Các đồng minh NATO sẽ gặp nhau hôm 25/10 để nghe Washington giải thích lối tư duy đứng sau động thái của Tổng thống Donald Trump tính rút khỏi Hiệp định về Vũ khí Hạt nhân Tầm trung (INF) đạt được năm 1987, là hiệp ước đã loại bỏ khỏi châu Âu các tên lửa hạt nhân đặt trên bộ.
Các đồng minh châu Âu xem hiệp ước INF như một trụ cột để kiểm soát vũ khí, và tuy họ thừa nhận rằng Moscow đang vi phạm hiệp định đó khi phát triển vũ khí mới, song họ lo ngại rằng sự tan vỡ của hiệp định này có nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới, với khả năng là một thế hệ tên lửa mới của Mỹ sẽ được đặt trên lục địa châu Âu.
Trong phát biểu đầu tiên của ông kể từ khi Washington công bố hôm 20/10 rằng Mỹ đã lên kế hoạch rút khỏi Hiệp ước INF, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đổ lỗi cho Nga là đã vi phạm hiệp ước với việc phát triển SSC-8, một loại tên lửa hành trình tầm trung đặt trên mặt đất; còn có tên là Novator 9M729.
Nhưng ông nói ông không nghĩ việc này sẽ dẫn đến tình trạng Mỹ triển khai tên lửa tại châu Âu để đáp lại hành động của Nga, như đã từng xảy ra trong những năm 1980.
"Chúng tôi sẽ đánh giá các hệ quả sâu rộng đối với các đồng minh NATO, đối với an ninh của chúng tôi ... nhưng tôi không dự báo là các nước đồng minh sẽ lắp đặt thêm vũ khí hạt nhân ở châu Âu như một phản ứng để đáp trả tên lửa mới của Nga", ông Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo.
Ông Stoltenberg lên tiếng một ngày sau khi quan chức cao cấp của Hoa Kỳ, ông John Bolton, thông báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về ý định của Mỹ ở Moscow.
Ông Trump nói rằng Hoa Kỳ sẽ phát triển các tên lửa tầm trung mới trừ khi Nga và Trung Quốc đồng ý ngừng phát triển loại tên lửa của hai nước này.
Các chuyên gia quân sự tin rằng Hoa Kỳ sẽ có lợi hơn khi hiện đại hóa khả năng răn đe bằng tên lửa tầm xa của mình, và đảm bảo loại vũ khí này có thể đi xuyên qua các hệ thống phòng không tinh vi của Nga, thay vì phát triển một loại tên lửa tầm trung mới.
Reuters/VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét