***
Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng – chống tội phạm công nghệ cao đang hầu Tòa.
Cả hai bị cáo buộc “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hỗ trợ Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Công ty Đầu tư – Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), tổ chức - điều hành mạng lưới đánh bạc trên Internet.
Chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, CNC thu về khoản lời 9.583 tỉ. Công an Phú Thọ, Viện Kiểm sát Phú Thọ thừa nhận không có sự hỗ trợ của ông Vĩnh, ông Hóa, Dương không thể tổ chức phạm pháp trên diện rộng, thu lợi lớn như thế, mặt khác, hai cơ quan này còn ghi nhận lời khai của Dương (“biếu” ông Vĩnh 1.750.000 Mỹ kim, 27 tỉ đồng, một đồng hồ Rolex trị giá 7.000 Mỹ kim, “biếu ông Hóa 22 tỉ đồng và “nhiều món quà giá trị khác”) nhưng không cáo buộc ông Vĩnh, ông Hóa nhận hối lộ (1).
Thiên hạ không tin ông Vĩnh, ông Hóa không nhận của Dương đồng nào cũng chẳng sao. Hệ thống bảo vệ pháp luật mạnh dạn quyết định như thế hẳn vì ông Vĩnh, ông Hóa là tướng của một lực lượng “trong sạch”.
Ông Vĩnh, ông Hóa khơi khơi hỗ trợ, tiếp sức cho Dương hẳn chỉ vì “tình hữu ái giai cấp”. Xưa có “tình hữu ái giai cấp vô sản”, giờ có “tình hữu ái giai cấp… thống trị”. Nếu Dương không phải con rể của ông Phạm Quang Nghị, cựu Ủy viên Bộ Chính trị lừng lẫy một thời thì có lẽ khó có chuyện mang “bảo vệ an ninh mạng” ra làm nền để xây dựng hệ thống phục vụ toàn dân đánh bạc trên Internet mà Tòa án tỉnh Phú Thọ đang xử!
“Tình hữu ái giai cấp thống trị” cũng có thể là lý do CNC được chọn làm “bình phong” của công an nhân dân. “Bình phong” là một loại “nghiệp vụ đặc biệt” mà công an, quân đội sử dụng để che chắn cho việc thu thập thông tin, tài liệu phục vụ cái gọi là bảo vệ an ninh, quốc phòng.
Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘Nhôm’) cũng từng là “bình phong”. Có lẽ để lực lượng “vững mạnh” hơn nữa, lãnh đạo công an nhân dân mới yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các địa phương bán công thổ, công thự cho Vũ ‘Nhôm’ với giá bán… bèo.
Khi Vũ ‘Nhôm’ trở thành nhân vật chính của một scandal vô tiền khoáng hậu, lãnh đạo công an nhân dân yêu cầu xử kín để bảo mật những yếu tố liên quan tới “bình phong”: Những ai quyết định chọn Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 làm “bình phong”? Lãnh đạo công an nhân dân đã làm những gì để Vũ ‘Nhôm’ lột xác, từ chủ một cơ sở chuyên gia công - lắp ráp khung nhôm, kính trở thành cá nhân có thể lũng đoạn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương? An ninh quốc gia đã được bán sỉ và lẻ ra sao?..
Trong scandal Vũ ‘Nhôm’, không có thành viên nào của lực lượng công an nhân dân bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “nhận hối lộ”. Chỉ có Trung tướng Phan Hữu Tuấn, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo bị phạt bảy năm tù và ông Nguyễn Hữu Bách, một sĩ quan tình báo khác bị phạt sáu năm tù, cùng vì “cố ý làm lộ bí mật công tác”!
Giờ, “bình phong” CNC cũng thế.
Vụ xử 92 cá nhân liên quan tới chuyện Nguyễn Văn Dương tổ chức – vận hành mạng lưới đánh bạc không đả động gì tới trách nhiệm những người chủ trương chọn CNC làm “bình phong”, từng ưng thuận – phê duyệt kế hoạch nhận 20% vốn khống mà CNC chia cho Bộ Công an. Trên thực tế, CNC đã chia cho Bộ Công an 700 triệu đồng từ lợi nhuận do “phạm tội mà có” và một bộ phần mềm diệt virus được định giá là 30.000 Mỹ kim cũng do “phạm tội mà có”.
Những lãnh đạo cao nhất của lực lượng “trong sạch, vững mạnh” đủ “trong sạch, vững mạnh” nên tự thấy không cần phải chịu trách nhiệm về việc nhận 1,1 tỉ đồng từ CNC, do CNC “phạm tội mà có” để thực hiện các “hoạt động giao lưu”, “chương trình từ thiện”, nhằm đánh bóng sự “trong sạch, vững mạnh” của mình?
Đủ tự tin về sự “trong sạch, vững mạnh” của mình nên giới lãnh đạo lực lượng “trong sạch, vững mạnh” không cần băn khoăn khi CNC trở thành nhà “tài trợ chính” cho các buổi “tiếp khách”, mà chỉ tính riêng giá trị số rượu CNC đóng góp cho những buổi “tiếp khách” ấy đã hơn… 10 tỉ đồng? Đú đởn miễn phí vì toàn bộ chi phí được trang trải từ tiền do “phạm tội mà có” là vô hại (?), không phải tham nhũng, cũng chẳng phải nhận hối lộ?
Tháng 10 năm 2017, Công an Phú Thọ bắt ông Nguyễn Văn Dương và ông Phan Sào Nam (Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc VTC Online – đối tác của CNC) làm dấy lên những đồn đoán về ông Vĩnh, ông Hóa, trung tuần tháng giêng năm 2018, Bộ Công an tổ chức một cuộc họp báo, ba ông tướng từ một sao tới ba sao (Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh Văn phòng Bộ Công an, Trung tướng Trần Đăng Yến – Tổng cục phó Tổng cục An ninh kiêm Chỉ huy lực lượng An ninh điều tra, Thượng tướng Bùi Văn Thành – Thứ trưởng Công an) cùng xuất hiện để cảnh cáo công chúng rằng ông Vĩnh, ông Hóa có liên quan đến hoạt động của “liên doanh CNC - VTC Online” là “vô căn cứ, thiếu cơ sở” (2).
Hai tháng sau (tháng 3 năm 2018) ông Hóa bị tống giam, tháng sau nữa (tháng 4 năm 2018), tới lượt ông Vĩnh bị bắt. Lãnh đạo công an nhân dân thản nhiên bảo rằng điều đó chứng minh lực lượng này luôn luôn “trong sạch, vững mạnh”! Công an Phú Thọ, Viện Kiểm sát Phú Thọ lần lượt khẳng định, trong vụ CNC, chỉ có ông Vĩnh, ông Hóa phải chịu trách nhiệm hình sự vì lãnh đạo lực lượng công an nhân dân từng thấy không ổn, từng yêu cầu báo cáo nhưng hai ông không… chấp hành. Nếu đủ “vững mạnh” thì dưới bất tuân thượng lệnh cũng chẳng sao (?), trên thiếu kiểm tra - giám sát cũng không phải là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”?
***
Sau một thời gian lấy “trong sạch, vững mạnh” làm tiêu chí định tính cho công an nhân dân, tháng 5 vừa rồi Đại tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm - Bộ trưởng Công an, công bố bảy giải pháp để định lượng về “trong sạch, vững mạnh”. Bây giờ, công an nhân dân là lực lượng “trong sạch, vững mạnh toàn diện” (3).
Đừng có ngạc nhiên nếu công an nhân dân luôn luôn vô sự, chẳng bao giờ, chẳng có ai bị truy cứu trách nhiệm về chuyện người này bị đánh, người kia bị bẫy, người khác bị tịch thu tài sản,… Đã “trong sạch, vững mạnh”, lại còn… toàn diện nữa thì làm gì có lỗi! Lỗi vô ý đã không, lỗi cố ý lại càng không.
Trân Văn
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét