Trong khi đó, hôm 9/10 một chuyên gia kinh tế ở Hà nội nhận định phiên điều trần sẽ "không dễ dàng" vì quan điểm về nhân quyền giữa Việt Nam và EU là không giống nhau, nhưng hai bên có thể tiếp tục nỗ lực để "giảm bớt khoảng cách".
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cũng nói Việt Nam và Đức sẽ sớm có đàm phán cấp cao nhằm khôi phục quan hệ hợp tác toàn diện như đã có trước đây.
Cuối tháng 7/2018, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của EU có chuyến thăm Việt Nam, khi ông gặp nhiều lãnh đạo cao cấp Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, trong chuyến đi, ông Bernd Lange có đưa ra một số yêu cầu cho phía Việt Nam, như Việt Nam phải ký kết ba công ước của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) và sửa đổi, bổ sung một số điều luật.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam sẽ sẵn sàng ký công ước của ILO.
"Hiệp định mà Quốc hội Việt Nam sắp sửa xem xét và thông qua trong kỳ này là Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (TCTPP), cũng có những yêu cầu tương tự [như EVFTA].
"Tôi nghĩ Quốc hội Việt Nam muốn thông qua hiệp định TCTPP thì sẽ sửa đổi bổ sung một số luật và sẽ ký kết những công ước tương tự như đề ra trong EVFTA. "
Trụ sở Ủy ban Châu Âu tại Brussels, Bĩ |
Quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt sớm được khôi phục?
TS Lê Đăng Doanh chia sẻ với BBC rằng vào ngày 5/10, ông được vị Đại sứ Đức ở Hà Nội mời dự tiệc chiêu đãi nhân ngày thống nhất nước Đức.
"Đại sứ Đức có tuyên bố chính phủ Đức ở Berlin có chuyển thư mời một phái đoàn của chính phủ Việt Nam sang Berlin để hai bên đàm phán khôi phục lại mối quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam, và triển khai mối quan hệ hợp tác toàn diện như trước đây," TS Lê Đăng Doanh cho biết.
"Tôi nghĩ đây là một tín hiệu tốt lành. Vấn đề khôi phục lại quan hệ sẽ được thực hiện trong cuộc đàm phán cấp cao giữa hai bên trong thời gian tới đây."
"Phía Đức và phía Việt Nam sẽ nỗ lực để từ nay đến cuối năm có những kết quả thiết thực, trên cơ sở đó Nghị viện Châu Âu sẽ xem xét việc thông qua EVFTA vào tháng 3/2019," TS Doanh dự đoán.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Angela Merkel tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg tháng 7/2017, không lâu trước khủng hoảng quan hệ song phương |
Tháng 3/2019: thời điểm vàng cho EVFTA
Tháng 3/2019 là mốc thời gian quan trọng cho việc thông qua EVFTA vì sau đó Nghị viện Châu Âu hiện nay sẽ giải thể. Nghị viện Châu Âu mới sẽ được bầu vào tháng 5/2019.
"Nghị viện Châu Âu mới sẽ có nhiều ưu tiên và một chương trình bận rộn", TS Lê Đăng Doanh nói, "cho nên nếu không được thông qua, hiệp định này có thể sẽ phải được xem xét và chờ đợi trong một thời gian dài hơn."
Về tiến độ của EVFTA, một người phát ngôn của EU nói với BBC:
"Hiện chúng tôi đang nỗ lực để dịch tài liệu thỏa thuận [sang 28 thứ tiếng] càng sớm càng tốt. Sau đó, Ủy ban Châu Âu sẽ gửi đề xuất tới Hội đồng Châu Âu để phê chuẩn trước khi ký kết.
"Cuối cùng, Nghị viện Châu Âu sẽ cần phê chuẩn trước khi hiệp định này đi vào hiệu lực. Thời gian của quá trình này còn phụ thuộc vào các quá trình nội bộ của Hội đồng Châu Âu".
EU chiếm 19-20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam |
Nhân quyền và EVFTA
Nhân quyền là một trong các chủ đề có thể được dân biểu EU đặt câu hỏi trong phiên điều trần ở Nghị viện EU hôm 10/10.
TS Lê Đăng Doanh nhận định với BBC phiên điều trần sẽ làm rõ hơn "những tiến bộ Việt Nam đã đạt được đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế."
"Những hạn chế đó nếu được chỉ ra thì Việt nam sẽ có nỗ lực để đáp ứng những yêu cầu theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, những cam kết và công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết
"Tôi nghĩ rằng phiên điều trần sẽ là một việc không dễ dàng vì quan điểm giữa hai bên về nhân quyền là không giống nhau. Vậy chúng ta có thể tiếp tục giảm bớt khoảng cách giữa hai bên.
Cái lợi ích rất lớn là nếu EVFTA được thực hiện sẽ đóng góp tích cực cho việc cải thiện nhân quyền ở VN, tạo ra công ăn việc làm cho lao động VN và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của VN, qua đó tạo cơ hội để EU tác động tích cực vào việc cải cách và cải thiện tình hình nhân quyền ở VN
TS Lê Đăng Doanh
Hôm 17/9, 32 thành viên của Nghị viện châu Âu đã gửi thư ngỏ thúc giục chính phủ Việt Nam thực hiện những bước cải thiện đáng kể trong hồ sơ nhân quyền trước khi có thể được phê chuẩn để tham gia EVFTA.
Bức thư nhấn mạnh rằng "điều cốt lõi là EU nêu cụ thể một loạt những tiêu chuẩn về nhân quyền mà Việt Nam cần phải đạt được trước khi EVFTA được đệ trình lên Nghị viện Châu Âu để phê chuẩn và có những khuyến cáo cụ thể".
Ủy ban Châu Âu (EC) nói EU chia sẻ những lo ngại tương tự như những gì mà các dân biểu Nghị viện Châu Âu nêu trong bức thư, mặc dù Việt Nam "đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế và xã hội và điều đó dẫn đến tăng cường các quyền kinh tế xã hội".
"Nay là thời điểm thích hợp để Chính phủ Việt Nam tham gia một cách xây dựng và toàn diện với các hội dân sự nhằm mục đích đảm bảo một cách thức dựa trên nhân quyền," một người phát ngôn của EC trả lời BBC qua email hôm 27/9.
"Về khía cạnh này, EU chia sẻ những lo ngại tương tự như những gì mà các nghị viên Châu Âu nêu trong bức thư hôm 17/9/2018.
"Những lo ngại này được trình bày với giới chức Việt Nam trong Đối thoại Nhân quyền, được tổ chức ở thủ đô các nước hàng năm.
"Đối thoại này nhằm bàn thảo nhân quyền, xem xét việc triển khai nhân quyền ở Việt Nam và EU như thế nào, và thành lập môt diễn đàn để nêu những vấn đề nhất định.
"Ngoài cuộc họp hàng năm này, EU cũng giữ một kênh tiếp xúc mở với chính quyền Việt Nam qua đó chúng tôi lưu ý các vấn đề và thiếu sót cụ thể có liên quan đến nhân quyền. Trong những vụ việc nghiêm trọng, chúng tôi đã đưa ra thông cáo và qua các dự án hợp tác kỹ thuật, EU nhằm hỗ trợ các hội dân sự ở Việt Nam."
Quan hệ Đức - Việt gặp khủng hoảng sau vụ liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh mà phía Đức nói là bị mật vụ Việt Nam "bắt cóc tại Berlin" hè 2017 rồi chuyển về Hà Nội đưa ra tòa.
Berlin đã tạm ngưng đối tác chiến lược với Hà Nội sau đó.
Phía Việt Nam cho đến nay không giải thích được cho Đức và Slovakia, một nước EU khác cũng liên quan, rằng ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam bằng cách nào.
Tuy nhiên, có vẻ như trọng tâm vụ việc này chuyển từ Đức sang Slovakia dù vụ xử án "bắt cóc" tại Berlin vẫn chưa khép lại.
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét