Thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đăng hôm 15/11/2018 nói họ kết luận rằng trong quá trình xem xét kỷ luật, ông Chu Hảo không chấp hành quy định của Đảng, “có hành vi chống đối” và “tự diễn biến”.
“Đồng chí Chu Hảo đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, vi phạm tư cách, tiêu chuẩn đảng viên và quy định những điều đảng viên không được làm; có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, biểu hiện rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
“Ngay từ khi phát hiện vi phạm, các tổ chức đảng đã nhắc nhở, kiểm điểm, nhưng đồng chí không khắc phục, sửa chữa, mà còn tiếp tục có những vi phạm mới. Quá trình xem xét, thi hành kỷ luật, đồng chí đã không chấp hành các quy định của Đảng, không chấp hành kiểm điểm, có hành vi chống đối, thách thức.
“Vi phạm của đồng chí Chu Hảo là rất nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội. Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Chu Hảo,” thông cáo viết.
Đây là cách nói ở Việt Nam để chỉ việc biến đổi trong tư tưởng theo cách mà Đảng cầm quyền coi là trái với khuôn mẫu chính thống.
Quyết định khai trừ ông Chu Hảo được đưa ra trong kỳ họp thứ 31 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương do ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban, chủ trì diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12 đến 14/11.
Khai trừ Đảng GS Chu Hảo là một trong số nội dung Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương tuyên bố trong kỳ họp từ 12 đến 14/11/2018. |
Ủy ban cũng nêu các chức danh của GS Chu Hảo là Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, nguyên thành viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Hôm 26/10, ông Chu Hảo viết thư “từ bỏ Đảng Cộng sản” sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật ông trước đó.
Thông báo của ông có đoạn:
“45 năm về trước, tôi cũng như nhiều bạn bè và đồng nghiệp cùng thế hệ, đã tự nguyện gia nhạp đảng Lao động Việt Nam (nay là đảng Cộng sản Việt Nam) với lý tưởng cao quý là đấu tranh vì Độc lập dân tộc, vì Dân chủ và Phát triển đất nước.
“Nhưng càng ngày tôi càng nhận thức rõ hơn rằng tổ chức chính trị mà mình tham gia không có tính chính danh, hoạt động không chính đáng, có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại.
GS Hảo nói kết luận của UBKTTW đề nghị kỷ luật ông trước đó là bản cáo trạng vô căn cứ và thâm độc nhằm không những đe dọa riêng ông mà cả những người đồng chí hướng.
“Tôi cực lực phản đối và không chấp nhận bản Kết luận này,” ông Hảo viết.
“Tôi tự nguyện từ bỏ đảng CSVN, ngay từ hôm nay, để tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn: Góp phần nâng cao dân trí theo tinh thần Khai sáng của Phan Châu Trinh: Dân tộc, Dân chủ và Phát triển: chủ yếu thông qua các hoạt động văn hóa và giáo dục. Đề nghị Chi bộ, và các cấp ủy xóa tên tôi trong Danh sách Đảng viên”.
Hôm 30/10, trang web của Ủy ban Kiểm tra TW có bài viết nêu quan điểm chính thức của Đảng nhận định ông Chu Hảo, khi làm Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, đã cho in nhiều sách “có nội dung sai phạm, trái quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng”.
Theo đó, từ 2005 đến 2009, ông Chu Hảo xuất bản 5 cuốn bị chính quyền cấm phát hành.
PGS.TS. Mạc Văn Trang (trái) và nhà văn Nguyên Ngọc tuyên bố bỏ ĐCSVN sau PSG. TS Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật. |
Ví dụ, cuốn “Đường về nô lệ” của F.A. Hayek “đã thổi phồng các mặt hạn chế của chủ nghĩa xã hội, đánh đồng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô với chủ nghĩa phát xít”, theo bài viết.
Cuốn “Karl Marx” của Peter Singer, “nhận xét sai lầm về học thuật, phủ định những nội dung tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Marx”.
Cuốn sách “Ông Sáu Dân trong lòng dân” cho thấy Nhà Xuất bản có “dấu hiệu khuynh hướng tập hợp những bài viết về những người có quan điểm khác với chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm “gợi ý”, “gợi mở” một hướng đi khác, cách nhìn khác không có lợi cho sự nghiệp xây dựng đất nước”.
Bài báo cũng tiết lộ rằng năm 2009, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã kết luận vi phạm của ông Chu Hảo “đã đến mức phải kỷ luật khiển trách, nhưng miễn kỷ luật do xét các tình tiết giảm nhẹ như công lao, quá trình cống hiến, sự thành khẩn của đồng chí”.
Tuy vậy, ông Chu Hảo vẫn cho in các sách “vi phạm”, gồm 2 cuốn bị cấm phát hành, 5 cuốn cấm tái bản, bài báo nêu ra và cho rằng đây là vi phạm nghiêm trọng.
Vi phạm ‘rất nghiêm trọng’
Bài viết tiếp tục tiết lộ ông Chu Hảo đã tham gia ký vào các thư kiến nghị, thư ngỏ và có nhiều bài viết trên báo chí trong và ngoài nước, mạng xã hội.
Trong đó có “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” mà tác giả nói thư ngỏ này cho rằng Đảng Cộng sản “dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm”.
Hay “Thư gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” có nội dung phê phán đường lối lãnh đạo của Đảng trong 30 năm qua.
“Thư kiến nghị về Luật An ninh mạng” năm 2018, bị nói là “tự ý đưa tên đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, nguyên thứ trưởng Thường trực Bộ Công an (không được sự đồng ý của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn) vào danh sách những người đứng tên”.
Đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói ông Chu Hảo còn có “nhiều bài trả lời phỏng vấn trên các đài, báo nước ngoài có các nội dung sai trái (BBC, RFA, RFI)”.
Tháng 6/2016, Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với ông Chu Hảo.
Nhưng hai tháng sau, ông lại viết bài “Đã đến lúc cần đối thoại” trong đó, cho rằng: “Nguyên nhân gốc rễ của mọi bất đồng, mọi bức xúc và phẫn uất đều nằm trong những bất cập, phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ của Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” từ đó đòi hỏi Đảng phải đối thoại với nhân sĩ, trí thức.
Ông Chu Hảo còn sáng lập hay tham gia nhiều hội, nhóm, diễn đàn…trong đó có “Diễn đàn xã hội dân sự”, bị nói là “nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta một cách ôn hòa”.
Bài này đánh giá: “Năm 2007, đồng chí cùng một số nhà khoa học lập Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) (nay đã giải thể), là thành viên của “Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh” sau đó là “Quỹ Phan Chu Trinh”, quỹ này trao giải cho cả cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.”
Phản ứng quốc tế
Quyết định khai trừ Đảng đối với GS Chu Hảo được đưa ra vài ngày sau khi một loạt trí thức Việt Nam và nước ngoài ký một bản kiến nghị phản đối cách chính quyền của Đảng CSVN đối xử ông.
‘Thư bày tỏ quan ngại về các cáo buộc đối với Giáo sư Chu Hảo và Nhà Xuất bản Tri Thức’ được gửi tới TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội.
Hơn 80 người ký tên ở Việt Nam và nước ngoài nói họ là “học giả, các giáo sư và nhà nghiên cứu, những người đã dành phần lớn sự nghiệp và cuộc sống” cho việc nghiên cứu Việt Nam, và đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trên khắp thế giới”.
Lá thư có đoạn viết:
“Chúng tôi viết lá thư này để bày tỏ sự không đồng và thất vọng sâu sắc của chúng tôi về những cáo buộc đối với Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, bởi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào ngày 25 tháng 10 năm 2018, cũng như về các bình luận tiếp theo được đăng trên trang mạng của Ủy ban vào ngày 31 tháng 10.”
Trong số các tên tuổi ký tên có những nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sỹ từ Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hà Lan, Australia, Việt Nam.
Cho đến ngày 15/11, BBC chưa thấy có đài báo nào ở Việt Nam đăng tin rằng lãnh đạo nước này đã nhận được thư hoặc có phản hồi gì chưa.
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét