50/50
Một tuần trước đó, Trương Minh Tuấn đã bị Bộ Chính trị cảnh cáo về mặt đảng và sau đó bị mất chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ TT-TT. Theo nguyên tắc đảng, các bộ trưởng, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân tỉnh thành đồng thời kiêm nhiệm chức vụ bí thư ban cán sự đảng, do vậy việc bị mất chức bí thư đảng luôn đồng nghĩa với mất ghế bên chính quyền.
Khi đó, một số tin tức ngoài hành lang cho biết có khoảng một nửa thành viên Bộ Chính trị muốn khai trừ đảng Trương Minh Tuấn, được hiểu là tiền đề để loại Trương Minh Tuấn khỏi Ban chấp hành trung ương và do đó không còn hưởng ‘quyền bất khả xâm phạm’ của tư cách đại biểu quốc hội mà từ đó có thể dẫn đến động tác khởi tố và bắt giam như đối với trường hợp ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng; còn nửa kia của Bộ Chính trị lại có vẻ ưu ái dành cho Trương Minh Tuấn quyền đặc cách chỉ bị cảnh cáo đảng nhưng vẫn giữ chức bộ trưởng Bộ TT-TT, hoặc có bị thuyên chuyển khỏi cái ghế này thì cũng vẫn còn giữ được chức vụ Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương - cái ghế mà vào tháng Tám năm 2016 Trương Minh Tuấn đã được Tổng bí thư Trọng đặc cách cho kiêm nhiệm như một cách gián tiếp trở thành ‘người của đảng nắm chính quyền’.
Chính vào cái năm 2016 mà lần đầu tiên vươn tới danh vọng Bộ trưởng TT-TT ấy, Trương Minh Tuấn đã được nhiều dư luận xem là một trong những ‘truyền nhân’ của Nguyễn Phú Trọng. Không chỉ nắm giữ quyền sinh quyền sát đối với gần hết khối báo chí nhà nước, biến thành bộ trưởng TT-TT lập kỷ lục ‘bịt miệng báo chí’ và ‘sát thủ báo chí’ nhiều nhất, Trương Minh Tuấn còn là người đặc biệt tỏ ra “cực đỏ” và “kiên định chủ nghĩa xã hội” khi tung ra loạt hai bài với tựa đề rất “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng” trên báo đảng Nhân Dân là “Nhận diện nguy cơ ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa’ trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục” vào tháng Mười năm 2016.
Vì thế hiểu theo một cách nào đó, Trương Minh Tuấn được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’.
Không chỉ cần thiết cho Nguyễn Phú Trọng trong chủ trương kiên định ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’, Trương Minh Tuấn còn có thể trở thành nhân vật khó có thể thay thế trong bối cảnh năm 2018 và năm 2019 khi luật An ninh mạng đã được một quốc hội ‘nghị gật’ cắm đầu bấm nút thông qua, một tổng bí thư muốn ‘vận dụng’ luật này để ‘bảo vệ chế độ’ và áp chế mọi tiếng nói khác biệt chính kiến, và sẽ được triển khai từ đầu năm 2019. Trương Minh Tuấn chính là công cụ đắc lực để một đảng toàn trị và độc đoán được bảo vệ và kéo dài hơi thở phập phù ngày nào hay ngày nấy.
Không quá khó hiểu là với ‘nhân cách’ trên, Trương Minh Tuấn đã tạm thoát hiểm hai lần trước và sau Hội nghị trung ương 7 tháng Năm năm 2018.
Hai lần thoát hiểm
Lần thoát hiểm đầu tiên xảy ra sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra về vụ ‘MobiFone mua AVG’ vào tháng Ba năm 2018. Ngay lập tức, Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn đã ‘nhảy dựng’ phản bác kết luận thanh tra này bằng một văn bản ‘kháng cáo’ dài đến ba chục trang, không có chữ ký nhưng lại được đóng dấu treo của Bộ TT-TT và được gửi đăng ở trang mạng của nhiều tờ báo nhà nước, dù chỉ vài tiếng đồng hồ sau ‘sát thủ báo chí’ đã bị một bàn tay bí ẩn nào đó thẳng tay bị miệng với chỉ đạo buộc các báo phải đồng loạt gỡ bỏ bản ‘kháng cáo’ của Trương Minh Tuấn.
Tuy nhiên sau đó, Trương Minh Tuấn vẫn ‘ung dung tự tại’ trên cái ghế bộ trưởng TT-TT, thậm chí còn được cho xuất hiện trong vài cuộc hội thảo và chủ trì giao ban báo chí hàng tháng để khoe thành tích đã ‘chỉ đạo’ Gooogle và Facebook bóc gỡ gần 7000 nội dung ‘xấu độc’ và ‘phản động’.
Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4/2018 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra chính phủ và C46 của Bộ Công an, Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ - nhưng lại bị dư luận xem là một cách chạy án quá lộ liễu và trắng trợn.
Trong thời gian trên, cũng phát ra nhiều đồn đoán rằng viên bộ trưởng ‘chuyên chính vô sản’ này đã tự nguyện hoàn trả một căn hộ triệu đô - vốn được Phạm Nhật Vũ là em trai của Phạm Nhật Vượng Tập đoàn Vingroup tặng - như một cách ‘khắc phục hậu quả’.
Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018 đã khác hẳn Hội nghị trung ương 6 trước đó nửa năm khi chẳng hề mang không khí ‘củi lửa’ gì. Trách nhiệm cố ý làm trái của Trương Minh Tuấn trong vụ AVG cũng không được quan chức nào hé môi.
Lần thoát hiểm thứ hai của Trương Minh Tuấn trùng với thời điểm cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone và Phạm Đình Trọng - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ TT-TT vào ngày 10/7/2018. Vào lúc đó, đã không hiện ra cái tên Trương Minh Tuấn trong danh sách khởi tố bắt giam.
Nhưng hiện tượng Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son ‘thoát’ mà chỉ có Lê Nam Trà và Phạm Đình Trọng bị khởi tố và bắt giam đã khiến dậy lên dư luận xã hội, giới cách mạng lão thành, cựu chiến binh và cả dư luận trong nội bộ đảng cho rằng Trà và Trọng chỉ là kẻ thừa hành, trong khi cựu bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son mới là kẻ chủ mưu, cùng một kẻ chủ mưu khác và thừa hành đắc lực là Trương Minh Tuấn thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, cho dù cả Son và Tuấn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm là ‘rất nghiêm trọng’.
Vì sao ‘tạm đình chỉ’ Trương Minh Tuấn vào thời điểm này?
Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Nếu ông Trọng xử vụ Trương Minh Tuấn quá nhẹ nhàng theo cách ‘đập chuột sợ vỡ bình’, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ hoàn toàn vô giá trị trong con mắt thế thái nhân tình, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Là người đặc biệt quan tâm dư luận giới cách mạng lão thành và thường xuyên tham khảo ý kiến của các cựu thần trong đảng, hẳn Nguyễn Phú Trọng đã nhận ra rằng ông ta sẽ bị bất lợi lớn về uy tín nếu chỉ đốt ‘củi rừng’ mà chừa ‘củi nhà’. Đây có thể là nguồn cơn chính dẫn đến quyết định ‘tạm đình chỉ’ chức vụ Bộ trưởng TT-TT đối với Trương Minh Tuấn vào ngày 23/7/2018, và chỉ định Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) - doanh nghiệp chủ công trong âm mưu cướp đoạt 59 ha đất đồng Sênh của dân Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội và khiến gây ra cuộc khủng hoảng Đồng Tâm vào tháng Tư năm 2017 - thay thế Tuấn làm bí thư Ban cán sự đảng bộ TT-TT.
Mặc dù Trần Đại Quang với tư cách chủ tịch nước, ký quyết định ‘tạm đình chỉ’ chức vụ Bộ trưởng TT-TT đối với Trương Minh Tuấn, nhưng với cái cách báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin công khai về sự thay đổi nhân sự này và thậm chí còn giải thích vì sao là chủ tịch nước chứ không phải thủ tướng ra quyết định trên, có thể nhận ra quyết định cách chức Trương Minh Tuấn là do ‘tập thể Bộ Chính trị’ thống nhất, với sự chủ trì và vai trò chi phối rất lớn của ông Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng vì sao vụ ‘tạm đình chỉ’ Trương Minh Tuấn xảy ra vào thời điểm này mà không để đến tháng Mười năm 2018 là lúc Quốc hội họp kỳ họp cuối năm và theo đề nghị của thủ tướng để miễn nhiệm đối với Trương Minh Tuấn?
Và tại sao quyết định ‘tạm đình chỉ’ chức vụ Bộ trưởng TT-TT đối với Trương Minh Tuấn lại được công khai, trái với truyền thống ‘xử lý nội bộ’ các quan chức cấp cao bằng hình thức ‘thông báo điều chỉnh chức trách nhiệm vụ’ chỉ được thông tin trong nội bộ đảng và khối chính quyền mà không thể lọt ra công luận?
Khởi tố bị can và luật quả báo
Cách thức thay Trương Minh Tuấn bằng Nguyễn Mạnh Hùng lại khá giống với sự kiện thay Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bằng một nhân vật khác là Trương Quang Nghĩa - trước đó là Bộ trưởng giao thông vận tải. Ngay sau khi bị mất ghế, Nguyễn Xuân Anh phải đối mặt với Hội nghị trung ương 6 của đảng vào đầu tháng Mười năm 2017 và đã bị mất luôn ghế ủy viên trung ương.
Còn ngay phía trước Trương Minh Tuấn không phải là một hội nghị trung ương, nhưng lại là vụ án đã khởi tố ‘MobiFone mua AVG’.
Phải chăng do sức ép của dư luận xã hội và nội bộ đảng về ‘chống tham nhũng phải công bằng’, Nguyễn Phú Trọng đã quyết định sẽ tống Trương Minh Tuấn vào ‘lò’, tức sẽ chuẩn y cho Bộ Công an thi hành lệnh khởi tố bị can và có thể bắt giam đối với Trương Minh Tuấn trong thời gian tới?
Mà nếu Tuấn bị khởi tố, Nguyễn Bắc Son cũng không thể thoát.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Bộ trưởng TT-TT vào thời đó là Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7000 tỷ.
Sau hai lần tạm thoát hiểm, số phận của Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son giờ đây lại trở nên cheo leo bên vực thẳm. Cả hai quan chức ‘ăn đậm’ này có thể bị khởi tố bị can bất cứ lúc nào, tuy chưa biết có bị bắt giam hay sẽ được ‘tại ngoại hầu tra’.
Đời quan chức quả là không biết đường nào mà lần, nhưng kẻ làm ác thì không thể thoát được luật quả báo, không phải kiếp này thì cũng là kiếp sau. Đinh La Thăng là một dẫn chứng vô cùng sống động về luật quả báo ấy.
Vào tháng Năm năm 2017, dù bị kỷ luật cảnh cáo và mất cả hai ghế ủy viên bộ chính trị lẫn bí thư thành ủy TP.HCM, ông Thăng vẫn được thuyên chuyển về ‘Ban phó ban’ là ban Kinh tế trung ương, tưởng đâu đã thoát nạn. Nhưng vào một buổi sáng nắng đẹp chỉ 7 tháng sau đó, Đinh La Thăng đã không thể đi dự họp lớp cũ ở Ba Vì, để ít lâu sau đã trở thành tác giả của một triết lý nổi tiếng về sự tận cùng số phận quan chức: ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người’.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét