Một số đảng viên Đại biểu Quốc hội tỏ vẻ vui mừng, coi việc ông Trọng ôm trọn, tập trung quyền lãnh tụ đảng và chủ tịch nước “là một chủ trương, quyết sách đúng đắn và cấp bách” (báo Người Lao Động, 4/10/2018)
Nhưng cũng có vô số báo và “nhà bình luận” loạn cào cào đã lạm dụng “nhân dân” để trơ trẽn nịnh chủ như trường hợp ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông nói: “Tôi rất mừng nếu Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước bởi đây là phương án hợp lòng dân”. (Báo Giáo dục Việt Nam, ngày 03/10/2018)
Ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa 13) cũng nói: “Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là việc hợp ý Đảng, lòng dân”. (Báo GDVN 7-10-018)
Thậm chí, cử tri Lê Đức Hạnh (phường Kim Mã, Hà Nội) cũng cuồng nhiệt nói với ông Nguyễn Phú Trọng: “Dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ và mong Tổng Bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng, nhân dân được lâu hơn, nhiều hơn…” (theo Đài Tiếng nói Việt Nam, VOV, ngày 08/10/2018).
Ông Nguyễn Duy Quang, Tổ trưởng Tổ dân phố 38, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cũng nói: “Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của Trung ương và tin tưởng đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước sẽ lãnh đạo đất nước đi tới nhiều thắng lợi vẻ vang”. (VOV, ngày 04/10/2018)
Toàn là những cổ động viên “bẻo mép hớt lẻo”. Chả biết họ đã lấy tư cách gì mà cứ mở miệng là lôi nhân dân ra đứng đầu lưỡi để phô trương cho bản thân.
MỘT HAY HAI LÀ MỘT?
Nhưng chả nhẽ họ chẳng biết, dù khi chưa ôm chức danh Chủ tịch nước, chức vụ Tổng Bí thư đảng đã dành cho ông Trọng mọi quyền lực vì Điều 4 Hiến pháp đã quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Và mặc dù Tổng Bí thư chỉ là một cá nhân của tập thể lãnh đạo theo nguyên tắc gọi là “tập trung dân chủ”, hay “tập thể lãnh đao, cá nhân phụ trách”, nhưng ông là người đứng đầu đảng, đứng đầu Bộ Chính trị, cơ chế quyết định mọi việc của đất nước nên ông nắm quyền sinh sát quan trọng nhất của Ban Chấp hành Trung ương đảng, khóa XII gồm 178 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.
Hơn nữa, các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ là các Ủy viên của Bộ Chính trị, nhưng không thể ngang hàng với chức Tổng Bí thư. Vì vậy, kể từ sau ngày ông Hồ Chí Minh qua đời ngày 02/09/1969, chức danh Chủ tịch nước từ ông Tôn Đức Thắng đến đời Trần Đại Quang không có quyền bằng ông Hồ vì không phải là Chủ tịch đảng. Tất nhiên cũng không ngang bằng Tổng Bí thư đảng, nếu không muốn nói chỉ là hình thức để làm cảnh trong nghi lễ mà thôi.
Có lẽ vì vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng không muốn người ta coi ông là người “kiêm nhiệm 2 chức vụ” mà là “một người làm hai việc”. Ông cũng không thích cụm từ “nhất thể hóa”, vì không phù hợp với Hiến pháp khi chưa sửa đổi nhập 2 chức danh vào làm một.
Hơn nữa Điều lệ đảng cũng viết y chang như Hiến pháp: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc…
“Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động….
“Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng…Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội”.
Qua Cương lĩnh đảng, đảng cũng cuỗm luôn quyền cai trị như Hiến pháp: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động…Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta…
Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn…Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy…”.
Vì vậy mà trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 8/10/2018, ông Trọng quanh co rằng: “Việt Nam đã có giai đoạn lịch sử Bác Hồ làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng, “sau đó rồi tách”.
“Đến bây giờ thì không phải vì nhất thể hoá, đây là tình huống. Vừa rồi không may Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi, rất đột ngột, mặc dù bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị cả năm nay. Khuyết chức danh Chủ tịch nước, phải có người làm thay; Bộ Chính trị, Trung ương chuẩn bị nhiều phương án, thảo luận rất dân chủ, trách nhiệm và nhất trí cao giới thiệu Tổng bí thư ứng cử Chủ tịch nước. Đây là ý kiến của Trung ương còn ra Quốc hội sẽ bầu“.
Ông cũng nhấn mạnh, “không nên nói là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, nói tắt thì được nhưng không đúng tiêu chí. Đây là hai cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau, không thiên vai nào chính vai nào phụ; đồng thời cũng không nói nhất thể hoá, nôm na thì đây là bầu cho một người để làm hai công việc này”. (Theo bản tin của VOV, ngày 08/10/2018)
Dù ông Trọng có, hay không muốn giãi bày ông không phải là người vẽ ra kế hoạch cho ông có thêm chức, thêm quyền hay giẫm lên Hiến pháp mà ngồi vào ghế mới, nhưng rõ ràng ông đã công khai ôm đồm một lúc 2 Ủy ban quan trọng để chuẩn bị Đại hội đảng XIII, tổ chức vào tháng 01/2021.
Theo tin chính thức thì: “Trung ương quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, gồm: Tiểu ban Văn kiện do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế – Xã hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Nhân sự do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm Trưởng tiểu ban”.
Do đó, dù “nhất thể” hay “tam thể” gồm: Đảng, Nhà nước, Quốc hội (lập pháp) và Thủ tướng (hành pháp) thì ông Trọng vẫn ăn trùm như khi chức danh Chủ tịch nước còn sống riêng biệt.
Nếu Cương lĩnh đảng, Điều lệ đảng và Hiến pháp đã viết giống nhau thì mọi chuyện rồi vẫn Mèo thế thôi, dù là “nhất thể” hay “tam thể”.
Phạm Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét