Kiên Giang: Tìm giải pháp tiêu thụ hơn 2 triệu tấn lúa hàng hóa - Bị chính “người nhà” quay lưng thì vô phương cứu - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

Kiên Giang: Tìm giải pháp tiêu thụ hơn 2 triệu tấn lúa hàng hóa - Bị chính “người nhà” quay lưng thì vô phương cứu


Chiều 7/3, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng chủ trì cuộc họp với các sở ngành, ngân hàng, lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa, gạo để tìm giải pháp tháo gỡ.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng chủ trì cuộc họp để bàn giải pháp tiêu thụ hơn 2 triệu tấn lúa hàng hóa của tỉnh

Kiên Giang: Tìm giải pháp tiêu thụ hơn 2 triệu tấn lúa hàng hóa

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ lúa ĐX 2018 - 2019, toàn tỉnh gieo sạ được 289.094ha, đến nay đã thu hoạch được 117.547ha, chiếm khoảng 40% diện tích gieo trồng, sản lượng 773.341 tấn. Dự kiến, từ nay đến cuối tháng 3, tỉnh sẽ thu hoạch dứt điểm lúa ĐX, năng suất ước đạt 7,07 tấn/ha, sản lượng đạt 2,013 triệu tấn.

Về cơ cấu giống gieo trồng thì các giống chất lượng cao chiếm 88,4%, trong đó các giống có diện tích gieo sạ lớn là: ĐS 1 (78.578ha), Đài Thơm 8 (65.732ha), Jasmine 85 (40.856 ha), OM 5451 (37.224ha), RVT (11.704ha). Nhiều huyện hiện nay vẫn còn diện tích lúa khá lớn trên đồng ruộng chưa thu hoạch, như Hòn Đất mới thu hoạch 9.000/80.278ha gieo sạ, Giồng Riềng 14.368/46.709ha, Kiên Lương 4.220/23.500ha…

Theo ông Tâm, năm nay thị trường tiêu thụ gặp khó nhưng diện tích cánh đồng lớn, có hợp đồng bao tiêu trên địa bàn lại giảm rất mạnh. Cụ thể so với vụ ĐX cùng kỳ năm trước toàn tỉnh thực hiện tới 169 cánh đồng lớn, tổng diện tích 58.463ha, trong khi năm nay chỉ cò 28 cánh đồng lớn, diện tích 22.121ha, giảm tới 36.342ha.

Ông Phạm Văn Hoàng, TGĐ Cty CP Thương mại Kiên Giang, cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn do thiếu vốn thu mua, đề nghị phía ngân hàng nhà nước có gói hỗ trợ lãi suất và cho hạn vay khoảng 4 - 6 tháng để giải quyết nhu cầu vốn tăng đột biến theo mùa vụ. Ông Hoàng đánh giá, hiện nay giá của ta đang thấp, gạo trắng 5% tấm ở mức 340 - 345 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan hiện gần 400 USD/tấn, đây là lợi thế để tìm thị trường xuất khẩu.

Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thì giải pháp hữu hiệu để tiêu thụ lúa gạo hiện nay vẫn là liên kết sản xuất, tức là nông dân làm ra hàng hóa phải có địa chỉ tiêu thụ. Với diện tích của Kiên Giang khoảng 300.000ha/vụ, chỉ cần khoảng 5 - 6 doanh nghiệp lớn, đủ tầm, đủ lực là hoàn toàn có thể ký hợp đồng bao tiêu hết. Nhưng rất tiếc là doanh nghiệp không thể có đủ số vốn đủ lớn để thu mua sản lượng vài trăm ngàn tấn lúa chỉ trong thời gian ngắn để mang về tạm trữ, chế biến trong khi ngân hàng lại không cho vay.

Giá lúa thấp và khó tiêu thụ, nông dân Kiên Giang thu hoạch xong phủ bạt che tạm trên đồng ruộng, chờ thương lái đến thu mua

Về phía đại diện các ngân hàng thương mại thì hiện nay gần như đã cho các doanh nghiệp vay hết hạn mức tín dụng được phê duyệt theo tài sản thế chấp. Nếu muốn tăng thêm vốn thì phải có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh mới có thể bơm thêm vốn.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt khâu sản suất, ngành công thương và các doanh nghiệp chủ động các giải pháp thu mua lúa tạm trữ, nhất là những diện tích đã có hợp đồng bao tiêu thì nên giữ ổn định giá theo hợp đồng đã ký, tiến hành thu mua kịp thời cho nông dân. Khó khăn lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp bị thiếu vốn, nhưng muốn vay được thì phải có hợp đồng xuất khẩu, trong khi chưa có tiền mua nguyên liệu nhập kho thì làm sao dám ký với đối tác, lấy đâu ra hợp đồng. Ông Hồng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại ưu tiên vốn vay, cũng như tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo, để giải quyết phần nào khó khăn về vốn, thậm chí xem xét cho doanh nghiệp thế chấp lượng lúa gạo tồn kho để tăng thêm hạn mức tín dụng được vay.

***

Bị chính “người nhà” quay lưng thì vô phương cứu

“Bà con nông dân tỉnh tôi đang ngồi trên đống lửa vì giá lúa rớt thê thảm. Chủ nhật vừa rồi tôi đi thăm họ mà thấy ai nấy đều buồn vì lúa bán không được. Trưa ghé ăn cơm huyện ủy lại được mời ăn gạo Sóc của Campuchia mà muốn rớt nước mắt. Mấy ảnh giải thích ăn gạo Campuchia... an toàn hơn”.

Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019. Ảnh: Hoàng Kim

Câu chuyện của Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan kể tại Lễ công bố hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam đang có một mối nguy khác, thậm chí còn lớn hơn cả chuyện không tiêu thụ được lúa đông xuân, đó là “người nhà” đang dần quay lưng lại với chính nông sản của mình.

Trong thời buổi mở cửa và hội nhập, việc Việt Nam xuất khẩu nông sản rồi lại phải nhập nông sản từ nước khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường là chuyện bình thường. Nhưng điều bất thường nằm ở lý do khiến người tiêu dùng chọn mua hàng nông sản ngoại - là vì nông sản Việt Nam không an toàn. Không chỉ có lúa gạo, xu hướng này cũng đang diễn ra với nhiều mặt khác khác, từ rau quả tươi cho đến nông sản chế biến.

Có thể nói, sự thiếu an toàn của nông sản Việt là hệ quả tất yếu của thói quen canh tác lạm dụng phân thuốc.

Đã hơn 30 năm kể từ khi thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực và trở thành nước xuất khẩu gạo, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn chỉ đi theo một con đường là canh tác lúa ngắn ngày, phẩm cấp thấp để có sản lượng cao hơn thông qua tăng vụ.

Việc tăng số vụ canh tác tuy có giúp sản lượng lúa sản xuất ra của Việt Nam nhiều hơn và do đó lượng gạo xuất khẩu cũng tăng lên, nhưng việc tăng sản lượng đã không giúp cho người trồng lúa giàu hơn, mà nó còn khiến cho niềm tin của người tiêu dùng về sự an toàn đối với nông sản sản xuất trong nước ngày một giảm. Bởi lẽ, việc thâm canh tăng vụ đã không cho đất có thời gian “nghỉ” để tự phục hồi, đất đai vì thế bị bạc màu nhanh hơn và cây trồng dễ bị sâu bệnh tấn công hơn, buộc nông dân phải chi phí cho phân thuốc nhiều hơn để gìn giữ mùa màng và duy trì sản lượng. Nói cách khác, với thói quen lạm dụng phân thuốc, chúng ta đã và đang đánh đổi chất lượng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm để lấy sản lượng.

Trước đây, khi chuyện “ăn no, mặc ấm” còn là mối lo hàng đầu của các gia đình người Việt Nam, thì việc chọn giống lúa ngắn ngày, phẩm cấp thấp và rẻ nhằm tăng vụ canh tác, qua đó gia tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu “ăn no” của người dân là hướng đi thích hợp. Nhưng khi nền kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên thì nhu cầu của họ cũng tăng theo. Giờ đây mối bận tâm của các gia đình không còn là no và ấm nữa, mà là ngon và an toàn cho sức khỏe. Một khi ngành nông nghiệp trong nước không đáp ứng được nhu cầu này, thì việc hàng nhập khẩu tràn vào để lấp khoảng trống của thị trường là điều tất yếu.

Chắc chắn rằng những gì đang diễn ra ở trong nước cũng đã và sẽ xảy ra ở những thị trường xuất khẩu chính của lúa gạo Việt Nam. Nếu ngay ở thị trong nước mà sản phẩm ngành nông nghiệp còn bị người tiêu dùng quay lưng, thì chẳng mấy hy vọng nó sẽ tiếp tục được đón nhận ở thị trường nước ngoài. Lúa đông xuân khó tiêu thụ, nếu chỉ là do vào mùa thu hoạch rộ, thì có thể cứu. Nhưng một khi bị chính “người nhà” quay lưng thì vô phương cứu.


TBKTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad