Tại sao ông Trump quyết định rút quân khỏi Syria? |
Mỹ ở Syria làm gì?
Trong giai đoạn 2011-2013, đối mặt với phong trào Mùa Xuân Ả Rập và cuộc nội chiến Syria, Tổng thống Obama hoàn toàn không coi IS là một mối đe dọa. Thậm chí tới tận tháng 1/2014, ông ta còn gọi IS là một đội ‘trẻ trâu’ (JV team) gồm những tên khủng bố dự bị.
Do đánh giá sai lầm về IS của Tổng tư lệnh quân đội Mỹ lúc bấy giờ, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia của ông Obama ra lệnh cho tình báo không cần cung cấp thêm báo cáo về lực lượng khủng bố này nữa. Tuy nhiên trong năm 2014, khi không thể làm ngơ khi truyền thông tràn ngập các hình ảnh hành quyết man rợ của phiến quân IS, ông Obama cuối cùng đã phải ra lệnh điều binh tới Syria tham chiến. Khi đó, IS đã chiếm được thành phố Mosul, quận Anbar, thành phố Ramadi và Fallujah. Theo ước tính của Mỹ, khi đó nhóm khủng bố Hồi giáo này chiếm đóng khoảng 100.000 km2 lãnh thổ tại Syria và Iraq với khoảng 8 triệu dân nằm dưới sự kiểm soát của chúng.
Đánh giá sai lầm của Obama đã khiến Iraq và lực lượng đồng minh tổn thất nhiều nhân mạng trong cuộc chiến 4 năm lấy lại những lãnh thổ bị tổ chức khủng bố này chiếm đóng. So với sự manh nha bùng phát của IS 4 năm trước, nay nhóm khủng bố này đã bị đánh bại hoàn toàn. Trong vòng 2 năm sau khi nhậm chức, cũng tức là nhận lấy mớ bòng bong Syria từ Obama, ông Trump đã trao thêm nhiều quyền cũng như trách nhiệm cho các tướng lĩnh Mỹ trong nhiệm vụ tiêu diệt IS, cắt bỏ những quy định trói buộc không gian hoạt động ngoài thực địa của binh lính Mỹ. Kết quả là hiện tại IS chỉ còn kiểm soát khoảng 1% lãnh thổ so với lúc lớn mạnh nhất và hoàn toàn bị đánh bật khỏi Iraq. Theo Reuters, thành trì lớn cuối cùng của IS tại Syria là Hajin cũng đã nằm dưới quyền kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) – một liên minh của dân quân người Kurd và Ả Rập được Mỹ hậu thuẫn. IS chỉ còn kiểm soát một phần nhỏ lãnh thổ dọc theo bờ đông của sông Euphrates.
“Chúng ta đã đánh bại IS tại Syria, lý do duy nhất của tôi để duy trì [quân đội] ở đó,” Tổng thống Trump đăng tweet loan báo hôm 19/12 vừa rồi.
Đây chính là lý do chủ yếu nhất khiến ông Trump ra lệnh rút quân về nước. Khác với một số tướng lĩnh như James Mattis, ông Trump không phải là một người theo chủ nghĩa can thiệp. Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, cố vấn cao cấp của Tổng thống trước đó đã cố lay chuyển Tổng thống với nhận định: “Về vấn đề ổn định [Syria], chúng ta còn có một con đường dài phải đi.” Ông nói rằng chỉ có 20% lực lượng quân địa phương đồng minh của Mỹ dưới mặt đất tại Syria là được huấn luyện.
Tuy nhiên “ổn định Syria” chưa bao giờ là mục tiêu của Trump lẫn lý do khiến Mỹ can thiệp vào cuộc chiến Syria. Syria đã và sẽ là một chảo lửa của Trung Đông luôn luôn trong tình cảnh “loạn thập nhị sứ quân”: Quân Assad đánh phe nổi dậy; quân nổi dậy thì đánh lẫn nhau, người Kurd đánh quân Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả cùng chống nhà nước Hồi giáo IS. Trong khi đó Mỹ dẫn đầu liên quân phương Tây và Nga cùng Ả Rập Saudi hỗ trợ những lực lượng đối nghịch và thường xuyên xung đột với nhau.
Chống chính quyền độc tài gia đình trị nhà Assad là ước mơ chính đáng của nhân dân Syria, tuy nhiên bài học từ Iraq cho người Mỹ thấy cuộc chiến này phải do người dân Syria làm chủ thì mới đạt được kết quả bền vững. Thậm chí những phiến quân nổi dậy chống lại Assad cũng không hề thống nhất mà lẻ tẻ, đầy mâu thuẫn, có đường lối riêng và thường xuyên giao chiến với nhau. Người Kurd là một lực lượng đồng minh chống khủng bố đáng tin cậy của Mỹ, nhưng họ tham chiến còn với một mục tiêu khác: lập ra nhà nước riêng của họ. Đây không phải là một việc mà Mỹ có thể ủng hộ cũng như nên can dự vào. Duy trì 2.000 quân ở đây chỉ khiến Mỹ tiêu tốn tiền và nhân mạng một cách lãng phí.
Syria là một “nồi lẩu thập cẩm” mà nếu cứ tiếp tục dây dưa ở đó, Mỹ sẽ ngày càng sa lầy và không bao giờ có thể tạo ra sự khác biệt lẫn rút chân khỏi đó.
“Có phải Hoa Kỳ muốn trở thành Cảnh sát ở Trung Đông? KHÔNG ĐƯỢC GÌ mà lại đánh đổi sinh mạng quý giá và hàng ngàn tỷ Mỹ kim chỉ để bảo vệ những người khác, mà trong hầu hết các trường hợp, còn không cảm kích những gì chúng ta đang làm? Chúng ta có muốn ở đó mãi mãi không? Đã đến lúc để những người khác chiến đấu…” – Ông Trump lý giải quyết định rút quân khỏi Syria trên Twitter. Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, quân chính phủ Syria và dân quân người Kurd có nhiều lý do hơn người Mỹ để chiến đấu tiêu diệt nốt những nhánh cỏ dại IS còn sót lại. Việc Mỹ phải tiêu tốn hàng chục tỷ USD mỗi năm, chưa tính nhân mạng để ở lại một mảnh đất chưa ai nhìn thấy hy vọng hòa bình là một sự lãng phí ngu ngốc.
Học thuyết chiến tranh của ông Trump là đơn giản và thực tế: Tối đa hóa lợi ích của nước Mỹ. Ông Trump diều hâu hơn Obama khi ông vạch lằn ranh đỏ và thực hiện nó khi cho chính phủ Assad nếm hàng chục quả tên lửa Tomahawk khi ông này dám dùng vũ khí hóa học, nhưng ông cũng nhanh nhạy hơn khi rút chân về khi thấy mục tiêu ban đầu đã đạt được. Bây giờ phải dồn tâm sức để gây dựng lại sự vĩ đại của nước Mỹ, bảo vệ an ninh biên giới và duy trì sức mạnh kinh tế trước mối nguy hiểm rình rập hơn là Trung Quốc.
Một số tướng lĩnh cao cấp trong chính quyền Mỹ, kể cả James Mattis vẫn đang sống trong não trạng khi Mỹ duy trì chủ nghĩa ngoại giao can thiệp cứng. Điều này không còn phù hợp với ông Trump, vì thế ông đã để họ ra đi.
Nhưng các trang tin cánh tả của Mỹ vẫn như vậy, dù là việc ông ra lệnh đưa những quân nhân của mình về nước hay việc Tướng Mattis viết thư từ chức cũng vậy, ông Trump luôn được mô tả là một kẻ ngu độn bốc đồng.
“Nếu bất kỳ ai ngoại trừ vị Tổng thống ưa thích của các bạn, Donald J. Trump, thông báo rằng, sau khi tiêu diệt IS tại Syria, chúng ta sẽ đưa quân đội về nước (vui vẻ và khỏe mạnh), người đó sẽ trở thành anh hùng nổi tiếng nhất ở Mỹ. Nhưng tôi lại bị công kích bởi truyền thông Fake News. Điên rồ!”, ông Trump viết trên Twitter hôm 23/12.
Trọng Đạt
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét