Nhưng hãy xem lại bối cảnh của phát biểu mà ông Phúc đưa ra hôm 15/10 giữa lúc ông công du châu Âu để vận động cho Hiệp định Tự do Thương mại giữa Việt Nam và EU.
Tại họp báo chung với thủ tướng Áo hôm đó tại Vienna, ông Phúc được các trang tin trong đó có VietInfo dẫn lời phát biểu sau câu hỏi của một phóng viên Áo, người nói Việt Nam là “cộng sản độc tài”.
“Việt Nam là một nước dân chủ, có quan hệ quốc tế sâu rộng, không có chế độ độc tài như ngài vừa nêu,” ông Phúc nói.
“Chúng tôi lên án chế độ độc tài. Hiến pháp Việt Nam bảo vệ nhân quyền, quyền con người hết sức sâu sắc trên tất cả lãnh vực.”
Tôi cũng đã gặp ông Phúc vài năm về trước khi ông thăm London với tư cách phó thủ tướng. Ông tỏ ra cởi mở, tay bắt mặt mừng hỏi tôi quê ở đâu và thậm chí còn nói khi nào về Việt Nam gọi ông. Chắc ông nói cho vui và giờ ông cũng đã lên thủ tướng nên làm sao gọi nổi. Nhưng ông không quan cách thế là khá lắm rồi. Có ông chỉ là thứ trưởng Bộ Công an mà khi tôi gọi điện thoại về hỏi chuyện đã sẵng giọng: “Cậu có biết tôi là ai không [mà dám gọi cho tôi]?”.
Mặc dù có những người nói ông Phúc thua thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng về khả năng nhanh chóng nắm bắt các vấn đề, cũng có những người lại coi ông là người biết lắng nghe hơn và có cách tiếp cận cấp tiến.
Nhưng liệu có thể giải thích thế nào về chuyện một mặt người đứng đầu Nhà nước Việt Nam lên án độc tài nhưng mặt khác lại giam giữ những người như mẹ Nấm cho tới tận gần đây. Theo cách giải thích của một nhà hoạt động thì chẳng thể nào giải thích được những gì diễn ra ở Việt Nam vì đó là những cách hành xử “khùng điên”. Mà đã “khùng điên” thì khi thế này, lúc thế khác, chẳng biết đâu mà lần.
Chỉ riêng chuyện họ đối xử với mẹ Nấm cũng đã thấy sự trái ngược thường thấy giữa lời nói của lãnh đạo cộng sản và những gì họ làm.
Họ lên án độc tài nhưng đã kết án thật nặng người dám phản đối chính quyền, dù chỉ là phản đối ôn hoà.
Họ nói bảo vệ nhân quyền nhưng lại cướp đi quyền tự do, quyền được làm mẹ, làm con, làm cháu của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Thậm chí bà của Quỳnh đã qua đời trong thời gian hai năm cháu gái bị giam cầm.
Họ nói bảo vệ quyền con người nhưng lại tống người bảo vệ quyền này ra khỏi Việt Nam để họ không còn cơ hội bảo vệ ai được nữa.
Nếu nhìn vào các bản án gần đây mà Hà Nội đưa ra đối với những người phản kháng bất bạo động, người ta khó hy vọng vào những thay đổi mang tính bản chất của chính quyền. Nhà hoạt động vì môi trường Lê Đình Lượng thậm chí vừa bị kết án tới 20 năm tù và năm năm quản chế.
Những bản án nặng như thế giúp Hà Nội đạt được ba mục đích. Một là trả thù các cá nhân dũng cảm đấu tranh và gia đình họ. Hai là nêu gương để những người yếu bóng vía thấy thế sẽ nhụt chí đấu tranh. Ba là găm sẵn những gì có thể đem ra đổi chác với phương Tây khi cần mua súng về tăng cường cho cảnh sát, cần đô la từ bán hàng vào các thị trường phương Tây hay cần đầu tư từ đó.
Hà Nội đang hành động theo kiểu ‘thế thời phải thế thời phải thế’ hơn là tự nguyện thay đổi để trở thành đảng cai trị nhân bản hơn.
Vả lại cũng không thể hy vọng có sự thay đổi khi họ đang làm điều chẳng có gì mới – trả tự do cho một vài người để rồi lại trám vào chỗ trống những người khác. Hơn nữa những người được trả tự do lại cũng mất luôn quyền cư trú ở quê hương mình. Người dân trong nước thậm chí còn không biết có chuyện trả tự do trước thời hạn cho những người từng bị kết án tuyên truyền chống lại nhà nước nếu họ không tìm tới truyền thông lề trái.
Và nếu ông Phúc đọc được những dòng này mong ông cứ nhớ đã từng “lên án chế độ độc tài” ngay giữa lòng châu Âu và mạnh dạn lên án mấy ông có khuynh hướng độc tài trong Bộ Chính trị giúp tôi. Nhắn với họ rằng vẫn còn những người như ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Trần Thị Nga, mới nhất là ông Lê Đình Lượng cùng mấy trăm người khác bị toà án kết án chỉ vì họ nói ngược. Ngày Việt Nam hết bị coi là độc tài là ngày họ được tự do và không có ai thế chỗ họ nữa.
Nguyễn Hùng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét