Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết chiến hạm và máy bay của Trung Quốc đã cảnh cáo các khu trục hạm Mỹ rời khỏi vùng mà họ cho lãnh hải của họ.
Sự phản ứng dữ dội này của Trung Quốc nói lên sự quyết tâm của quân đội Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của đất nước họ sẽ “không thay đổi”.
Các viên chức Mỹ nói với Reuters rằng, USS Higgins, một khu trục hạm có trang bị hỏa tiễn đạn đạo, và USS Antietam, một tuần dương hạm có hỏa tiễn hướng dẫn đã hải hành trong vòng 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa – một chuỗi các đảo nhỏ, rạn san hô và bãi cạn – mà Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Chiến dịch mới nhất này của chính quyền Hoa Kỳ Donald Trump là để chống lại những gì Washington coi là những nỗ lực của Bắc Kinh để hạn chế quyền tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược. Sự kiện này xảy ra chỉ vài ngày sau khi TT Trump hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh ngày 12 tháng 6 tại Singapore với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Bắc Hàn dựa vào Trung Quốc, một trong số rất ít các đồng minh của mình, để buôn bán các yếu tố cần thiết như nhiên liệu, hải sản, dệt may và dịch vụ tài chính. Ông Kim và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau nhiều lần, cuộc họp mới nhất diễn ra tại Trung Quốc.
Tranh chấp tại Biển Đông tăng thêm căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Trump nói rằng ông muốn giảm thâm hụt thương mại của Washington với Bắc Kinh và làm cho mối quan hệ trở nên “đối ứng” hơn.
Ông Joshua Kurlantzick, một thành viên cao cấp của khu vực Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói với The Independent mới đây Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á muốn “giữ gìn tự do hàng hải” trong một vùng hàng hải rộng lớn quan trọng chiếm gần một phần ba của thương mại hàng hải toàn cầu. Trong khi Trung Quốc đang tìm cách tăng quyền kiểm soát của mình đối với một số hòn đảo nhỏ, gồm có những hòn đảo nhân tạo.
Các bức ảnh vệ tinh chụp ngày 12 tháng 5 cho thấy Trung Quốc dường như đã thiết lập những giàn phóng hỏa tiễn đất đối không hoặc hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm tại một tiền đồn trên đảo Woody. Đầu tháng này, không quân Trung Quốc đã hạ cánh máy bay ném bom trên các đảo và rạn san hô trong vùng tranh chấp như là một phần của cuộc tập trận huấn luyện trong khu vực. Sự kiện này gây ra mối quan tâm từ Việt Nam và Philippines, các quốc gia không nghĩ rằng Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ mà họ cho đó là vùng biển quốc tế.
Trung Quốc đã phát triển các căn cứ trên các rạn san hô và đảo san hô bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague. Tòa án công bố rằng không có cơ sở pháp lý cho việc khiếu nại hàng hải của Trung Quốc mở rộng khoảng 1.000 dặm ngoài bờ của họ đến vùng biển tiếp giáp Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam
Các nhà phê bình về các hoạt động quân sự, được gọi là “tự do hàng hải”, cho biết phán quyết của The Hague có ít tác động đến hành vi của Trung Quốc và phần lớn chỉ là biểu tượng.
Quân đội Mỹ có một vị trí lâu dài với các hoạt động của họ được thực hiện trên khắp thế giới, bao gồm cả các khu vực được các đồng minh tuyên bố chủ quyền với sự thỏa thuận.
Quân đội Mỹ không trực tiếp bình luận về hoạt động của hai chiếc khu trục hạm hôm Chủ nhật, nhưng cho biết các lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực này hàng ngày. “Chúng tôi tiến hành các hoạt động Tự do Hàng hải và Thường xuyên (FONOP), như chúng tôi đã làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục làm trong tương lai”, Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
Các viên chức Ngũ Giác Đài từ lâu đã phàn nàn rằng Trung Quốc chưa đủ thẳng thắn giải thích lý do về việc xây dựng quân đội nhanh chóng và sử dụng các hòn đảo Biển Đông để thu thập thông tin tình báo trong khu vực.
Vào tháng Ba, một tàu khu trục Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành một hoạt động “tự do hàng hải” gần với Rạn san hô Mischief ở quần đảo Trường Sa.
Các viên chức Trung Quốc đã cáo buộc Washington đặt đất nước của họ trong tình trạng “chiến tranh lạnh” đáng ngờ. Trong khi đó Hoa Kỳ cho biết họ muốn thấy sự tham gia nhiều hơn của quốc tế vào các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.
Ngọc Thạch
Theo Independent
Calitoday
Hai chiến hạm Hoa Kỳ đi bên trong vùng 12 hải lý ở Hoàng Sa
Khu trục hạm USS Higgins đi bên trong phạm vi 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa. (Hình: Wikipedia) |
WASHINGTON, DC (NV) – Hai chiến hạm trang bị hỏa tiễn của Hoa Kỳ đã đi bên trong phạm vi 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa, biểu dương quyền tự do hải hành, theo lời viên chức Bộ Quốc Phòng Mỹ.
Khu trục hạm trang bị hỏa tiễn USS Higgins và tuần dương hạm trang bị hỏa tiễn USS Antietam hôm Chủ Nhật, 27 Tháng Năm, 2018 đã thực hiện chuyến đi biểu dương quyền tự do hải hành trong các vùng biển quốc tế gần quần đảo Hoàng Sa hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng nhưng Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền “có các bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi.”
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, trung tá Chris Logan, gửi một bản tuyên bố đến báo chí nói rằng “Các lực lượng của Hoa Kỳ hoạt động trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương hàng ngày, bao gồm cả khu vực Biển Đông. Tất cả mọi hoạt động đều được tiến hành theo đúng luật lệ quốc tế để chứng tỏ rằng Lực lượng Mỹ sẽ bay qua vùng trời, tàu di chuyển, và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật lệ quốc tế cho phép.”
Trước việc này, Bắc Kinh bày tỏ sự tức tối khi cho Bộ Quốc Phòng đưa ra bản tuyên bố nói Mỹ “vi phạm luật lệ của cả Trung Quốc và luật quốc tế, khi xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, đồng thời làm tổn hại sự tin cậy lẫn nhau giữa hai quân đội.”
Bản tuyên bố của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc còn nói rằng các phi cơ và chiến hạm của Trung Quốc đã được điều động tới xua đuổi các chiến hạm Mỹ ra khỏi khu vực.
Việc hai chiến hạm Mỹ vừa đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa có vẻ như một phản ứng lại hành động một tuần lễ trước khi Bắc Kinh lên tiếng khoe kèm theo video clips máy bay ném bom tầm xa của họ đã thực tập lên xuống phi đạo tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, nơi được Bắc Kinh đặt bộ chỉ huy cho lực lượng kiểm soát Biển Đông.
Vào dịp này, Bắc Kinh cũng cho một số máy bay thực tập ném bom vào mục tiêu giả định trên Biển Đông nhưng không cho biết chi tiết.
Khu trục hạm USS Higgins và tuần dương hạm USS Antietam đi tuần tra tự do hải hành ở Hoàng Sa chỉ một ngày sau khi có tin Mỹ rút lại lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập hải quân quốc tế hai năm một lần Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) dự trù diễn ra vào Tháng Sáu tới đây.
Một trong những lý do chính được hiểu ngầm là Hoa Kỳ bày tỏ khó chịu đối với hành động tiến hành quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh, bất chấp các lời cảnh cáo.
Mới đây, Bắc Kinh đã đưa hệ thống hỏa tiễn phòng không di động tối tân tới đảo Phú Lâm. Các hình ảnh vệ tinh do công ty ImageSat International cung cấp cho thấy hai giàn phóng đặt trên xe tải nhìn thấy ở phía bắc của đảo bên cạnh hệ thống radar, tất cả đều được trùm lưới ngụy trang.
Tuy khó biết đích xác những giàn hỏa tiễn phòng không đó thuộc loại nào nhưng một số chuyên viên tin rằng chúng tương tự như hỏa tiễn phòng không HQ-9 từng được đưa tới đảo Phú Lâm hồi năm 2016. Loại hỏa tiễn này có tầm bắn 125 dặm nên đe dọa cho tất cả các loại máy bay nào, dù quân sự hay dân sự nằm trong tầm uy hiếp của nó.
Theo Reuters, hai chiến hạm Mỹ đi gần các đảo ở Hoàng Sa hôm Chủ Nhật đã ngang qua các đảo Cây, Linh-Côn, Tri Tôn và Phú Lâm. Một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là đảo Phú Lâm, đã được Trung Quốc cơi nới mở rộng để kéo dài phi đạo.
Trước đây, các khu trục hạm Mỹ đã đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa. Các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam khai thác thủy sản gần khu vực này đều bị tàu tuần Trung Quốc tấn công từ cướp hết thủy sản, trang bị hải hành đến đâm chìm.
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét