Đây là lần thứ hai ông đến Việt Nam trong năm nay, một việc được mô tả là không bình thường. Theo phân tích của thông tấn AP, việc ông Mattis đến Hà Nội họp với Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN Ngô Xuân Lịch lần này nhắm thúc đẩy thêm nữa mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai nước giữa lúc những căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh có dấu hiệu ngày một nặng hơn cả về mậu dịch lẫn sóng gió Biển Đông.
Trong cuộc thăm viếng Việt Nam hồi cuối Tháng Giêng, ông đã đến thăm chùa Trấn Quốc, ngôi chùa cổ nhất gần Hồ Tây Hà Nội với hơn 1,400 năm lịch sử, và thắp nhang. Một số nhà phân tích thời sự cho rằng ông muốn nhắn gửi thông điệp “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” mà cổ nhân Việt từng nói với kẻ thù phương Bắc.
Ba tháng sau chuyến thăm viếng vừa kể, hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson đã đến thăm cảng Đà Nẵng, một dấu hiệu nhắc nhở để Bắc Kinh thấy Mỹ đang có những cố gắng xây dựng niềm tin và củng cố mối quan hệ an ninh quốc phòng với các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, nước đang phải chống đỡ khó khăn với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.
Bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế và cả bản Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc ký công nhận, Bắc Kinh đã bồi đắp biến 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa thành 7 căn cứ quân sợ khổng lồ gồm cả cảng biển và phi trường và các giàn hỏa tiễn phòng không, mưu đồ khống chế toàn bộ Biển Đông.
Trong cuộc họp với các đối tác quốc phòng khu vực ở Singapore hồi Tháng Hai, ông Mattis đả kích Bắc Kinh đã “ức hiếp” các nước nhỏ phía Nam. Lần ông đến Hà Nội hồi Tháng Giêng, không thấy có những chi tiết đặc biệt nào cụ thể về vấn đề bán võ khí cho Việt Nam được loan báo. Nhưng tin tức từ hồi đầu Tháng Tám, 2018 cho hay, Việt Nam đã đặt mua của Mỹ một số lượng võ khí trị giá gần $100 triệu.
Không thấy nêu ra danh mục các loại võ khí nào và đây cũng chỉ là con số nhỏ so với số lượng lớn võ khí trị giá nhiều tỷ đô la mà Việt Nam mua của Nga những năm gần đây, gồm 6 chiếc tầu ngầm lớp Kilo, 4 chiếc hộ tống hạm lớp Gepart, 36 máy bay khu trục Sukhoi SU-30MKV.
Một giới chức quốc phòng Hoa Kỳ từng cho hay các cuộc mua bán võ khí giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội tiến hành chậm chạp vì Việt Nam chưa quen thuộc với thủ tục phức tạp của Mỹ đối với các chương trình bán võ khí cần phải được quốc hội thông qua. Nhưng một mặt khác, Hà Nội vẫn dè dặt trước các phản ứng của Bắc Kinh trong khi túi tiền thì cũng chẳng có bao nhiêu.
Việt Nam từng cử phái đoàn sĩ quan không quân sang một căn cứ không quân tại Hawaii để được xem bay thử và biểu diễn các hoạt động của máy bay tuần tra săn ngầm Orion P-3 hồi Tháng Tư, 2016, trước ít ngày Tổng Thống Barack Obama sang Hà Nội loan báo gỡ bỏ cấm vận võ khí hoàn toàn đối với Việt Nam.
Giữa Tháng Mười Hai năm ngoái, Đại Tướng Terrence J. O’shaughnessy, tư lệnh Không Quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, đã đến Bộ Quốc Phòng CSVN gặp Thượng Tướng Phan Văn Giang, tổng tham mưu trưởng Quân Đội, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Dịp này, có tin Mỹ huấn luyện phi công cho Việt Nam như một dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang tiến dần tới mua sắm một số máy bay quân sự dư thừa hiện đang được bỏ phủ bụi tại sa mạc tiểu bang Arizona.
Bản tin của tờ Quân Đội Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền của Bộ Quốc Phòng CSVN, viết rằng “Hai bên đã trao đổi một số nội dung, phương hướng giao lưu, hợp tác giữa lực lượng không quân hai nước trong thời gian tới như đào tạo phi công, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, quân y…”
Tuần này, khi Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis đến Hà Nội vấn đề bán một số máy bay Orion P-3 đang phủ bụi ở sa mạc Arizona có được xới lại cụ thể hay không, dư luận đang chờ ngóng tin tức.
Tháng Mười Một, 2017, khi đến Việt Nam thăm viếng và dự Hội Nghị Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu – Thái Bình Dương, Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã công khai “chào hàng” Việt Nam về các loại võ khí tối tân của Mỹ gồm cả hỏa tiễn phòng không.
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét