Tôi vẫn nhớ một chuyện hồi mới biết nói. Hồi đó nhà tôi ở giữa làng, nhà ông cậu họ ở đầu làng. Có lần mẹ tôi bảo đi với mẹ lên nhà cậu chơi, tôi nói “đường cao quá không đi”. Cả nhà cười vui vẻ, ai cũng biết tôi chưa có đủ tiếng để nói, chứ ai cũng hiểu tôi muốn nói “xa” chứ không phải “cao”.
Dù có biết chữ hay không, một người bình thường khi nghe tiếng “phí”, ai cũng hiểu đó là khoản tiền phải trả khi sử dụng một dịch vụ (ngoài cái nghĩa của từ phí tổn, chi phí, lãng phí không nằm trong ngữ cảnh này). Khi nghe tiếng “giá”, ai cũng hiểu đó là biểu hiện được tính bằng tiền của một vật hay một thành quả của lao động (ngoài những nghĩa khác không nằm trong ngữ cảnh này : là mầm chưa thành lá của hạt đậu, dụng cụ để treo hay đỡ đồ vật, hoặc là người ở vậy không lấy vợ lấy chồng…). “Thu phí” là thu một khoản tiền, còn “thu giá” chỉ có thể thu … giá đậu hay cái giá đỡ treo trên tường mà thôi. Người ta vẫn dùng được chữ “trả giá” nhưng “giá” ở đây có hàm nghĩa rất mắc, không chỉ bằng tiền mà còn bằng danh dự, sự nghiệp, tánh mạng.
Sự u mê ngu độn về tiếng mẹ đẻ của một vị Bộ trưởng lại được treo khắp nơi cho toàn dân nhìn thấy, đã biến thành trò cười. Sau khi công luận góp ý rồi mà vẫn không chịu sửa thì không dừng lại ở trò cười nữa. Nó trở thành uy tín của Chính phủ. Chúng ta sẽ giải thích như thế nào khi trẻ con hỏi chúng ta: “Thu giá” là thu cái gì? Chúng ta sẽ bảo với chúng nó rằng ông Bộ trưởng Giao thông ngu. Chúng hỏi: Có ai không ngu để sửa chữ đó không? Đến nước này chắc Thủ tướng phải mở miệng lệnh cho ông Bộ trưởng Giao thông sửa ngay cái chữ tối nghĩa đó đi, nếu không thì toàn dân làm sao giải thích cho con cái ho để giữ uy tín cho Chính phủ?
© Hoàng Hải Vân
FB Hoàng Hải Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét