Việt Nam trả lời quốc tế về việc tiến cử ông Trọng vào chức Chủ tịch nước - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Việt Nam trả lời quốc tế về việc tiến cử ông Trọng vào chức Chủ tịch nước


Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để Quốc hội bầu vào chức Chủ tịch nước là “theo quy định của Hiến pháp, nguyện vọng của cử tri và người dân”, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo vào chiều 4/10.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo tường thuật của truyền thông trong nước, sau khi phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP đặt câu hỏi về sự kiện ứng cử ông Trọng giữ chức Chủ tịch nước ảnh hưởng thế nào tới chính sách ngoại giao của Việt Nam với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, bà Hằng trả lời:

“Tại Hội nghị lần 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, theo quy định và điều lệ của Đảng cộng sản Việt Nam, Trung ương Đảng đã nhất trí giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, theo quy định của hiến pháp, nguyện vọng của cử tri và nhân dân”, trích Dân Trí.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Trước đó trong ngày, ông Trọng là ứng cử viên duy nhất được Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý 100% giới thiệu cho Quốc hội, mà báo chí quốc tế gọi là “nghị gật”, bầu vào chức Chủ tịch nước trong kỳ họp tới, khai mạc vào ngày 22/10.

Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào ngày 21/9, Phó Chủ tịch nước là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh hiện đang giữ quyền Chủ tịch nước cho tới khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch mới.

Vấn đề “nhất thể hóa” hai chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước đang gây ra nhiều tranh luận.

Trong lúc các lãnh đạo, cựu lãnh đạo Việt Nam đồng loạt lên tiếng ủng hộ “nhất thể hóa” và ca ngợi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người “đủ uy tín và điều kiện, trong sạch, liêm khiết” để kiêm luôn chức Chủ tịch nước, thì nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại về việc một lãnh đạo đảm nhận “hai vai” như thế này.

Theo nhận định của TS. Lê Hồng Hiệp của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, thì việc nhất thể hóa hai chức vụ này “không tạo ra bất kỳ tác động nào đối với tình hình kinh tế và môi trường kinh doanh của Việt Nam” nhưng “cấu trúc quyền lực tập trung sẽ làm cho hệ thống chính trị Việt Nam trở nên đơn nhất và ít đa nguyên hơn”, ông Hiệp viết trên trang Nghiencuuquocte.net.

Hãng thông tấn AP dẫn lời một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, TS. Lê Đăng Doanh, nói rằng “nhất thể hóa” là hợp lý nhưng cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực.

Nếu được Quốc hội bầu chọn trong kỳ họp tới, ông Nguyễn Phú Trọng, 74 tuổi, sẽ trở thành lãnh đạo thứ hai của đảng Cộng sản Việt Nam, sau Hồ Chí Minh, giữ hai chức vụ cùng một lúc.


VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad