cai Lậy cho chúng tôi biết dựa vào phát ngôn của ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải thì phí bảo trì đường bộ mà các nhà xe phải đóng như hiện này chỉ chiếm 40% tổng số vốn bỏ ra nâng cấp quốc lộ 1A.
Anh Long cho rằng để có sự sòng phẳng anh làm một bài toán để giải quyết về ngân sách này: “Theo tôi phương án hữu hiệu nhất là cho sòng phẳng với dân, có nghĩa là số tiền các nhà xe trên toàn quốc đóng chỉ chiếm 40%. Ví dụ như giờ đóng một xe một năm là 1 triệu đồng , tôi sẵn sàng đóng 2 triệu 500 ngàn tức là tăng lên 150% để đủ vào ngân sách mà các ông ấy nói là chỉ chiếm 40% vốn đầu tư ấy. Thì vậy các BOT trên quốc 1 dẹp bỏ, còn các BOT tuyến tránh thì dời vào tuyến tránh vậy mới gọi là sòng phẳng.”
Vào hôm ngày 4/5 Tổng cục đường bộ Việt Nam có công văn hỏa tốc đề nghị khởi tố điều tra các tài xế cố tình cản trở việc thu phí. Đề nghị này từng được đưa ra tại một số điểm nóng BOT trước đây như ở Cai Lậy.
Giới tài xế tham gia giao thông phản đối những bất hợp lý quá rõ ràng về mức thu phí hay vị trí đặt trạm; thế nhưng cơ quan chức năng sau khi có những biện pháp bị cho là ‘hoãn binh’ như giảm giá phí đôi chút; lại qui kết cho những người phản đối là ‘chống đối, gây rối trật tự’; thậm chí ‘phản động’ … Cách làm này bị những người trong cuộc cho là nhằm trấn áp người dân thay vì có biện pháp giải quyết hợp lý, hợp tình.
Anh Hùng cho hay “Tôi yêu cầu ông nào mới viết công văn hỏa tốc yêu cầu xử lý tài xế rồi ghép vô tội phản động , thì một lần vô đây đi, ông thử vô thị sát một lần đi. Có khi nào ông đặt cường vị của ông vào người dân chưa, hãy một lần đặt cương vi ông vào người dân đi rồi ông sẽ thấy người dân nơi đây khổ cỡ nào.”
Cuộc khủng hoảng mang tên BOT đã nhiều lần được các vị lãnh đạo cấp cao nhắc đến, trong đó có ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Khi vụ việc tại trạm BOT Cai Lậy bùng nổ, bà Ngân từng công nhận rằng người dân phản đối là đúng, đồng thời Thủ tướng Phúc cũng hứa sẽ giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chỉ là hứa hẹn.
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét