‘Nhất thể hóa’ là ngoại lệ chỉ dành cho Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2018

‘Nhất thể hóa’ là ngoại lệ chỉ dành cho Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng?


Trong lúc dư luận Việt Nam chưa hết xì xầm về việc “nhất thể hóa” hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước, ông Lê Quang Vĩnh, phó chánh Văn Phòng Trung Ương Đảng CSVN được báo điện tử VietnamNet dẫn lời: “Việc tổng bí thư đồng thời là chủ tịch nước cũng là việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân, được nhân dân hoan nghênh. Việc này không có gì lạ và càng không phải học tập ai.

‘Nhất thể hóa’ là ngoại lệ chỉ dành cho Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng? (Hình: Getty Images)

Tuy nhiên, các nhiệm kỳ tới như thế nào là do Ban Chấp Hành Trung Ương, Quốc Hội quyết định việc tổng bí thư có đồng thời là chủ tịch nước hay không.”

Có thể hiểu phát ngôn của ông Vĩnh như một cách gián tiếp xác nhận Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được ngoại lệ và có đặc quyền nắm hai chức danh trong “tứ trụ”, còn người kế nhiệm ông trong nhiệm kỳ sau thì “không chắc”.

David Hutt, cây bút theo dõi chính trị Việt Nam của trang The Diplomat đưa nhận định: “Ông Nguyễn Phú Trọng tính toán sẽ kiêm nhiệm chức chủ tịch nước, một sự hợp nhất hai chức danh quyền lực có thể giúp ông trở thành Tập Cận Bình của Việt Nam.”

“Với việc được gia tăng quyền lực đáng kể trong hai năm tới, không có gì đảm bảo ông Trọng sẽ tuân các quy tắc của đảng CSVN về nhiệm kỳ và độ tuổi lãnh đạo mà theo đó, ông sẽ phải rời ghế tổng bí thư năm 2021. Một khi có nhiều quyền lực hơn trong tay, ông Trọng có thể quyết định thay đổi luật chơi và không loại trừ khả năng tiếp tục ứng cử làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước vào năm 2021 theo kiểu của ông Tập,” nhà báo David Hutt bình luận.

Bài của nhà báo David Hutt cũng trích lời ông Carl Thayer, chuyên gia về chính trị Việt Nam của Đại học New South Wales: “Từ khi có tin Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang bệnh nặng, ông Trọng đã bắt tay vận động cho việc nhất thể hóa.”

Các báo Việt Nam khi tường thuật về việc nhất thể hóa cũng cho thấy những ý kiến “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Ông Vũ Văn Phúc, phó chủ tịch Hội Đồng Khoa Học Các Cơ Quan Đảng Trung Ương được báo VietnamNet dẫn lời: “Trong điều kiện chúng ta đang thực hiện nghị quyết trung ương 6, 7 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì việc thống nhất chức danh sẽ thống nhất được Văn Phòng Tổng Bí Thư (thuộc Văn Phòng Trung Ương Đảng) và Văn Phòng Chủ Tịch Nước thành một cơ quan, thành một bộ máy giúp việc chứ không phải hai. Như vậy giảm được một đầu mối, biên chế cán bộ sẽ giảm đi.”


Cùng thời điểm, ông Lê Quang Vĩnh lại khẳng định trên báo InfoNet: “Vấn đề sáp nhập hai văn phòng không nên được đặt ra, Văn Phòng Tổng Bí Thư và Văn Phòng Chủ Tịch Nước vẫn riêng biệt.”

Đáng lưu ý, trong các báo Việt Nam đồng loạt đăng bài tán dương ông Trọng “là bậc anh minh đủ uy tín, đủ năng lực, đức độ” và tuyên truyền rằng việc tổng bí thư làm chủ tịch nước “là xu thế của thời đại”, “là bước tiến dài của nước ta”… mạng xã hội cho thấy những ý kiến trái ngược.

Ông Menras André, người Pháp, có tên tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, tác giả phim tài liệu “Hoàng Sa–Việt Nam: Nỗi Đau Mất Mát” bình luận trên trang cá nhân: “Mưu đồ nhất thể hóa: Một bước tiếp hướng đến biến Việt Nam thành một khu tự trị thêm của Trung Quốc với cả một lãnh tụ lẫn một đảng cộng sản và mô hình chính trị đều bị tiểu hình hóa theo mẫu Hán? Không có gì quý hơn độc lập tự do, các đồng chí vàng ơi!”

Phóng viên điều tra độc lập Đỗ Cao Cường thì viết trên trang cá nhân: “Năm 2015, ông Trọng nhận xét về chuyện ‘nhất thể hóa’: ‘Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông?’, và cuối cùng, cũng chính ông Trọng là người được ‘nhất thể hóa’ ở cấp độ cao nhất, không ai có thể kiểm soát được ông thật. Theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nhưng ông Trọng đã 74, trước nhiệm kỳ, ông kêu gọi người già về hết để lớp trẻ thay thế, cuối cùng người cao tuổi nhất lại ở lại, người ở lại lại chính là ông.”

“Có lẽ sự sống của ông Trọng cũng chỉ kéo dài thêm được vài năm nữa, nhưng rất có thể số phận người dân Việt Nam sẽ chết theo ông, bởi sự phụ thuộc quá sâu vào Trung Quốc, từ các khoản nợ cho tới các hệ giá trị, chủ quyền, thức ăn, không khí… đất nước này sẽ ngày càng tụt hậu so với thế giới, và rất có thể mỗi công dân sẽ là một nô lệ, nô lệ vì bị các nước dân chủ cách ly, nô lệ trên chính quê hương của mình,” theo Facebook Đỗ Cao Cường.


Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad