‘Chủ trương lớn’ nhưng ‘sống chết mặc bay’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

‘Chủ trương lớn’ nhưng ‘sống chết mặc bay’


Một làng ngoại ô Hà Nội, 22 tháng Bảy, 2018. (Vietnam News Agency via AP)

Nhiều huyện thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn còn chìm trong nước – ở một số nơi, thời gian mà con người, nhà cửa, các loại tài sản, ruộng vườn, hệ thống giao thông,… bị ngâm trong nước đã tròm trèm nửa tháng. Đủ loại dịch bệnh đang bùng phát. Tin mới nhất không những không phải là tin vui mà còn làm thiên hạ nẫu lòng: Nhiều xã thuộc huyện Chương Mỹ - huyện bị ngập sâu, ngập lâu nhất – sẽ phải… sống chung với ngập lụt cho đến năm… 2020 vì… quy hoạch thoát lũ! Hồi cuối tuần trước, Chủ tịch huyện Chương Mỹ chính thức đề nghị di dân bốn xã trong huyện ra khỏi khu vực nằm trong… quy hoạch thoát lũ (1).

***

Tình trạng ngập lụt tràn lan cả ở ngoại thành lẫn nội thành Hà Nội và tính chất nghiêm trọng đạt tới mức chưa từng thấy, diễn ra đúng vào lúc chính quyền thành phố Hà Nội đôn đáo “Tổng kết mười năm thực hiện điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô”. Đầu tháng trước, tại một cuộc họp được tổ chức nhằm thu thập ý kiến đóng góp cho báo cáo tổng kết mười năm mở rộng Hà Nội, Bí thư các huyện Ba Vì, Thạch Thất cùng khẳng định, mở rộng Hà Nội là chủ trương đúng đắn, giúp hai huyện này phát triển vượt bậc (2)… Song Trời không chịu… chứng, trong vòng chưa đầy một tuần, tính từ khi Bí thư các huyện Ba Vì, Thạch Thất ca ngợi chủ trương mở rộng Hà Nội “hợp lòng dân”, dân Ba Vì, Thạch Thất rên như bọng vì cả hai nằm trong nhóm các huyện thiệt hại đủ đường do mưa, lũ, lụt lội. Đã có không ít chuyên gia khẳng định, ngập lụt chỉ là một trong những hậu quả của qui hoạch mở rộng Thủ đô (3)!

Cách nay mười năm, giống như nhiều chuyên gia, nhân sĩ trong và ngoài Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt – cựu Thủ tướng Việt Nam – phản đối kịch liệt việc mở rộng diện tích Hà Nội từ 921 cây số vuông thành 3.324 cây số vuông. Trong một thư ngỏ gửi các đại biểu Quốc hội lúc ấy, ông Kiệt lên án chủ trương “mở rộng Hà Nội” vì quá vội vàng (“mở rộng Hà Nội” chỉ là ý tưởng nảy sinh trong quá trình thực hiện đồ án “Quy hoạch Vùng Thủ đô”, chưa nghiên cứu thấu đáo thì Thủ tướng lúc ấy – ông Nguyễn Tấn Dũng – đã đem ra… trình Quốc hội). Ông Kiệt nhấn mạnh, quy hoạch đô thị là một lĩnh vực đa ngành, tiếp cận và xử lý nhiều phạm trù tri thức, tác động nhiều chiều đến nhiều mặt của cuộc sống và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển chung của quốc gia, thành ra mở rộng đến đâu, mở rộng như thế nào, mở rộng để làm gì,… phải phối hợp nhiều ngành để nghiên cứu nghiêm túc mới mong có được một dự báo đủ căn cứ, đáng tin cậy, có viễn kiến. Ông Kiệt cảnh báo, thực tế “phát triển đô thị” ở Viẹt Nam trong thời gian vừa qua đã bộc lộ những khiếm khuyết, báo trước khả năng xảy ra “khủng hoảng đô thị” và kêu gọi các đại biểu Quốc hội lúc ấy ngẫm nghĩ, hành động thận trọng (4).

Thư ngỏ vừa kể được hệ thống truyền thông Việt Nam công bố rộng rãi vào đầu tháng 5 năm 2008. Ở đầu Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa 12 – diễn ra trong suốt tháng 5 năm 2008 – chỉ có 45% đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương “mở rộng Hà Nội”. Ngay sau đó, Đoàn Đại biểu của các địa phương tại Quốc hội liên tục họp để “quán triệt” về “chủ trương lớn – mở rộng Hà Nội” của Đảng. Ngày 29 tháng 5 – Nghị quyết “mở rộng Hà Nội” được đem ra biểu quyết lần thứ hai. Lần này, có 458/475 đại biểu… nhất trí, tỉ lệ tán thành khoảng 93% (5). Báo chí Việt Nam xem con đường đưa Nghị quyết “mở rộng Hà Nội” vào đời là… đầy kịch tính!

***

Sau mười năm thực hiện “chủ trương lớn – mở rộng Thủ đô”, báo giới Việt Nam ghi nhận, viễn cảnh về một đại đô thị trải dài từ tả ngạn sông Hồng đến cận vùng trung du phía Bắc đã kích hoạt một làn sóng đầu tư bất động sản lớn chưa từng có vào các khu vực được mở rộng thành… Hà Nội, tạo ra những cơn sốt đất ở nhiều nơi. Việc thu hồi hàng trăm ngàn héc ta đất để giao cho các dự án bất động sản đã khiến cuộc sống, sinh hoạt của 180.000 gia đình nông dân bị lộn ngược. Chỉ trong hai năm, từ 2011 đến 2012, hàng trăm dự án ở các khu vực, trước đây vốn thuộc tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc, nay thuộc Hà Nội trở thành chỗ “treo dự án” khiến cư dân địa phương mất sinh kế (5). Báo giới Việt Nam… quên ghi nhận, vì chỉ tiếp sức cho các dự án bất động sản, “chủ trương lớn – mở rộng Thủ đô” đã tạo nên những cuộc phản kháng chưa từng có ở Dương Nội (Hà Đông), Đồng Tâm (Mỹ Đức),…

Tháng giêng năm ngoái, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội, thú nhận: Quy hoạch Hà Nội nói chung, kể cả quy hoạch lõi đang chệch hướng! Việt Nam đang phải trả giá cho những… qui hoạch “băm nát Hà Nội” (6). Trên thực tế, nhiều ý tưởng về các đô thị vệ tinh được vẽ ra trên giấy, giờ vẫn nằm trên giấy trong khi những cánh đồng trù phú bị bỏ hoang vì chưa biết tới lúc nào các dự án bất động sản mới khởi động. Nhìn một cách tổng quát, “chủ trương lớn – mở rộng Thủ đô” chỉ tạo ra cơ hội cho một số cá nhân, một số nhóm trở thành đại phú, còn với số đông, “chủ trương lớn – mở rộng Thủ đô” trở thành đại họa vì chẳng có gì theo sau “chủ trương lớn” cả. Đến giờ này, những giới, những viên chức có liên quan đến qui hoạch vẫn còn vừa tranh cãi, vừa thử nghiệm các ý tưởng về quy hoạch mà trong số này có… quy hoạch thoát lũ cho… Thủ đô. Mười năm đã qua nhưng giới hữu trách vẫn chưa xác định được đâu là “triết lý phát triển” của Hà Nội: Xây dựng “đô thị nén” - tập trung phát triển hạ tầng ở khu vực trung tâm để tăng tải, hay theo đuổi mô hình “đô thị vệ tinh” - giãn dân từ nội đô ra bên ngoài!

Vào thời điểm chính quyền thành phố Hà Nội rầm rộ kỷ niệm mười năm “mở rộng Thủ đô”, ông Trần Huy Ánh – Kiến trúc sư, thành viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam – chia sẻ với VOV rằng, mười năm qua, Hà Nội chỉ rất thành công trong phát triển bất động sản, còn kết quả của chiến lược phát triển đô thị một cách bền vững thì rất hạn chế. Đường sá nhiều hơn nhưng không ai dám nói chuyện đi lại dễ dàng hơn. Hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được trước những thách thức của biến đổi khí hậu, chưa có kịch bản nào mang tính chiến lược trong vấn đề thoát nước. Các cao ốc mọc lên như nấm chỉ khiến người ta lo ngại nhiều hơn về sự cân đối của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội. Chẳng hạn trẻ em đến trường thiếu an toàn hơn cách nay mười năm, người ta mất nhiều thời gian hơn cho việc đưa trẻ đến trường. Nguy cơ lây nhiễm vì bệnh viện quá tải cao hơn. Trong mười năm qua, Hà Nội không có thêm công viên nào mới, công viên cũ thì bị tư nhân hóa, bị chiếm dụng, sử dụng bừa bãi. Không gian công cộng bị sử dụng tùy tiện và sai mục đích. Quy hoạch Thủ đô thường được điều chỉnh cục bộ nên xây xong rồi sửa... “Chủ trương lớn – mở rộng Hà Nội”, giới thiệu “qui hoạch đến 2030, tầm nhìn đến 2050” nhưng theo ông Ánh, Hà Nội thảm hại như hiện nay là do “tầm nhìn”. “Tầm nhìn” thể hiện năng lực quản trị. Ông Ánh hy vọng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết sẽ được minh bạch hóa để nhận tham vấn rộng rãi từ xã hội để tránh tình trạng cố làm mà không tính toán, cân nhắc (7)...

Dẫu chân thành nhưng hy vọng của ông Ánh và có lẽ cũng là hy vọng của nhiều người khác dường như hão huyền. Kết thúc hội thảo thu thập ý kiến cho dự tính “Tổng kết mười năm thực hiện điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô” diễn ra hồi đầu tháng trước, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, kết luận chắc nịch: Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa 12 về việc mở rộng Hà Nội là đúng đắn và Hà Nội đã thực hiện hiệu quả, thể hiện bằng kết quả phát triển toàn diện đã đạt được!

Dẫu đa số “chủ trương lớn” của Đảng đẩy Việt Nam tụt sâu hơn xuống đáy song đã có bao giờ Đảng tự nhận đã sai và gánh trách nhiệm?

Tuần trước, tờ Nhân Dân – Cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN – đăng bài “Mười năm sau, Hà Nội...”. Tác giả tâm tình, đại loại, giữa không khí tưng bừng kỷ niệm mười năm ngày mở rộng Hà Nội, ông vẫn thấy tiêng tiếc, và phân vân… Mười năm trước, Hà Nội chưa có đường Lê Văn Lương kéo dài. Bây giờ thì nơi ấy là một rừng cao ốc, mới đi đến đầu đường đã rùng mình khi nghĩ tới dòng xe cộ từ những tòa bê tông chồng chất một đống ấy kéo ra. Vào cuối những năm 2000, đôi khi người ta vẫn có cảm giác thong dong khi đi trên phố Nguyễn Tuân, bây giờ thì ai cũng muốn thoát khỏi đó thật nhanh để không bị cảm giác nghẹt thở vì bê tông như sắp đè lên đầu. Tương tự là những tuyến đường Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Vũ Trọng Phụng... Một thập niên trước, Hà Nội không nhiều tòa nhà “cao cao mãi” như bây giờ. Những khu đô thị một thời được coi là “đáng sống” như Linh Đàm, Trung Hòa - Nhân Chính chưa được “cấy” thêm nhiều cao ốc đến dày đặc. Và mười năm qua, những khu đô thị dọc tuyến đường 32 hay đại lộ Thăng Long thuộc vùng Hà Tây cũ vẫn dở dang, chưa biết bao giờ mới lấp đầy người ở. Cũng chưa ai thấy được những chuyển biến nào đáng kể của năm khu đô thị vệ tinh. Dân cư vẫn đều đặn đổ về nội đô cũ. Người Hà Nội vẫn coi tắc đường là người bạn cực kỳ khó ưa nhưng buộc phải làm thân, trừ khi trong phòng và đi ngủ. Theo tác giả, chả mấy nữa, Thủ đô sẽ lại kỷ niệm hai mươi năm ngày mở rộng. Mười năm nữa Hà Nội sẽ ra sao? Sẽ mở rộng thêm lần nữa, hay “trả về địa phương cũ” một số phần đất như từng xảy ra với Xuân Hòa? Ông ta kể đã từng hỏi không ít người về chuyện mở rộng hay thu hẹp. Câu trả lời chung là thế nào cũng được. Miễn là được ăn sạch, thở sạch và không tắc đường. Gần đây, nhiều người nói thêm cái đuôi “học thật” (8)...

Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad