Dân chủ Mỹ: Ai làm chủ? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Dân chủ Mỹ: Ai làm chủ?


Trong bài viết về nền dân chủ tại Úc vừa rồi, tôi có trình bày rằng Rupert Murdoch là một trong những người ảnh hưởng mạnh mẽ lên Liên Đảng, nhất là Đảng Cấp tiến, hiện nay. Ảnh hưởng của Murdoch đối với Đảng Lao động là không đáng kể bởi khác quan điểm, mặc dầu tất nhiên trong mọi cuộc bầu cử, ảnh hưởng truyền thông do Murdoch nắm tại Úc là không hề nhỏ.

"I Voted," tôi đã bỏ phiếu bầu! Hình minh họa

Theo Ủy hội Bầu cử Úc, vào thời điểm 30 tháng 6 năm 2018, trong dân số 25 triệu người thì có 16.136.122 người đã ghi danh đi bầu, 628.547 người khác, vì nhiều lý do khác nhau, bị “thất lạc” từ sổ bầu [1]. Số cử tri vào cuộc bầu cử năm 2016 không chênh lệch số này bao nhiêu. Cho nên qua sự kiện “đảo chánh” Thủ tướng Malcolm Turnbull ngày 24 tháng 8 vừa qua, tính ra tiếng nói của Rupert Murdoch (như Turnbull phải ra đi), hay của Kerry Stokes, quyết định hơn cả hàng triệu cử tri Úc.

Ảnh hưởng của Murdoch tại Hoa Kỳ qua các hệ thống truyền thông Fox News, hay các nhánh truyền thông của News Corp, cũng rất lớn lao.

Ngoài Murdoch thì cũng có nhiều người khác, nhưng quan trọng nhất là anh em nhà họ Koch, nhất là hai anh em Charles Koch và David Koch. Từ một gia nghiệp của người cha để lại vào cuối thập niên 1960, trị giá 250 triệu đô la thu nhập từ bán hàng và có 650 nhân viên làm việc, Charles và David Koch đã phát triển thành một công ty với 115 tỷ thu nhập, hơn 100 ngàn nhân viên và hiện diện trên 60 quốc gia [2]. Hai ông là người theo xu hướng cực hữu của trường phái cấp tiến, cổ võ cho chủ nghĩa cá nhân cực đoan và vai trò của chính phủ càng nhỏ càng tốt, nghĩa là ít can thiệp nhất vào mọi mặt đời sống của người dân (libertarianism). Trong các cuộc bầu cử trước đây, đặc biệt năm 2008, 2012 và 2016, hai ông đã đổ vào hàng triệu đô la với mục đích chuyển hóa địa hình chính trị của Hoa Kỳ và muốn tạo ảnh hưởng xu hướng tự do cực hữu của mình. Không giống như những người ủng hộ các hoạt động chính trị khác, chủ yếu là tài chánh, hai ông còn giúp cho họ cái nhìn chiến lược. Hai ông còn tài trợ cho giới học thuật, các cơ quan nghiên cứu, và các tổ chức chính trị để huy động công chúng ủng hộ các mục tiêu của mình. Tea Party là một trong các tổ chức đó sau khi tổng thống Barack Obama lên nắm quyền năm 2008. Theo Daniel Schulman thì Tea Party đã trở thành một lực lượng chính trị đáng kể trong Đảng Cộng hoà, làm tê liệt quốc hội và gây phân hóa trầm trọng trong đảng này.

Đầu năm nay, hai anh em họ Koch đã thu hút được thêm 550 thành viên giàu có với cùng xu hướng đến dự hội nghị tại California [3]. Họ chủ trương gia tăng ảnh hưởng sâu rộng lên nền giáo dục như sinh viên, nghiên cứu viên tại 350 trường đại học, và hệ thống công lý hình sự, như các nhà tù. Ngân sách dự chi tổng cộng là 400 triệu đô la, bao gồm các dự án, chính sách, chính trị và hỗ trợ cho cả các tổ chức phi lợi nhuận. Chắc chắn các chủ trương và hoạt động này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng lên tận gốc, lên cơ sở hoạt động công chúng khắp nơi.

Báo Washington Post phân tích rằng cách làm của gia đình nhà Koch hay những tài phiệt cực giàu ủng hộ Đảng Cộng hòa tuy không phô trương nhưng rất hiệu quả, hơn hẳn cách của các tài phiệt Hoa Kỳ ủng hộ cho Đảng Dân chủ nhiều [4]. Họ đã ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc lên ngành truyền thông, nhất là các quảng cáo trên truyền hình và truyền thông đa dạng, cũng như hỗ trợ tài chánh cho bao nhiêu tổ chức chính trị và xã hội có cùng quan điểm cực hữu với mình. Có phải một nhóm nhỏ cực giàu như gia đình Charles và David Koch, những người mà đã dành rất nhiều thời gian và tiền bạc, muốn xây dựng một thực tế khác?

Hậu quả là một nước Mỹ, sau bao nhiêu năm như thế, trở nên vô cùng chia rẽ và gian nan để hợp tác và hòa giải. Nếu cuộc thăm dò ý kiến năm 1960 cho biết 5 phần trăm người theo Đảng Cộng hòa và 4 phần trăm theo Đảng Dân chủ nghĩ rằng họ sẽ buồn phiền nếu con họ cưới người thuộc đảng kia, thì đến năm 2010, tỷ lệ này gia tăng lên 49 phần trăm cho Cộng hòa và 33 phần trăm cho Dân chủ [5].

Đây là một hệ quả rất đáng quan ngại cho mọi nền dân chủ. Thành kiến trong nhận thức (cognitive biases), do ảnh hưởng của truyền thông, là rất sâu sắc. Khi truyền thông tập trung vào một chủ đề hay một chiều hướng suy nghĩ nào đó quá nhiều thì sẽ làm cho chúng ta khó thấy được toàn cảnh [6]. Qua thời gian, phần lớn người ta chọn nghe các chương trình truyền thông có nội dung cùng quan điểm và suy nghĩ với mình hơn là theo dõi những gì khác với điều mình muốn nghe hay muốn tin. Và mưa dầm thấm đất! Nếu cứ nghe ra rả ngày này qua tháng nọ thì các góc nhìn vấn đề, tuy chỉ là một phần/nửa sự thật, sẽ trở thành sự thật hoàn toàn trong đầu óc người ta.

Phải chăng nền dân chủ khắp nơi, ngay cả những nền dân chủ cấp tiến hàng đầu như Hoa Kỳ và Úc, đã suy thoái trầm trọng đến độ một thiểu số tài phiệt như Murdoch hay anh em Koch đã nắm quyền quyết định số phận lãnh đạo quốc gia, điều mà lẽ ra phải trực thuộc người dân qua từng lá phiếu của mỗi công dân?

Trong cuộc phỏng vấn của Oprah Winfrey với cựu tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter cách đây ba năm, ông cho rằng “Chúng ta nay đã trở thành một thiểu số tài phiệt cai trị (oligarchy) chứ không phải dân chủ. Và tôi nghĩ đó là sự phá hoại tồi tệ nhất đối với các tiêu chuẩn luân lý và đạo đức căn bản của hệ thống chính trị Hoa Kỳ mà tôi đã nhìn thấy trong cuộc đời của mình” [7].

Tuy là ngôn ngữ khá mạnh để diễn tả bối cảnh chính trị của Hoa Kỳ ngày hôm nay, điều không thể phủ nhận là người dân ngày càng bất mãn với nền dân chủ hiện tại. Trong khi đó một thiểu số cực kỳ giàu có và ảnh hưởng như Murdoch hay Koch tiếp tục tìm mọi cách tác động lên tiến trình chính trị tại các quốc gia mà họ mong muốn bảo vệ quyền lực/lợi và tài sản của họ. Hình thức vẫn là dân chủ, nhưng người dân thật sự có còn làm chủ không? Do đó những người quan tâm và yêu chuộng dân chủ cần phải nhận thức được điều này nếu muốn bảo vệ các quyền chính trị và tự do căn bản của mình. Các thay đổi tiệm tiến rất khó nhận ra, nếu không quan tâm, cho đến khi không thể đảo ngược.

(Úc Châu, viết xong ngày 25/09/2018)

Phạm Phú Khải
Blog VOA
Tài liệu tham khảo:

1. “Enrolment statistics”, Australian Electoral Commission, 2018; Accessed on 25 September 2018. Tổng cộng lại thì có 16.764.669 cử tri có quyền bầu cử, tức đã là công dân từ 18 tuổi trở lên.

2. Daniel Schulman, “Sons of Wichita”, Grand Central Publishing, 2014.

3. Philip Elliot, “The Koch Brothers Plan to Spend a Record-Setting $400 Million”, The Time, 28 January 2018.

4. Reid Wilson, “Why there’s no Democratic version of the Koch brothers organization”, The Washington Post, 7 February 2014.

5. Hillary Rodham Clinton, “American Democracy Is in Crisis”, The Atlantic, 16 September 2018. Bài viết này cũng là lời kết của cuốn sách của bà Clinton vừa mới xuất bản tuần qua có tên “Chuyện gì xảy ra” (What Happened).

6. Renee Garfinkl, “Deadly Cognitive Biases”, Psychology Today, 10 August 2014.

7. Oprah Winfrey, “Jimmy Carter on Whether He Could Be President Today", Oprah’s Supersoul Conversations, Season 7 Episode 620, 27 September 2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad