Hội nghị thượng đỉnh Helsinki là sự bắt đầu của một ‘vở kịch nhiều màn’ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuối cùng, kết quả thực tế sẽ nói nhiều hơn những gì thể hiện hôm 16/7. Mọi người sẽ có được sự hiểu biết tốt hơn nhiều về tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh sau 6 tháng hoặc một năm so với những gì biết được ngày hôm nay. Stephen Yates
I. LÀN SÓNG CHỐNG ĐỐI ỒN ÀO
Làn sóng chống đối ồn ào của giới truyền thông và các chính trị gia chuyên nghiệp nhắm vào Tổng thống Donal Trump gốc doanh gia là vì cung cách hành xử và lời ăn tiếng nói mà họ cho là bất xứng, không giống như các vị Tổng Thống tiền nhiệm, có tính xúc phạm và làm nhục quốc thể. Có người còn đòi đàn hạch Ông Trump để truất quyền Tổng thống… Rằng “theo các nhà sử học” chuyến công du náo loạn của ông đến châu Âu, đã phá bỏ những quy ước về các nhà lãnh đạo Mỹ trên trường quốc tế. Và rằng nhiều Tổng thống Mỹ cũng gây ồn ào khi công du nước ngoài, nhưng không có ai gây rối loạn ở mức độ như Tổng thống Donald Trump.
Sau đây đơn cử những hành động và lời nói của Tổng thống Trump bị chống đối:
1. Tán đồng sự phủ nhận của Tổng thống Nga Putin rằng “Nga chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ can dự vào chuyện nội bộ của Hoa Kỳ.”
Vì Tổng thống Trump đã tuyên bố trong cuộc họp báo một ngày sau Thương đỉnh (17-6-18) rằng "Tôi không thấy có lí do gì để Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ" . Mặc dầu sau khi trở về Nhà Trắng Tổng thống Trump đã nói lại rằng "Tôi không thấy có lý do gì để Nga KHÔNG can thiệp". Tổng thống Mỹ nói thêm "Tôi chấp nhận những kết luận của cơ quan tình báo Mỹ theo đó Nga đã can thiệp vào bầu cử hồi năm 2016".
Thế nhưng những người ủng hộ Tổng thống Trump thì cho rằng nếu thực sự có sự tán đồng phủ nhận của Tổng thống Nga Putin như thế, chẳng qua là để tạo bầu không khí thuận lợi để thành đạt mục tiêu cải thiện bang giao với Nga vì lợi ích chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ; chứ không phải đến hội nghị để tranh cãi, đổ tội, tố cáo lẫn nhau. Đồng thời, về mặt tâm lý có lẽ Ông Trump không muốn sự đắc cử của mình bị coi là do có sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử, mà là do sự tín nhiệm của đa số cử tri như Ông hằng tin tưởng.
Một vài sử gia thì phê phán rằng: Vì phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump đã chứng kiến ông ấy chấp nhận lời của một quốc gia thù địch thay vì đứng về phía các cơ quan tình báo của đất nước, sỉ nhục đồng minh và gieo rắc nghi ngờ về cam kết của nước Mỹ với khối đồng minh NATO. Nhưng có ý kiến cho rằng hành động của Tổng thống Trump chỉ như một “khổ nhục kế”, để lôi kéo “quốc gia thù địch” trở thành “đối tác sẽ đem lại lợi ích thực tế cho Hoa Kỳ”; cũng như dám mạnh miệng đòi hỏi “khối đồng minh NATO” chia sẻ gánh nặng quốc phòng, an ninh quốc tế với Hoa Kỳ, cũng chỉ là nói lên một sự thật bất công bao lâu nay với Hoa Kỳ mà các vị tiền nhiệm không ai dám nói lên…Tất cả thì cũng đúng như phương châm tranh cử “Nước Mỹ trên hết” mà Tổng thống Trump đã và đang nỗ lực thực hiện đã có kết quả bước đầu là các đồng minh NATO rốt cuộc phải đồng ý sẽ thực hiện gia tăng ngân sách quốc phòng 2% như đã thỏa thuận từ lâu vẫn chưa thực hiện, làm nhẹ bớt gánh nặng bao sân của một “Cảnh sát quốc tế” của Hoa Kỳ, là có lợi cho Hoa Kỳ.
2. Tự nhận người Mỹ có lỗi và đổ lỗi cho các Tổng thống của các chính quyền tiền nhiệm trong chuyện tạo ra tình hình bang giao căng thẳng giữa Mỹ và Nga.
Nghị Sĩ Cộng Hòa Ben Sasse, tiểu bang Nebraska phản bác trong một bản tuyên cáo, rằng “Tại sao lại phiền trách Hoa Kỳ về việc thiếu giao tình Mỹ-Nga? Người Mỹ rất muốn có liên hệ tốt với người Nga, nhưng ông Putin và bọn côn đồ của ông ta phải chịu trách nhiệm về lối lấn chiếm liên bang.”.
Nhưng cũng có nhận định rằng việc “tự nhận người Mỹ có lỗi và đổ lỗi cho các chính quyền tiền nhiệm trong việc tạo ra tình hình bang giao căng thẳng giữa Mỹ và Nga” có thể chỉ là một thủ thuật thương thảo của một doanh gia (muốn chứng tỏ mình khác với các chính quyền tiền nhiệm…) để giành một đối thủ cạnh tranh, khác với các chính trị gia chuyên nghiệp, nên bị chống đối. Tổng thống Trump chắc phải biết sẽ có sự chống đối này, nhưng Ông vẫn làm và đã từng làm theo kiểu “lội nước ngược” như thế, mà ông tin là sẽ thành công vì hợp với lòng dân, có lợi cho đất nước. Vậy cần chờ kết quả hơn là vội kết án nặng nề cách làm của Ông Trump.
Hôm 18/7, tờ Fox News cho đăng bài viết của Stephen Yates, là Phụ tá cố vấn An ninh Quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, yêu cầu mọi người đừng vội vàng phán xét hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin. Ông Stephen cho rằng Tổng thống Trump một lần nữa cho thấy ông không có cách tiếp cận thông thường về đối ngoại. Kết quả là, hầu hết những gì dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh và họp báo với Tổng thống Nga Putin tại Helsinki hôm 16/7 là hoàn toàn xa lạ với những người hiểu biết những sự kiện tương tự trong các chính quyền Mỹ trước đây. Vậy thì…
II - THƯỢNG ĐỈNH MỸ-NGA THÀNH HAY BẠI?
Muốn biết Thượng đỉnh Mỹ-Nga thành công hay thất bại, cần biết mục tiêu của Thượng đỉnh được đề ra và kết quả đạt được sau hội nghị. Thông thường mục tiêu và kết quả Hội nghị được thể hiện qua một Thông Cáo Chung sau Hôi nghị. Thượng đỉnh Trump-Putin không ra Thông Cáo Chung mà chỉ có cuộc họp báo chung.
Qua cuộc họp báo chung, người ta thấy cả hai nguyên thủ quốc gia Mỹ - Nga đều tuyên bố lạc quan về quan hệ sẽ được cải thiện ngày một tốt đẹp, có lợi trong quan hệ song phương cũng như quan hệ đa phương toàn cầu trong tương lai, khởi đi từ kết quả Thượng đỉnh Helsinki hôm 16-7-2018 vừa qua.
Sự cải thiện quan hệ ngoại giao với Nga thì ông Trump loan báo lạc quan rằng, “Giờ này bang giao đã được cải thiện, cải thiện từ bốn tiếng đồng hồ trước.” Ông nói “Từ chối không gặp nhau, không liên hệ với nhau là việc vô cùng dễ làm trên trường chính trị, nhưng thái độ đó không đưa chúng ta đến đâu hết.”. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump tỏ ra rất hài lòng về thượng đỉnh Helsinki qua tuyên bố "Cuộc gặp với tổng thống Putin là một thành công lớn, ngoại trừ trong mắt các phương tiện truyền thông đưa tin giả Fake News.”
Một dấu hiệu tốt đẹp thực tế sau Thượng đỉnh là Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Thăm Hoa Kỳ vào Mùa Thu này như là khởi đầu triển khai những gì hai bên đã đạt được trong việc cải thiện quan hệ ngoại giao ngày một tốt đẹp giữa hai nước.
Theo ông Stephen, mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh là hoàn toàn thông thường: Khám phá xem liệu nước Mỹ có đủ sự quan tâm quốc gia và ý chí của giới lãnh đạo, chấp nhận một mối quan hệ đầy rủi ro với một quốc gia có thế lực, và đưa họ theo chiều hướng hợp tác hơn. Tại thời điểm này, người ta không thể biết liệu hội nghị hôm 16/7 có thất bại hay không? Hay nó đã đánh dấu sự khởi đầu của một cách tiếp cận mới, mang lại ‘quả ngọt’ trong những năm tháng tới.Vẫn theo ông Stephen nhận xét: Một tiến bộ quan trọng trong việc đáp ứng những thách thức đối với chính sách đối ngoại mà Mỹ đang đối mặt ở Syria, Iran, Triều Tiên, Trung Quốc, Ukraine và các nơi khác, có lẽ chính là việc Hoa Kỳ cần có ít hơn sự thù địch, và nhiều hơn sự hợp tác từ Nga. Do đó rất đáng để khám phá sự hợp tác [với Nga], ngay cả khi vẫn còn sự hoài nghi,
Vẩn theo ông Stephen, Tổng thống Trump và ông Putin có thể đạt được được những tiến bộ quan trọng khi làm việc trong phòng kín, nhưng mọi người hiện nay chủ yếu phản ứng, tập trung vào những gì diễn ra trong cuộc họp báo của họ.
III- KẾT LUẬN
Tổng thống Donald Trump bị các chính trị gia chuyên nghiệp và giới truyền thông chống đối dữ dội cung cách hành xử và lời ăn tiếng nói trong cuộc họp báo một ngày sau Thượng đỉnh Mỹ-Nga hôm 16-7-2018. Nhưng qua vài cuộc thăm dò thì dường như Tổng thống Trump vẫn được sự hậu thuẫn của khoảng trên dưới 50%. Vì vậy cần quan tâm đến những dấu hiệu cho thấy kết quả của Thượng đỉnh Mỹ-Nga hơn là tập trung phê phán, kết án nặng nề cung cách hành xử và lời ăn tiếng nói của một Tổng thống nặng cá tính, vốn có cung cách hành xử đặc thù, táo bạo của một doanh nhân, có đầu óc thực dụng, khác với chính trị gia chuyên nghiệp hành xử thận trọng, rụt rè, đắn đo, tính toán thiệt hơn cho sự nghiệp chính trị cá nhân; cũng không giống các vị Tổng thống tiền nhiệm của lưỡng đảng Cộng hòa và Dân Chủ ; lại thực hiện các chính sách đối ngoại và đối nội mang tính đảo lộn theo kiểu “xóa bàn cờ cũ, chơi bàn cờ mới”.
Để kết thúc bài này, xin mượn lời kết trong bài viết trên tờ Fox News hôm 18-7 của Stephen Yates, rằng Hội nghị thượng đỉnh Helsinki là sự bắt đầu của một ‘vở kịch nhiều màn’ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuối cùng, kết quả thực tế sẽ nói nhiều hơn những gì thể hiện hôm 16/7. Mọi người sẽ có được sự hiểu biết tốt hơn nhiều về tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh sau 6 tháng hoặc một năm so với những gì biết được ngày hôm nay.
Thiện Ý
Houston, ngày 20-7-2018.
Bạn đọc làm báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét