Thằng đứng im là thằng phản động - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Thằng đứng im là thằng phản động


Bà Nguyễn Phương Mai. Ảnh: Báo TT
In Vietnam, traitor/ treason is a term loosely used for dissidents. Loyalty to the communist party overlaps with loyalty to the country. Go figure! (Tiếng Dân tạm dịch: Ở Việt Nam, kẻ phản bội/ phản quốc là một thuật ngữ thường được sử dụng rộng rãi cho những người bất đồng chính kiến. Lòng trung thành với đảng Cộng sản lẫn lộn với lòng trung thành đất nước. Bó tay!)

1. Một vài bạn inbox cho tôi bày tỏ lo lắng vì gia đình kêu bạn là “phản động” khi không đồng tình với luật an ninh mạng.

Xin nói ngay, nếu vậy là phản động thì có tới 15 đại biểu quốc hội bị án ấy rồi. Không những vậy, bày tỏ quan điểm, giám sát chính phủ là nhiệm vụ của một công dân – Lời Hồ Chủ tịch, và cũng được quy định trong điều 28 Hiến Pháp.

Trên nguyên tắc, bạn bầu ra quốc hội. Quốc hội mà có một quyết định sai tức là BẠN sai chứ chửi với kỷ luật ai – Lời của cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Điều bạn cần làm viết thư, gọi điện cho đại biểu quốc hội của mình để chất vấn và làm rõ tại sao ông/bà ta bỏ phiếu cho luật này – đây là quyền công dân được quy định trong điều 79 của Hiến Pháp. Danh sách các vị đó ở đây.

Nguyên tắc chung của nền dân chủ là đại biểu của dân phải công khai quyết định của mình, để dân còn giám sát và rút kinh nghiệm cho lần bầu sau, chứ không phải lén lút bấm nút như ở VN.

2. Một số bạn cho rằng Facebook từ xưa đến nay vẫn cung cấp thông tin cho lực lượng chấp pháp.

Về nguyên tắc là vậy. Tuy nhiên, các điều kiện dẫn đến việc này được quy định rất đầy đủ rõ ràng. Ví dụ, nguyên nhân để facebook cung cấp các thông tin cơ bản mà không cần trát của toà là khi sự việc cấp bách liên quan đến tính mạng, cướp giật, hoặc an toàn của công dân. Các yêu cầu khác thường phải có giấy/ lệnh của toà, thậm chí có sự thông báo cho người dùng. Bạn có thể tham khảo tại facebook.com/safety/groups/law/guidelines/

Như vậy, điều khiến chúng ta quan ngại là việc luật an ninh mạng tại VN khiến những yêu cầu của công an với facebook coi nhẹ những chỉ số về đảm bảo an toàn cho công dân, mà thiên về việc đảm bảo an toàn cho quyền lợi của đảng cầm quyền.

Chúng ta cũng có quyền đòi hỏi facebook làm sáng rõ những điều kiện mà nhà cung cấp này sẽ sử dụng khi đồng ý chia sẻ thông tin với công an. Nếu không đồng ý chúng ta có thể khiếu nại.

Kết luận: Điều lo ngại là sự LẠM QUYỀN chứ không phải là có hay không có QUYỀN.

3. Cũng có bạn nói mình sống lương thiện ngay thẳng không làm gì SAI TRÁI thì không sợ.

Ý này khá ngây thơ, nhất là trong bối cảnh VN. Tại sao? Vì nội hàm của sự sai trái được quyết định bởi kẻ có quyền lực. Ví dụ, bạn phê bình chính quyền – vốn là trách nhiệm của công dân. Tuy nhiên, nếu chính quyền không thích điều bạn phê phán thì sự PHẢN ĐỐI của bạn sẽ bị coi là CHỐNG ĐỐI, và trở thành sai trái. Bạn biểu tình, hoàn toàn đúng hiến pháp quy định. Nhưng chính phủ không ban hành quy tắc cho việc biểu tình, bắt bạn và khép vào tội quấy rối nơi công cộng. Như vậy, từ một việc làm đúng hiến pháp lại bị quy thành tội trạng.

Kết luận: Điều lo ngại không phải là trừng phạt theo luật mà là luật MƠ HỒ và dễ bề LẠM QUYỀN.

4. Cuối cùng, với những bạn vung vãi từ “phản động” khắp nơi mà không thực sự hiểu ý nghĩa của từ này, tôi xin chia sẻ như sau:

Trung thành với đảng khác trung thành với đất nước. Tổ Quốc chỉ có một và khá trường tồn, đảng không bao giờ là duy nhất, và không bao giờ mãi mãi, kể cả đảng cộng sản ở VN. Vì vậy, đảng không cần viết hoa còn Tổ Quốc thì luôn phải viết hoa.

Trên phần lớn thế giới, kể cả các quốc gia kém phát triển, đảng cứ vài năm thay đổi một lần. Vì vậy, trung thành với đảng là trung thành với một thứ hữu hạn. Trung thành và yêu mến đảng hoàn toàn không liên quan gì đến tình cảm của bạn dành cho Tổ Quốc. Nếu đảng cầm quyền mà yếu kém, sai trái, chỉ trích đảng là một biểu hiện của tình yêu với Tổ Quốc.

PHẢN ĐỘNG (REACTIONARY): Ý nghĩa của từ này là “Chống lại sự thay đổi được cho là tất yếu của xã hội.”

A. Từ “Phản động” bắt nguồn từ cuộc cách mạng Pháp (réactionnaire), là từ được dành cho những kẻ ủng hộ chế độ quân chủ (nhà vua), đi ngược lại trào lưu cách mạng, tiến hóa, văn minh. Từ Phản Động ám chỉ tư tưởng lạc hậu, chỉ khư khư ôm lấy hào quang quá khứ, không chịu vận động, không chịu chấp nhận sự thay đổi, bảo thủ, trì trệ, lỗi thời, không tiến kịp với tầm phát triển và thay đổi của thế giới.

B. Vào thời kỳ đối đầu của hai tư tưởng Xã Hội chủ nghĩa và Tư Bản chủ nghĩa, những người cộng sản tin rằng lý tưởng cộng sản là đường đi tất yếu của phát triển, thế giới nhất định sẽ tiến lên theo con đường này. Chính vì thế, họ coi phe tư bản là Phản Động, tức là không chịu chấp nhận tính tất yếu của chủ nghĩa Cộng sản, chỉ đứng im, không chịu nhúc nhích, cử động theo đà phát triển của thế giới.

C. Sau khi khối Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, từ Phản Động vẫn tiếp tục được dùng ở một số ít quốc gia còn bám trụ với tư tưởng này (trong đó có Việt Nam) để chỉ những kẻ chống lại mục tiêu (tất yếu) của Chủ nghĩa cộng sản, hoặc chính xác hơn là chống lại chính quyền đi theo tư tưởng Cộng sản.

Việc coi ai, tổ chức nào là Phản Động phụ thuộc vào việc cá nhân hoặc tổ chức đó

(1) có tư tưởng đổi mới, tức là không Phản Động, hoặc

(2) chống lại những sự biến đổi phát triển tất yếu của thế giới, tức là thành Phản Động.

Hiểu nôm na: Thằng “đứng im” là thằng Phản Động.

Trong những ngày qua, bạn “đứng im” hay “chuyển động”?


Nguyễn Phương Mai
FB Nguyễn Phương Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad