Dạo những bước chân chậm rãi trên đường phố Sài Gòn, dưới tiết trời không nhiều nắng, thường hay mưa vào buổi chiều, quán xá, cửa hàng vẫn hoạt động như thường ngày và đường phố vẫn tấp nập người qua lại, cảnh tình nhìn bình yên nhưng người viết thở ra những hơi thở khá nặng nề. Nếu ai đó hỏi tình hình Sài Gòn mấy ngày qua như thế nào? Người viết không ngần ngại trả lời là tình hình hiện khá căng thẳng, báo đài nhà nước Việt Nam cho biết chỉ riêng Sài Gòn đã có mấy trăm người dân bị Công an, An ninh Sài Gòn bắt giữ để xử lý với cáo buộc gây rối trật tự công cộng, phá rối an ninh…Những địa danh như phố đi bộ Nguyễn Huệ, trước nhà thờ Đức Bà, sân vận động Tao Đàn mấy ngày qua bỗng trở thành địa điểm điểm hình cho sự bắt bớ, giam giữ, đánh đập những người bày tỏ quan điểm phản đối dự thảo Luật Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi chung là Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng 2018 mà đỉnh điểm là góp phần làm nên một Sài Gòn “điạ chấn ngày 10 tháng 6” với nhiều cảm xúc khó tả. Giờ đây, có thể gọi là “hậu địa chấn ngày 10 tháng 6”, không ít người trong số đó đã bị khởi tố hình sự, không ít người trong số đó đã bị bắt nhầm và cũng không ít người rời khỏi đồn công an với vết thương tích bị hành hung thô bạo.
Chưa hết, Sài Gòn của những ngày qua với hàng rào thép gai đặt đầy rẫy các ngã đường, rồi lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, Dân quân tự vệ, An ninh chìm nổi…đóng chốt ở khắp nơi như thiết quân luật.
Sài Gòn nói riêng, Việt Nam nói chung và đặc biệt ở tỉnh Bình Thuận miền Trung tình hình cũng căng thẳng không kém gì Sài Gòn. Sau sự kiện xảy ra vào ngày 10&11/6/2018, từ cuộc biểu tình ôn hòa bày tỏ quan điểm phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng 2018 bỗng chốc trở thành cuộc đối đầu quyết liệt giữa hàng ngàn người dân với lực lượng cầm quyền. Giờ đây những người biểu tình bị Công an tỉnh Bình Thuận mà cụ thể ở đây là Công an huyện Bắc Bình gọi là “người phạm tội” và ra thư kêu gọi “người phạm tội” ra đầu thú, khai báo để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, đồng thời kêu gọi người dân tố giác “người phạm tội”…rất nhiều người biểu tình bị công an đánh giấy mời mời lên trụ sở công an làm việc hoặc đích thân lực lượng công an đến nhà bắt người giải đi rồi sau đó khởi tố hình sự.
Những tỉnh, thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…rất nhiều người bày tỏ quan điểm phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng 2018 bị cơ quan Công an ‘mời” đi làm việc.
Biểu tình là quyền được hiến định của người dân Việt Nam, lo lắng cho hiện tình đất nước và dân tộc sẽ tồi tệ hơn khi dự thảo Luật Đặc khu và luật An ninh mạng 2018 được Quốc hội Việt Nam khóa XIV Kỳ họp thứ 5 thông qua nên bày tỏ quan điểm phản đối đây đích thực là lòng yêu nước của người dân. Chính lòng yêu nước này đã khiến cho Quốc hội Việt Nam khóa XIV Kỳ họp thứ 5 phải tạm hoãn việc thông qua Luật Đặc khu một kỳ họp và chỉ thông qua Luật An ninh mạng 2018. Và lòng yêu nước này hiện tại đang bị báo đài Việt Nam phỏng vấn các nhân vật, đăng thông tin cho rằng người biểu tình đi biểu tình nhận được 300.000VND, bị các thế lực thù địch với nhà cầm quyền xúi giục, kích động làm rối loạn an ninh xã hội Việt Nam… hoặc như lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào sáng 17/6/2018, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hà Nội sau kỳ họp thứ 5Quốc hội Việt Nam khóa XIV rằng: “Một số phần tử xấu lợi dụng công nghệ để xuyên tạc, kích động, gây rối, biểu tình đường phố, làm cách mạng màu lật đổ chính quyền nên phải có Luật An ninh mạng để bảo vệ an ninh quốc gia và quyền công dân”, hoặc như lời của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào sáng 11/6, trước khi bước vào phiên thảo luận chính tại hội trường Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Việt Nam khóa XIV rằng : “…không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng để gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”.
Theo người viết có thể không phủ nhận một điều là trong số hàng ngàn, hàng vạn người rầm rộ xuống đường biểu tình ở nhiều tỉnh, thành Việt Nam trong mấy ngày qua có thể có một số cá nhân thuộc thành phần xấu, thành phần trà trộn vào dòng người biểu tình để phá rối, gây bất lợi cho người biểu tình. Mặc dù vậy, có một sự thật không thể phủ nhận đó là lòng yêu nước của người dân không dễ gì bị bôi bẩn, muôn triệu trái tim hòa cùng nhịp đập cho Tổ quốc thân yêu và nó sẽ càng lan tỏa rộng lớn hơn khi bị những cá nhân, tổ chức dồn vào đường cùng hòng mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân.
Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội hay Sài Gòn…người yêu nước có thể bị bức hại, bị quy chụp bôi bẩn hoặc bị bỏ tù nhưng lòng yêu nước thì không thể một thứ gông cùm, nhà lao nào có thể nhốt được./.
Quê Hương
Calitoday
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét