Vì sao bà Ngân ‘lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật’? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Vì sao bà Ngân ‘lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật’?


Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội và là nhân vật đã ủng hộ tuyệt đối ‘Luật bán nước’, thậm chí còn áp dụng tiểu xảo chính trị với phát ngôn đầy tính áp đặt ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ như một cách nói để không cho ai nói khác với đảng. Ảnh: Dân Trí

Dù chưa bao giờ có được một nghị quyết hay thậm chí hé môi một tiếng nói để lên án Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam và bắn giết ngư dân Việt, Quốc hội Việt Nam lại vừa ghi thành tích với Bộ Chính trị đảng bằng tuyên bố ‘lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật’.

Tại phiên bế mạc Quốc hội vào buổi sáng 15/6/2018, tuyên bố trên được dõng dạc phát ra bởi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi quan chức này “khẳng định Quốc hội nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội. Đồng thời đề nghị Chính phủ xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, không hiểu sao bà Ngân lại không nói rõ về những tổ chức hay cá nhân nào đã ‘lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật’.

Phát biểu của bà Ngân diễn ra trong bầu không khí ‘toàn quốc xuống đường’: cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu năm 2018 phản đối ‘Luật bán nước’ (một cách gọi của nhân dân đối với Dự Luật Đặc khu) và ‘đả đảo Trung Quốc’ như thác gầm đến hàng trăm ngàn người xuống đường ở Sài Gòn và lan rộng đến hơn 50% tỉnh thành trong cả nước, trở thành một sự kiện chưa từng có từ thời điểm 1975. Cuộc tổng biểu tình này cũng là đầu tiên xác quyết không chỉ phản đối một chủ trương hay một chính sách của chính quyền, mà còn thể hiện sự phản kháng trực tiếp đối với chính quyền.

Dù đã được âm thầm chuẩn bị trong nội bộ đảng cầm quyền từ vài năm trước, nhưng chỉ đến sát kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018, ‘Luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như đặt sự đã rồi. Còn trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu. Và càng tuyệt đối không có bất kỳ ý tưởng nào của chính quyền về ‘trưng cần dân ý’ đối với dự luật gắn liền với cơ thể chủ quyền lãnh thổ này.

Ngay sau khi ‘Luật bán nước’ được công bố, rất nhiều người dân và trí thức đã dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.

Mạng xã hội lập tức biến thành một chiến trường gầm vang với vô số chỉ trích, kể cả chửi rủa nhắm vào Bộ Chính trị đảng, đặc biệt xoáy vào những nhân vật có liên quan trực tiếp đến dự luật này là Phạm Minh Chính – Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương và là bí thư tỉnh Quảng Ninh vào thời lập dự án cho đặc khu Vân Đồn tại tỉnh này; Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội và là nhân vật đã ủng hộ tuyệt đối ‘Luật bán nước’, thậm chí còn áp dụng tiểu xảo chính trị với phát ngôn đầy tính áp đặt ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ như một cách nói để không cho ai nói khác với đảng; và cả Nguyễn Phú Trọng – một tổng bí thư mà sau chuỗi hô hào ‘lò nóng lên rồi!’ thì lại tuyệt đối mất dạng trước con sóng phẫn nộ của nhân dân đòi hoãn hay hủy bỏ Dự Luật Đặc khu.

Người dân có đầy đủ lý do để phẫn nộ và căm phẫn.

Sau rất nhiều lần, Quốc hội Việt Nam một lần nữa chứng tỏ cái năng lực nổi bật của nó: không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, ‘cơ quan dân cử’ này còn tiến xa hơn một bước bằng một kỳ họp châu đầu vào ‘Luật bán nước’, trong khi hoàn toàn không thèm ngó ngàng gì đến cảnh nạn hàng ngàn người dân ở ‘Khu đô thị mới Thủ Thiêm’ đã bị chính quyền TP.HCM biến thành dân oan, phải tha phương cầu thực và cả những cái chết tự treo cổ do quá phẫn uất khi bị cưỡng chế đẩy đuổi khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất.

Trừ một số rất hiếm hoi dân biểu phát tiếng nói phản biện, tuyệt đại đa số còn lại trong số gần 500 đại biểu quốc hội vẫn tiếp tục thói ‘ngủ ngày’ trong cơn mộng du vong bản và vong dân.

‘Suy giảm niềm tin’ vẫn còn là cách mô tả quá tô hồng. Trong thực tế, dân đã mất sạch niềm tin vào chế độ trong rất nhiều vụ việc mà chính quyền chỉ hứa hẹn nhưng không hề làm, hoặc thậm chí làm ngược lại.

Vụ Dự Luật Đặc khu cũng tương tự. Bất chấp đề nghị của Chính phủ về hoãn dự luật này, rất nhiều người dân đã không tin, không còn tin một chút nào, và họ vẫn giữ ý định xuống đường để hy vọng bằng những bước chân rầm rập và cánh tay giương cao biểu ngữ phản đối, ‘luật bán nước’ sẽ bị hủy bỏ và do vậy nước sẽ không bị bán.

Quốc hội Việt Nam là của ai?

Lòng dân đã bức bối và căm phẫn đến tột độ một chế độ ăn tàn phá hại, bóc lột dân chúng thậm tệ và đẩy cả dân tộc vào cảnh tuyệt vọng. Chỉ cần có cơ hội là tung chân xuống đường.

Cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 đã chứng tỏ cái sức mạnh biển trời của nó trước con thuyền mục nát của chính quyền. Rất nhiều quan chức công an từ cao xuống thấp đang cảm nhận ngày càng rõ về hồi chuông báo tử đối với chế độ đang vang rền những tiếng quyết định, báo trước thời khắc quyết định trong không bao lâu nữa.


Thiền Lâm
Calitoday

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad