Học viên cai nghiện trốn trại tập thể, vì sao? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Học viên cai nghiện trốn trại tập thể, vì sao?


Hai học viên cai nghiện ma túy tại một trung tâm cai nghiện ở Hải Phòng hôm 16 tháng 11 năm 2017 


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Nạn buôn bán và nghiện ma túy

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, tính đến hết năm 2017 có gần 230.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên cả nước, cao hơn rất nhiều so với năm 1995 chỉ có khoảng 68.000 người.

Chiều 28/5/2018, trong buổi làm việc với UBND TP.HCM về tệ nạn ma túy, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội cho biết tình hình ma túy tại TP.HCM tiếp tục xu hướng gia tăng kể cả số vụ mua bán lẫn số người người nghiện, và độ tuổi người nghiện ngày càng trẻ.

Theo Công an tỉnh Sơn La, từ đầu năm nay đã phát hiện, bắt giữ gần 800 vụ, hơn 1000 người phạm các tội về ma túy; thu giữ 31,5 kg heroin; 34.000 viên ma túy tổng hợp; 31 kg thuốc phiện.

Một trong những trùm ma túy lớn nhất từ trước tới nay bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt hồi tháng trước với số lượng ma túy thu giữ được nói là lớn nhất với 179 bánh heroin được tìm thấy.

Ngay chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống và cai nghiện ma túy cách đây hai năm từng lo ngại rằng, dù nhiều vụ án ma túy lớn liên tục được phát hiện và xử lý nghiêm khắc nhưng tội phạm ma túy và tình trạng mua bán ma túy vẫn không giảm.

Lo ngại đó của người đứng đầu chính phủ Hà Nội sau hai năm cầm quyền vẫn không được giải tỏa dù truyền thông trong nước loan tin những cơ quan chức năng có nỗ lực xử lý.

Ngoài hoạt động chặn bắt, xét xử, tuyên án đối với thành phần buôn bán các loại ma túy, chất cấm; công tác cai nghiện cũng được thông báo là rộng khắp tại các tỉnh thành. Mục tiêu nhằm giáo dục những người sa ngã dứt cơn nghiện hút để rồi hòa nhập lại với cộng đồng.

Thực tiễn cai nghiện

Thế nhưng thời gian gần đây tại Việt Nam thường xảy ra tình trạng học viên trốn trại không muốn tiếp tục cai nghiện để trở về với gia đình, cộng đồng xã hội. Vụ trốn trại tập thể mới nhất xảy ra hôm 11/8 vừa qua với hơn 300 học viên cai nghiện ma túy ở Tiền Giang thoát ra ngoài. Họ mang theo gạch đá, cây làm hung khí kéo ra Quốc lộ 1 khiến nhiều người hoảng sợ.

Trước đó những vụ tương tự xảy ra ở Đồng Nai, Vũng Tàu, Hải Phòng… cũng gây náo động cộng đồng.

Lý do vì sao mà những người được giáo dục, cai nghiện lại nổi loạn, phá trại ra ngoài như thế?

Họ quản lý cũng chặt nhưng trong trại có những quản giáo, có những người nấu cơm, bán hàng ăn vẫn đưa ma túy vào rồi bán cho các anh em cai nghiện.

- Anh Nguyễn Thành Trung
Anh Nguyễn Thành Trung, một quản lý của cơ sở cai nghiện Hội Thánh Tin Lành, từng bị nghiện 13 năm nói với chúng tôi:

Theo em thì thường trong môi trường của nhà nước, thứ nhất là (người cai nghiện) không bao giờ có được tình yêu thương, họ bị người quản lý đánh đập. Thứ hai là họ bị bắt làm việc. Thứ ba là họ không được sự tôn trọng từ người khác. Họ luôn luôn bị đàn áp và không bao giờ được nghe những lời yêu thương và trân trọng, cho nên thường thì tâm lý của một người cai nghiện trong môi trường nhà nước thì hầu như người nào về cũng bị áp lực, cho nên về là dùng ma túy lại để chứng tỏ mình là người từng trải trong môi trường đó.

Anh Đoàn Văn Thành, một người nghiện ma túy đã 20 năm, từng qua nhiều trại cai nghiện của nhà nước trước khi về cai tại một cơ sở của Hội Thánh Tin Lành, cho biết:

Trong môi trường nhà nước thì họ giữ con người chứ không dạy đạo đức cho con người sống như nào để có tương lai, để thay đổi. Chủ yếu để giữ người và để lao động. Theo thống kê của nhà nước thì 10 người ra tại hết 9 người tái nghiện. Năm 2013 tụi em ra trại thì hết 90% là chơi lại, trong đó có cả bản thân em.

Học viên cai nghiện ở Vũng tàu trốn trại bị bắt trở lại, tháng 11/2016. AFP
Một chị không muốn nêu tên, từng là học viên một trung tâm cai nghiện hơn 3 năm trước đây cho RFA biết:

Mới bước vô phòng là bị ăn đòn rồi, đánh bầm dập như vậy đó, nó gọi, nó nói cái gì cũng nghe hết, đánh một trận đầu tiên là nói gì cũng nghe hết, quăng cho một bịch hột điều, kêu nửa tiếng xong, không xong là bị ăn đòn. Bữa nay là một mẫu mía, một đứa làm mấy trăm mét đó, đứa nào đứa nấy hăng hái làm, đứa nào mệt nghỉ tay một chút là cái cây giáng vô đầu liền. Đánh xỉu dội nước ra làm tiếp. Ban ngày làm không xong nó đánh chưa đủ, tối vô phòng đánh tiếp, đánh sao ngày mai làm cho kịp thì thôi.

Có một thực tế đáng ngại mà chính truyền thông Việt Nam loan tin là tình trạng mua bán và tàng trữ ma túy diễn ra tại một số trung tâm. Thực tế này được nói rất tinh vi và khó kiểm soát do học viên đông và lực lượng bảo vệ ít.

Anh Nguyễn Thành Trung nói với RFA:

Có, đầy hết. Trong trại họ đổi tiền ăn gia đình gửi thành ma túy. Có hết chị ạ. Họ quản lý cũng chặt nhưng trong trại có những quản giáo, có những người nấu cơm, bán hàng ăn vẫn đưa ma túy vào rồi bán cho các anh em cai nghiện. Cho nên tại sao có những anh em không bị Sida nhưng vào trại mới mắc vì khi có một cục ma túy cả buồng xài chung một xy-lanh.

Giải pháp nào?

Chị Minh, chủ một cơ sở cai nghiện ma túy ở thành phố Hồ Chí Minh nói rằng cơ sở của chị không đánh học viên nhưng cũng có biện pháp kỷ luật, chủ yếu là giáo dục. Còn chuyện học viên trốn trại hay không là do ý thức của học viên nữa chứ trung tâm không có quyền giữ người. Cái quan trọng là phải tư vấn làm sao để họ chấp nhận đi điều trị vì họ là người bệnh chứ không phải bị bắt đi. Chị nói thêm rằng nếu học viên không thông về tâm lý, giữ lại cho không trốn thì họ hủy hoại thân thể cũng vậy thôi.

Với số lượng người nghiện quá đông và cách cai nghiện như bao lâu nay không hiệu quả. Từ năm 2008, nhà nước đưa ra một cách điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Chị Minh cho biết:

Trong môi trường nhà nước thì họ giữ con người chứ không dạy đạo đức cho con người sống như nào để có tương lai, để thay đổi. Chủ yếu để giữ người và để lao động.

- Anh Đoàn Văn Thành
Chương trình Methadone là chương trình ma túy hợp pháp. Nó là ma túy sạch. Không lây nhiễm và hợp pháp, được nhà nước công nhận. Khi uống thì không bị nghiện nữa. Thời gian uống từ 1 tới 2 năm là tự ra chương trình bỏ được. Một phần cũng do nghị lực của họ nữa. Uống loại này thì không thèm chất gây nghiện khác mà vẫn sinh hoạt bình thường. Tiền thuốc nhà nước miễn phí, không tính tiền nhưng thu phí hành chánh, nhà nước khoảng 7 hoặc 8 trăm. Tư nhân thì một triệu rưỡi.

Với số người nghiện lên đến 230.000 tính đến cuối năm ngoái, báo Pháp Luật dẫn lời Tiến sĩ Alex Wodak - Chủ tịch Quỹ Cải cách Chính sách ma túy Australia rằng Việt Nam cần nhìn lại xem chính sách về ma túy Việt Nam đã áp dụng với người sử dụng ma túy trong vòng mấy chục năm vừa qua đã mang lại kết quả như thế nào hay để lại những hậu quả ra sao.

Diễm Thi
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad