Chuyện Biển Đông được chú trọng nhất trong phiên họp ASEAN tuần tới - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Chuyện Biển Đông được chú trọng nhất trong phiên họp ASEAN tuần tới


Các căng thẳng kéo dài liên quan đến tranh chấp Biển Đông dự trù sẽ là chuyện chính yếu để bàn khi các giới chức quốc phòng ASEAN sắp sửa họp tuần tới ở Singapore.

Bộ trưởng Quốc Phòng Asean và các đối tác khu vực họp ở Singapore các ngày 5 đến 7 Tháng Hai 2018. Việt Nam chỉ cử thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đến dự. (Hình: Roslan Rahman/AFP/Getty Images)

Cuộc họp sắp diễn ra trong bối cảnh những biến chuyển trên Biển Đông mới diễn ra không lâu giữa lực lượng Mỹ và Trung Quốc trên vùng biển Trường Sa. Khu trục hạm Trung Quốc đã cố tình chận đầu khu trục hạm Mỹ khi chiếc USS Decatur thực hiện chuyến “tự do hài hành” qua khu vực gần các đảo nhân tạo Gạc Ma và Ga Ven.

Cũng chỉ vài ngày trước đó, Thủy Quân Lục Chiến và chiến hạm chở quân Mỹ đã tập trận bắn đạn thật trong khi hai chiếc pháo đài bay B-52 bay qua Biển Đông. Lần đầu tiên người ta thấy lực lượng Mỹ phô diễn 3 hành động trong một tuần lễ tại khu vực đang có dấu hiệu trở thành điểm nóng chiến tranh của thế giới.

Bộ trưởng Quốc Phòng 10 nước ASEAN sẽ tụ tập đến Singapore để tham dự kỳ họp thứ 12 của các bộ trưởng quốc phòng khu vực, kéo dài 3 ngày kể từ Thứ Năm, 18 Tháng Mười, 2018, với sự tham dự thêm cả của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Hồi đầu năm, họ đã họp vào các ngày từ ngày 5 đến ngày 7 Tháng Hai, Việt Nam chỉ cử Thứ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vinh đến họp, lần này chưa thấy loan báo ai đi.

Một số vấn đề trên biển tương đối dễ đồng thuận ở một mức độ nào đó như cấp cứu thảm họa, nghiên cứu hải dương và chống hải tặc, chống khủng bố. Nhưng các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo trên Biển Đông giữa một số quốc gia khu vực vẫn là cái nút thắt rất khó thảo gỡ.

Trung Quốc cướp của Việt Nam quần đảo Hoàng Sa năm 1974, rồi cướp thêm một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa năm 1988, nay đã bồi đắp chúng thành các đảo nhân tạo khổng lồ, trên đó là các căn cứ quân sự quy mô và tối tân. Một số nước khác trong khu vực như Phlilippines, Brunei, Malaysia cũng tranh chấp một phần quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc cướp các bãi đá ngầm ở Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam rồi tuyên bố chúng là của tổ tiên của họ để lại “từ cổ xưa.” Theo Công Ước Quốc Tế và Luật Biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên công nhận, các bãi đá ngầm không được coi là căn cứ để xác lập chủ quyền lãnh thổ. Dù vậy, Bắc Kinh vẫn xua đuổi tàu trên biển hay máy bay trên trời khi đến bên trong phạm vi 12 hải lý các đảo nhân tạo.

Lực lượng Hoa Kỳ thực hiện các chuyến tuần tra hải hành hay phi hành ngang các khu vực trên Biển Đông mà luật lệ quốc tế cho phép nhưng Bắc Kinh lại cấm, dẫn tới những căng thẳng mà nhiều nhà phân tích thời sự nhìn thấy những dấu hiệu nguy cơ xung đột võ trang nếu tình hình đối đầu gia tăng mức độ.

Nhiều hơn một lần, Hoa Thịnh Đốn đả kích Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Đại diện quốc phòng Hoa Kỳ đã nhiều lần đả kích Trung Quốc trong các phiên họp an ninh khu vực tại hội nghị ASEAN cung như cáo buộc Bắc Kinh ức hiếp các nước nhỏ phía Nam.

Mới ít ngày trước, Phó Tổng Thống Mike Pence đả kích Trung Quốc khi chiến hạm Trung Quốc chận đầu chiến hạm Mỹ ngày 30 Tháng Chín, 2018 lại gần đảo nhân tạo Gạc Ma mà ông nói nước Mỹ sẽ không để bị “hù dọa.”

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis dự trù đến Bắc Kinh trước khi đến Singapore dự họp với các đối tác ASEAN nhưng đã hủy bỏ chuyến đi vì những căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, ông lại đến Việt Nam hai ngày vào các ngày Thứ Ba và Thứ Tư tới đây.

Cuối Tháng Bảy, 2018, ASEAN và Trung Quốc đồng ý chỉ có môt dự thảo cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) đưa vào cuộc họp cấp ngoại trưởng của tổ chức ASEAN họp đầu Tháng Tám. Các cuộc họp giữa khối ASEAN và Trung Quốc về một Bộ COC hầu tránh xung đột võ trang, không những khó khăn đồng thuận về quan điểm và lập trường mà còn cò kè, tranh cãi từng câu từng chữ của từng điểm một.

Từ khi đưa ra bản tuyên bố DOC năm 2002 đến nay đã 16 năm nhưng một bộ COC vẫn còn chưa đạt được vì Trung Quốc tìm đủ mọi cách cản trở, chia rẽ khối ASEAN. Nay khi họ đã biến các đảo và đảo nhân tạo tại Hoàng Sa và Trường Sa thành những căn cứ quân sự khổng lồ trên biển trong tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông, đàm phán bộ COC vẫn còn nhúc nhích từng chút một.

DOC kêu gọi hợp tác trong 5 lãnh vực: bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu hải dương, an toàn hải hành và liên lạc trên biển, hoạt động tìm kiếm và cấp cứu, chống tội ác xuyên quốc gia bao gồm cả chống hải tặc, buôn lậu ma túy, và buôn bán lậu võ khí.

Hà Nội hậu thuẫn cho một bộ COC có ràng buộc pháp lý trong khi Bắc Kinh chống lại với sự về hùa của một số nước thành viên ASEAN, đặc biệt là Cambodia.


Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad