Vốn là một đạo diễn giàu nội lực với 30 năm thăng trầm trong nghề nghiệp (bộ phim đầu tay của ông là Cao lương đỏ hoàn thành năm 1988), Trương Nghệ Mưu không để sự thất bại gặm nhấm ông. Shadow (Ảnh), bộ phim đen trắng mượn triết lý âm dương của Thái cực đồ và tranh thủy mặc truyền thống của Trung Hoa đã giúp ông phục hồi lại tên tuổi chỉ sau 2 năm.
Sau khi tham dự LHP Venice, Toronto; Ảnh đã khởi chiếu tại thị trường điện ảnh Trung Quốc vào cuối tháng 9 và dự kiến khởi chiếu tại các nước phương Tây vào đầu năm 2019. Dù không phải là một bộ phim thành công quá lớn về mặt thương mại, nhưng Ảnh đã nhận được những phản hồi tích cực của khán giả. Bộ phim đạt số điểm 95% trên Rotten Tomatoes và 88% trên Metascore - tức ngang bằng với những bộ phim xuất sắc nhất của ông trong quá khứ. Tại giải thưởng điện ảnh Kim Mã của Đài Loan mới đây, bộ phim cũng giành được 4 giải thưởng trên 12 đề cử, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc cho Trương Nghệ Mưu.
Sau hơn một thập niên kể từ Anh hùng (Hero) và Thập diện mai phục (House of Fyling Daggers), người xem mới thấy một Trương Nghệ Mưu quay trở lại với những giá trị nguyên bản làm nên tên tuổi của ông trong dòng phim hành động sử thi nặng tính trình diễn ước lệ của sân khấu. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa một kịch bản phim cao trào có nhiều lớp "layer" ( ở đây tạm hiểu là "gài bẫy"), nhiều ẩn dụ chính trị và những màn hành động đẹp mắt kế thừa tinh thần của võ thuật Trung Hoa, Ảnh không đơn thuần là một bộ phim giải trí mà là một tác phẩm mang nhiều thông điệp, dùng chuyện xưa để nói chuyện nay.
Bộ phim được lấy cảm hứng và mượn bối cảnh dưới thời Tam Quốc (Three Kingdom) vào những năm 220-280 sau Công nguyên, mượn tích đòi lại thành Kinh Châu nổi tiếng trong lịch sử nước này. Bái quốc là một vương quốc giả tưởng do vị vua trẻ trị vì. Cảnh Châu vốn là một vùng cương thổ của Bái quốc, đang bị Viêm quốc của Dương Tướng quốc chiếm đóng lâu năm. Nhưng vị vua trẻ một lòng cầu hòa, không muốn đòi lại Cảnh Châu vì sợ phá vỡ liên minh. Thậm chí ông ta còn âm mưu gả em gái là công chúa Thanh Bình cho con trai của Dương Tướng quân để liên hôn, bày tỏ thành ý của mình. Hành động của ông ta bị nhiều vị tướng tài phản đối bởi họ cho rằng điều đó trái với lòng dân và Bái quốc sẽ sớm suy vong.
Đại Đô Đốc của Bái quốc là Tử Ngu (Đặng Siêu), một vị tướng tài giàu mưu lược, được kính trọng nhất Bái quốc, nhiều lần Nam chinh Bắc phạt, không chịu được cảnh nhẫn nhục của vua, đã lặng lẽ đến Cảnh Châu để khai chiến với Dương tướng quốc và bị thương nặng. Ông ta phải ẩn thân trong bóng tối và sử dụng một "Ảnh tử" (Shadow) có tên là Cảnh Châu để tiếp tục thực thi nhiệm vụ của mình…
"Sống giữa thời chiến tranh tàn khốc và những cuộc tranh giành quyền lực, các bậc đế vương và quý tộc cổ xưa đều khó tránh khỏi những mỗi đe dọa về tính mạng. Bởi vậy họ luôn bí mật dùng thế thân, thường được biết đến với cái tên "Ảnh tử". Ảnh tử, xả mạng cứu chủ, vào sống ra chết, nhưng không có danh tính, cũng không được ghi vào sử sách. Tính mạng và hành tung của họ đều bị chôn vùi, rất ít người biết, như chưa từng tồn tại."
Bộ phim mở đầu bằng lời đề từ như vậy để giúp khán giả hiểu được khái niệm mà các nhà làm phim mượn để chuyển tải những thông điệp và những âm mưu, thủ đoạn chính trị.
Nam diễn viên Đặng Siêu đóng một lúc hai vai, vừa là vị đô đốc Tử Ngu, vừa là "ảnh tử" của ông ta là Cảnh Châu. Trong khi đó, vợ ngoài đời của Đặng Siêu là Tôn Lệ đóng vai Tiểu Ngải, phu nhân của Tử Ngu và cũng là người thay ông ta để truyền dạy và chăm sóc cho Cảnh Châu. Lộng giả thành chân, chính Tiểu Ngải đôi lúc cũng không phân biệt được chồng mình và người thế thân của chồng. Mỗi người trong bọn họ đều có những nỗi niềm lẫn những âm mưu, toan tính riêng. Chỉ đến khi vở kịch hạ màn, ta mới biết được chân dung của họ…
Ảnh (Shadow) vừa có bóng dáng của một vở kịch với những âm mưu thủ đoạn nhiều lớp lang của Shakespeare, hay ảnh hưởng từ khái niệm "doppelgangers" (người song trùng) trong văn hóa dân gian phương Tây vốn luôn ẩn chứa nhiều hiểm họa, lại vừa mang tính triết lý phương Đông với nghệ thuật thư pháp, tranh thủy mặc và thái cực đồ. Nhờ vậy, Ảnh biến hóa bất ngờ, các nhân vật đều đa diện, khó nắm bắt và chỉ đến khi màn kịch khép lại, người ta mới biết được sự thật.
Triệt tiêu những màu sắc nóng, rực rỡ vốn làm nên thương hiệu của mình với những bộ phim trong quá khứ, Trương Nghệ Mưu thể nghiệm một lối làm phim tối giản với hai màu đen trắng làm chủ đạo. Lối diễn xuất nặng tính ước lệ và cường điệu của sân khấu, thậm chí góc quay từ bên ngoài xuyên qua các lớp tranh thư họa khiến đôi lúc người xem như đang được thưởng thức một vở kịch được kể lại bởi một người thứ ba.
Trương Nghệ Mưu (giữa) và nhóm làm phim Ảnh /Getty Images |
Điều những khán giả tinh ý nhận thấy rõ nhất là cách Trương Nghệ Mưu lấy cảm hứng từ triết lý Thái cực đồ để lý giải cho câu chuyện nhiều lớp lang của mình. Trong triết lý Trung Hoa cổ đại, Thái cực đồ nằm gọn trong một vòng tròn, gồm hai nửa đối xứng ôm trọn lấy nhau, tượng trưng cho Âm (màu đen) và Dương (màu đỏ). Màu sắc của Thái cực đồ có thể thay đổi, cũng như độ xoắn vào nhau của hai hình đối xứng. Trong mỗi phần đối xứng lại có một chấm tròn màu đối lập nằm trong đó. Vốn chọn tông màu đen trắng làm chủ đạo nên Thái cực đồ trong Ảnh cũng tuân theo sự lựa chọn này của ông.
Trong tổng thể hình tròn đó luôn có hai mặt Âm và Dương luôn tồn tại và tương hỗ với nhau. Không một cá thể nào có thể tách biệt được hai mặt hoàn thiện đó. Khi Âm thịnh thì Dương suy và ngược lại.
Trong Ảnh, ta có thể thấy triết lý này được thể hiện rõ nét. Đô đốc Tử Ngu và Ảnh tử của ông ta là Cảnh Châu là "hình" và "bóng" không thể tách rời. Thậm chí giữa vua và tôi, giữa vợ và chồng cũng diễn ra trên một vòng tròn định mệnh đó. Chính vì vậy mà vòng tròn âm dương của Thái cực đồ xuất hiện rất nhiều lần trên phim, thậm chí ngay cả những trận đánh cũng được dàn dựng trên đó.
Bên cạnh một câu chuyện nhiều âm mưu, nhiều thủ đoạn tinh vi được che giấu khéo léo, như một củ hành chỉ được bóc dần đến lớp cuối cùng khi bộ phim kết thúc, Ảnh còn là một bộ phim tuyệt đẹp về mặt thủ pháp nghệ thuật. Dù tối giản với hai màu đen trắng, bộ phim lại được dụng công rất công phu về mặt bối cảnh, đặc biệt là những cảnh nội. Những màn hành động mãn nhãn với tài biên đạo võ thuật kỳ công, lạ lẫm - vốn làm nên thương hiệu của Trương Nghệ Mưu trong Anh hung và Thập diện mai phục, một lần nữa được phát huy trong Ảnh. Không ai nghĩ một chiếc dù, vốn chỉ là dụng cụ để che mưa, nắng lại được sử dụng như một thứ vũ khí tinh vi và thậm chí là một thứ binh khí sắc nhọn chết người có thể chống lại đao pháp mạnh mẽ của kẻ thù. Những cảnh hành động dù không nhiều trong một bộ phim dày đặc các âm mưu, nhưng không vì thế mà chúng thiếu hấp dẫn. Chiếc tàu chiến của Đại đô đốc Tử Ngu khi vào đến thành Cảnh Châu vốn đang bị Dương tướng quân của Viêm quốc chiếm đóng, cũng như chú ngựa thành Troy dấu bên trong một hiểm họa khó lường.
Âm nhạc của bộ phim, chỉ sử dụng hai dụng cụ chủ yếu là đàn thập lục và sáo, phù hợp với tinh thần tối giản của bộ phim nhưng lại chuyển tải được cảm xúc của nhân vật, nhất là khi họ đứng trước những thử thách để bộc lộ bản ngã.
Ảnh là một bộ phim thể hiện đậm đặc tư tưởng "nam trị" trong thời đại phong kiến của Trung Hoa, ở đó, nói như quẻ bói của Tiểu Ngải ở đầu phim: "Quẻ này chí nhân chí cường, không có vị trí của nữ nhân". Nhưng chính những bậc chính nhân quân tử, khi rơi vào những màn cờ chính trị, cũng trở thành những con tốt thí dưới sự điều binh của kẻ khác. Nói như đại đô đốc Tử Ngu ở đoạn kết phim: "Chỉ hận cuộc đời ta, chỉ chìm đắm trong quyền mưu và chinh phạt. Chưa từng lĩnh hội vẻ đẹp của thiên hạ."
Lê Hồng Lâm
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét