Báo Thanh Niên cho thôi chức 13 nhà báo vì ‘không là đảng viên’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Báo Thanh Niên cho thôi chức 13 nhà báo vì ‘không là đảng viên’


SÀI GÒN, Việt Nam – Làng báo ở Việt Nam đang rúng động trước tin báo Thanh Niên cho thôi chức 13 phó, trưởng ban với lý do là những người này “không là đảng viên CSVN.”

Tòa soạn báo Thanh Niên ở Sài Gòn. (Hình: Thanh Niên)

Hôm 23 Tháng Mười Một, 2018, nhà báo Ngô Thị Kim Cúc viết trên trang Facebook cá nhân: “Sáng nay, 23 Tháng Mười Một, báo Thanh Niên đã họp và công bố sự thay đổi trong hầu như tất cả các phòng ban. Có 13 vị trí gồm trưởng ban, phó ban/phó phòng đã được ‘thôi chức’ vì không phải đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam.”

“Xin chia sẻ cùng các bạn. Không có chức thì các bạn sẽ làm việc với tư cách phóng viên/nhân viên, nếu các bạn vẫn tiếp tục ở lại Thanh Niên. Có lẽ thu nhập của các bạn sẽ giảm xuống nhưng về nhiều mặt, các bạn hẳn cảm thấy mình không mất gì nhiều. Kẻ mất nhiều không phải các bạn. Sự kiện này hẳn sẽ được lịch sử báo chí Việt Nam ghi lại. Lần đầu tiên, một tòa soạn báo đã ‘tự cho thôi chức’ một loạt lãnh đạo cấp ban/phòng của mình…” bà viết.

“Sau hai mươi năm làm việc ở tòa soạn Thanh Niên, mình quen tên nhớ mặt tất cả các bạn. Đóng góp của các bạn cho tờ báo, đồng nghiệp và độc giả đều biết, đều ghi nhận. Các bạn sẽ vẫn là nhà báo/công dân đúng như mình muốn, và có thể nhìn thẳng vào mắt của vợ chồng/con cái một cách thanh thản, không chút mặc cảm…” bà khẳng định.

Báo Thanh Niên là một trong vài tờ nhật báo được cho là có uy tín nhất định ở Việt Nam, và chịu sự kiểm soát về nhân sự của Trung Ương Đoàn.

Theo tìm hiểu của nhật báo Người Việt, Ban Biên Tập báo Thanh Niên loan báo quyết định cho thôi chức 13 phó, trưởng ban sau khi nhận chỉ đạo của Trung Ương Đoàn về việc siết lại nhân sự “đúng định hướng.”

Đáng chú ý, trong số những người bị công bố thôi chức có các vị trí như phó Ban Chính Trị-Xã Hội, phó Ban Giáo Dục, phó Ban Công Tác Bạn Đọc, phó Ban Thể Thao, phó Ban Phóng Viên Báo Điện Tử, trưởng và phó Ban Văn Nghệ, trưởng và phó Ban Mạng Xã Hội, và thư ký tòa soạn Tiếng Anh.

Bên cạnh đó, một số bộ phận không trực tiếp liên quan tới nghiệp vụ báo chí cũng có sự thay đổi, như Phòng Tài Vụ, và Phòng Quảng Cáo.

Trước đó, tòa soạn báo này đã kêu gọi phóng viên, nhân viên vào đảng nhưng những người trong danh sách nêu trên “không muốn.”

Những người này tuy “được cho thôi chức” nhưng được hiểu là vẫn làm công tác phóng viên, hoặc được tờ báo sắp xếp làm “tổ trưởng” như một chức danh nhằm “né” chỉ thị của Trung Ương Đoàn.

Hành động của báo Thanh Niên được giới quan sát đánh giá là hết sức “nhạy cảm” trong bối cảnh vừa có vụ 14 trí thức ở Việt Nam vừa đồng loạt bỏ đảng để ủng hộ việc ông Chu Hảo, giám đốc Nhà Xuất Bản Tri Thức, bị đảng CSVN kỷ luật do “có biểu hiện suy thoái và tự diễn biến.”

Báo Thanh Niên là một trong những tờ được nhiều người đọc ở Việt Nam. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Thực tế trong làng báo Việt Nam, không riêng tờ Thanh Niên mà gần như tất cả các báo là cơ quan ngôn luận của hội đoàn cũng đều có tình trạng phóng viên phải là đảng viên CSVN thì mới có cơ hội được cất nhấc làm phó ban hoặc trưởng ban. Đó là chưa kể một điều kiện bắt buộc khác: có bằng trung cấp chính trị do Học Viện Cán Bộ cấp.

Nhà báo Ngọc Vinh của báo Tuổi Trẻ bình luận trên trang cá nhân hôm 24 Tháng Mười Một: “Vụ xảy ra ở báo Thanh Niên là biểu hiện của một thứ tâm thức kỳ quái đang điều hành xã hội chúng ta. Đó là tâm thức chia loại con người và chia loại công dân trên đất nước này: con người-công dân có đảng (viên) và con người-công dân không đảng (viên). Tâm thức này kéo lùi sự tiến bộ của quốc gia và sỉ nhục nhân phẩm công dân. Đây chính là cái tát đau điếng vào thời đại dân chủ và quyền tự do ngôn luận của loài người!”

Nhân vụ báo Thanh Niên cho thôi chức 13 phó, trưởng ban, cũng có ý kiến nói việc một tòa soạn thay vì tạo điều kiện thăng tiến cho những người giỏi nghiệp vụ thì lại đặt nặng chuyện có thẻ đảng viên. Điều này dẫn đến hệ lụy là tờ báo bị các “nhóm lợi ích” chi phối để trục lợi dựa trên uy tín của thương hiệu.

Đơn cử là báo Thanh Niên từng bị cáo buộc bắt tay với Công Ty Ogilvy Việt Nam “làm chiến dịch truyền thông bẩn,” đăng loạt bài tuyên truyền giúp hãng Masan giết chết nước mắm truyền thống trong lúc ca tụng thương hiệu nước mắm công nghiệp “không chứa thạch tín” (do hãng này sản xuất). Vụ bê bối này khi vỡ lở hồi cuối năm 2016 làm uy tín của tờ Thanh Niên sa sút nghiêm trọng và đã xuất hiện lời kêu gọi tẩy chay tờ báo.

Thời điểm đó, báo Thanh Niên bị phạt 200 triệu đồng (khoảng $8,560) – mức phạt tiền nặng nhất đối với vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí. Ngoài ra, cũng trong vụ này, Trung Ương Đoàn khiển trách Tổng Biên Tập Nguyễn Quang Thông, cảnh cáo Phó Tổng Biên Tập Đặng Việt Hoa (Đặng Ngọc Hoa), cảnh cáo và cách chức Tổng Thư Ký Tòa Soạn Võ Khối.


Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad