Cuộc điều tra vụ ‘vận chuyển’ Trịnh Xuân Thanh từ sân bay Bratislava qua không phận Ba Lan đến sân bay Moscow ở Nga vẫn âm thầm tăng tốc.
Cái cách điều tra lặng lẽ nhưng không buông bỏ như thế lại khá giống với những gì mà các cơ quan công tố, cảnh sát và an ninh Đức đã làm trong khoảng thời gian từ tháng Tám năm 2017 - khi người Đức phát hiện vụ Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin và ngay sau đó Đức đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ đối với Việt Nam về hành vi ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa này’, cho đến tháng Mười cùng năm đó. Nghĩa là thời gian điều tra kéo dài khoảng hai tháng, khi trước đó Quốc hội Đức đã quyết liệt yêu cầu Thủ tướng Angela Merkel và các cơ quan tư pháp nước này phải kết thúc công tác điều tra trong một thời gian sớm nhất.
Điểm trùng khớp ngẫu nhiên và đặc biệt đến lạ lùng là cuộc khủng hoảng ngoại giao Slovakia - Việt Nam đã nổ ra tròn một năm sau thời điểm phát hỏa núi lửa khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt Nam, tức cũng vào tháng Tám.
Và giờ đây, người Slovakkia đang gần như tái hiện những gì mà người Đức đã xử sự về vụ Trịnh Xuân Thanh một năm trước. Gần đây nhất, hai công tố trưởng của Slovakia và Đức đã gặp nhau ở Đức, cho thấy tầm mức phối hợp giữa hai nước về vụ Trịnh Xuân Thanh đã được đẩy lên cao hơn nhiều so với vài ba mối liên hệ lẻ tẻ trước đây giữa cảnh sát hai nước. Và sắp tới, sẽ còn có một cuộc gặp cũng tại Đức giữa bộ trưởng nội vụ của Đức và Slovakia. Tất nhiên là bộ trưởng nội vụ mới - bà Denisa Sakova - thay cho Cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák mà đang bị báo chí, đảng đối lập ở Slocvakia và cả một số trong giới cảnh sát quốc gia này cáo buộc nặng nề là đã tiếp tay cho Bộ trưởng công an Việt Nam là Tô Lâm để đưa Trịnh Xuân Thanh lên một chiếc máy bay của Slovakia và bay đến Nga, trước khi Thanh bị đưa về Hà Nội theo con đường mờ ám ấy.
Từ hai tháng điều tra ở Đức đến Slovakia
Một điểm trùng hợp khác là quá trình điều tra vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’ của cảnh sát Slovakia cũng giống như cảnh sát Đức trước đây, nghĩa là kín đáo và rất ít tiết lộ thông tin cho báo chí.
Nhưng liệu cuộc điều tra ở Slovakia có bị ‘chìm xuống’ theo cách nói của thuật ngữ chính trị Việt Nam - bởi sự tác động hay ‘đi đêm’ của chính phủ Việt Nam - giới chức rất sợ làm to chuyện mà sẽ càng khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam rơi vào tình cảnh khốn quẫn về cả chính trị lẫn kinh tế?
Vẫn có một khả năng như thế, mà cơ sở của khả năng này chính là việc Robert Kaliňák khi còn là bộ trưởng nội vụ đã ‘gắn bó’ với giới công an trị ở Việt Nam đến mức nào. Tuy nhiên cho đến nay, xác suất của khả năng này là nhỏ, hoặc cực thấp.
Từ tháng Tám đến nay, tuy bị hạn chế cung cấp tin tức nhưng báo giới quốc tế, đặc biệt là hai tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và Dennik N của Slovakia vẫn thỉnh thoảng đưa ra những tin tức như “Chính phủ Pháp chính thức điều tra dính líu của mật vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Paris”, “Slovakia định cho phép 44 người tiết lộ bí mật vụ Trịnh Xuân Thanh”, “Slovakia nên trục xuất đại sứ Việt Nam nếu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được xác nhận”, ‘Vụ Trịnh Xuân Thanh: Ba Lan không cho chuyên cơ Slovakia chở phái đoàn Bộ trưởng Tô Lâm bay qua không phận Ba Lan”…
Tin tức từ báo chí về vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’, tuy không dày như trước đó, nhưng vẫn phát ra tín hiệu là cuộc điều tra của cảnh sát và công tố Slovakia về vụ này không hề ‘chìm xuồng’ - điều mà chính quyền Việt Nam không hề muốn -mà vẫn đang tiếp tục lộ trình vạch sẵn của nó với gia tốc ngày càng nhanh.
Khi cuộc khủng hoảng Slovakia - Việt Nam bắt đầu khai hỏa vào đầu tháng Tám năm 2018, đảng đối lập ở Slovakia và chính quốc hội nước này đã gần như phát ra một ‘tối hậu thư’ về việc cơ quan cảnh sát Slovakia chỉ được điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh trong thời gian tối đa là 1 -2 tháng và phải tường trình lại kết quả điều tra cho tổng thống, chính phủ và quốc hội Slovakkia.
Đến nay đã gần qua hai tháng kể, hoặc chính xác là khoảng một tháng rưỡi kể từ ngày đích thân Tổng thống Andrej Kiska và Thủ tướng Peter Pellegrini chỉ thị tiến hành điều tra.
Vậy khả năng hay kịch bản nào sẽ xảy ra sau khi cảnh sát Slovakia kết thúc điều tra vào cuối tháng Chín hoặc cùng lắm là tháng Mười năm 2018?
Hãy để mắt về dĩ vãng một lần nữa.
Slovakia sẽ làm gì?
Trong khoảng thời gian hai tháng Tám và Chín năm 2017 là lúc cảnh sát Đức tiến hành điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đã gần như không diễn ra những cuộc đi lại con thoi của giới ngoại giao Hà Nội với Berlin. Bầu không khí khi đó cũng lặng lẽ và chất chứa đầy tính kích nổ như hiện thời. Bỗng nhiên vào tháng Mười năm 2017, chính phủ Đức phát ra một công bố chấn động: tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Và sau đó một tháng, Đức đình chỉ luôn hiệp định miễn trừ visa ngoại giao cho các quan chức Việt Nam sang Đức ‘công tác’.
Hầu như chắc chắn là Bộ Chính trị và Bộ Công an Việt Nam - những người có thể đã ngầm phổ biến quan điểm ‘chấp nhận trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội’, đã không thể tưởng tượng việc người Đức cứng rắn đến thế trong một động tác trừng phạt Việt Nam. Dù ‘quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’ chính là cấp độ quan hệ chính trị cao nhất giữa Đức và Việt Nam, nhưng Nhà nước Đức vẫn thẳng tay.
Giờ đây, chính phủ Slovakia đang ở vào tình thế của nhà nước Đức: hoặc bảo vệ tôn chỉ nhà nước pháp quyền cùng những giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền theo hiến pháp của những quốc gia này, bảo vệ uy tín của họ, hoặc bị cộng đồng thế giới liệt vào loại ‘tiếp tay cho bắt cóc quốc tế’ và dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.
Cuộc điều tra của cảnh sát Slovakia đang lan sang đến Ba Lan, dù có thể bị từ chối bởi người Nga. Nhưng có vẻ giai đoạn điều tra ban đầu của họ đang đi đến điểm hoàn tất, để khi đó, chính phủ Slovakia sẽ phải đưa ra một quyết định, dù có thể khó khăn, đối với Việt Nam.
Ít nhất sẽ phải là một cú hạ cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cho dù Hà Nội không quá sợ về hậu quả này.
Nhưng trong hơn một năm qua, vụ Trịnh Xuân Thanh đã được quốc tế hóa và phổ cập đến mức cơn địa chấn vụ này từ Đức không chỉ lan sang Slovakia mà còn cả Pháp, Ba Lan, Czech và đến thẩm quyền của Liên minh châu Âu.
Thay cho hình ảnh ‘Việt Nam anh hùng đánh thắng hai tên đế quốc đầu sỏ’ mà bộ máy tuyên giáo nước này vẫn ra rả tuyên truyền cho đến ngày nay, cả thế giới lại đang biết và hình dung một cách không thể rõ hơn về Việt Nam qua cái tên Trịnh Xuân Thanh.
Một cách thực chất, những kẻ bắc cóc đang phải đối mặt với Liên minh châu Âu cùng những hậu quả trong tương lai gần, mà ngay trước mắt là số phận mành chỉ treo chuông của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét