“Chính phủ Cộng hòa Czech đã quyết định tạm ngừng tiếp nhận đơn xin thị thực dài hạn cho mục đích lao động và kinh doanh đối với công dân Việt Nam,” theo thông cáo đăng trên trang web của Đại sứ quán Cộng hòa Czech tại Hà Nội ra ngày 20/7. Thông cáo cho biết Bộ Ngoại giao Czech đã triển khai các biện pháp thích hợp có hiệu lực kể từ ngày 18/7/2018.
Hôm 17/7, Nguyễn Hải Long, một người Việt sinh sống ở Czech, đã thú nhận trước tòa thượng thẩm Berlin rằng ông tham gia vào vụ bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh, mà Hà Nội lúc đó đang truy nã.
Trong thông cáo của sứ quán Czech ở Hà Nội, Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek cho biết lý do đưa ra biện pháp trên là vì hiện nay cơ quan ngoại giao này đang “quá tải về số lượng đơn xin cấp thẻ lao động và thị thực dài hạn theo mục đích không kinh doanh.”
Tuy nhiên một lý do khác mà vị bộ trưởng này đưa ra liên quan đến quyết định ngừng cấp visa cho người Việt Nam là vì “Hội đồng An ninh Quốc gia Cộng hòa Czech đã đề cập tới những lo ngại về các nguy cơ khác.”
Việt Nam đã trở thành một mối nguy an ninh trong lĩnh vực xuất khẩu tội phạm có tổ chức.
Jan Hamacek, Bộ trưởng Nội vụ Czech
Tháng trước, nguyên Ngoại trưởng Czech Lubomir Zaoralek cáo buộc “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu" của nước ông.
Đầu tháng này Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích và phủ nhận tuyên bố của ông Zaoralek, hiện đang là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Cộng hòa Czech.
Chủ tịch Zaoralek còn cho rằng “chính thị thực du học là công cụ tối ưu nhất để đưa tội phạm vào Czech” khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến những khó khăn trong việc người Việt xin thị thực nhập cảnh vào nước này, bao gồm cả thị thực du học.
Chính thị thực du học là công cụ tối ưu nhất để đưa tội phạm vào Czech.
Lubomir Zaoralek, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Czech
Làn sóng người Việt tới Czech ban đầu để làm công nhân và đã ở lại đó sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Đông Âu vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Họ bỏ việc tại các doanh nghiệp nhà nước và chuyển sang làm việc trong các nhà hàng ăn uống và bán hàng trên phố. Cả hai ngành nghề này đều có liên quan tới các tội phạm có tổ chức, theo tờ báo có trụ sở tại Hong Kong, South China Morning Post.
Nhiều người Việt trước đây cũng từng bị bắt giữ ở Czech do liên quan đến buôn bán ma túy.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét