Suy ngẫm về trường hợp Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ ra khỏi đảng CSVN - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

Suy ngẫm về trường hợp Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ ra khỏi đảng CSVN


Suy ngẫm về trường hợp Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ ra khỏi đảng CSVN

Sáng nay, được tin TS. Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ ra khỏi Đảng, chúng tôi không ngạc nhiên chút nào. Đây chỉ là vấn đề thời gian trước hay sau, nhanh hay chậm mà thôi.

Không phải đợi đến năm 2019 Đảng và chính quyền nhà nước Việt Nam mới ban hành luật An Ninh Mạng.

Thật ra, mạng lưới kiểm soát môi trường truyền thông và ngôn luận quần chúng đã thực sự khởi phát, hoạt động và kiểm soát chặt chẽ kể từ khi đảng Cộng sản ra đời với chủ trương lấy “bạo lực cách mạng làm công cụ đấu tranh” để trấn áp những tiếng nói, khuynh hướng và con người đối lập.

Năm 1975, ngay sau khi chấm dứt cuộc chiến Việt Nam và nắm quyền lãnh đạo toàn đất nước thì từ môi trường đại chúng bình dân đến các học viện, trường học, hội nghị cao cấp… người Cộng Sản đã không dấu diếm gì mà công khai nói ra chủ trương kiểm soát và quản lý chặt chẽ tự do ngôn luận đó. Mặc dầu cũng có những thời kỳ “Trăm hoa đua nở” để cho những nhân vật chống hay không ưa chế độ tham gia biểu tình chống báng chế độ, lộ nguyên hình và nhà cầm quyền chỉ còn lại việc đơn giản là lùa họ vào nhà tù hay trại cải tạo!

Theo dõi những bài viết của Trần Đức Anh Sơn trên trang nhà Facebook của anh, tôi vẫn thường tự hỏi, có chăng chính quyền nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do dân chủ được như vậy hay sao. Tôi đã nghĩ thế vì những bài viết của Trần Đức Anh Sơn có rất nhiều luận điểm phê phán giai cấp lãnh đạo của Việt Nam. Đặc biệt, Trần Đức Anh Sơn là một nhà nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Trước sau như một, anh luôn luôn đứng về phía quyền lợi dân tộc và tổ quốc, chống lại sự xâm lược của Trung Quốc và thái độ đáp ứng chưa được minh bạch và cương quyết của phía lãnh đạo Việt Nam.

Số người bày tỏ sự hưởng ứng qua hình thức “like” trên Facebook của anh đạt tới con số đông đảo và gia tăng tới mức ngạc nhiên trong hơn nửa năm qua.

Theo dõi những bài viết và lời bình luận của quần chúng trên trang mạng xã hội Facebook của TĐAS, người đọc có thể tóm lược những nét chính như sau:

⁃ Vừa nghiêm khắc, vừa mỉa mai, cười cợt, phê phán phong cách ứng xử quan liêu, bất tài, bất chấp quần chúng của giai cấp lãnh đạo Việt Nam trong thời đại mới.

⁃ Nạn tham nhũng đã tràn lan và trở thành quốc nạn. Xã hội thoái trào, đạo đức suy đồi và giáo dục không theo kịp đà tiến hoá toàn cầu vì lãnh đạo giáo điều, thiển cận và thiếu viễn kiến tương lai.

⁃ Hoàng Sa dứt khoát là của Việt Nam. Trung Quốc là kẻ xâm lược thô bạo vả trắng trợn nhất trong suốt dòng lịch sử Việt Nam. Thế nhưng lãnh đạo đất nước hiện nay ươn hèn và bất lực trước nguy cơ biển đảo Việt Nam mất dần vào tay Trung Quốc.

Thật ra, khuynh hướng và luận điểm của Trần Đức Anh Sơn đã thể hiện như một “tập đại thành” khẳng định kết quả những công trình nghiên cứu nhân văn và phương pháp luận khoa học của anh về lịch sử, địa lý, bằng chứng vùng biển đảo Hoàng Sa là giang sơn, cương thổ của Việt Nam.

Tuy nhiên trong quá trình phân tích và luận giải của anh, những nhận định gay gắt và bất chấp gần như miệt thị một số các nhân vật quyền thế trong guồng máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đưa đến chỗ “rút dây, động rừng!”

Với văn hoá suy tôn lãnh đạo của các đảng Cộng Sản trên toàn thế giới từ xưa đến nay, văn phong và xu hướng thiếu chất điệu tôn xưng song song với khuynh hướng phê phán của TĐAS đã tạo ra phản ứng đáp trả. Vũ khí ứng xử đầu tiên là đuổi ra khỏi tổ chức mà nói theo danh từ chính trị nhà nghề là “khai trừ ra khỏi Đảng”!

Với sự hiện diện của văn phòng Facebook tại Việt Nam hiện nay và sự nhạy bén của các bức tường lửa “firewall” thì việc đánh sập,ngăn chận, xoá bỏ các trang mạng xã hội của cá nhân như You Tube, Google, Facebook, Instagram, Twitter… dễ dàng như trở bàn tay. Nhưng tại sao họ đợi cho Trần Đức Anh Sơn và những người ủng hộ quan điểm của anh tương tác trong một thời gian kéo dài như thế? Lí do sẽ giúp rất dễ hiểu nếu chúng ta biết rằng các hình thức điều tra và khống chế mạng lưới xã hội Việt Nam là công cụ chính trị của chế độ. Vì vậy, họ vừa rất quan tâm, nhưng đồng thời cũng muốn tổ chức một mẻ lưới rộng khắp để thực hiện quan điểm “thà bắt lầm hơn bỏ sót” mà lịch sử còn đậm nét qua các vụ Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm… tại miền Bắc và phong trào chống “văn hoá phẩm đồi trụy”, đánh tư sản mại bản, tiêu diệt phản động tết Mậu Ngọ tại miền Nam sau 1975.

Facebook là một mạng lưới xã hộì đang thịnh hành nhất ở địa cầu nầy với 2.3 tỷ người dùng trên tổng số 7.6 tỷ người, dân số toàn thế giới. Riêng ở Việt Nam, năm 2018 có 65 triệu người dùng Facebook trên tổng số 96.5 triệu người dân. Hơn 50 phần trăm sở hữu “lên Fây”. Có thể nói Facebook là trang mạng xã hội đang được sử dụng thịnh hành nhất của người Việt Nam trong cũng như ngoài nước hiện nay. Facebook đang đóng vai một cơ quan truyền thông đông đảo và nhạy bén nhất của người Việt thời hiện đại.

Nhân vụ Facebooker Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ ra khỏi Đảng vì nội dung chống báng một số hiện tượng bất công chính trị, đích danh chỉ trích một số quan chức lãnh đạo bất tài, thoái hoá… đã đăng công khai trên trang nhà Facebook của anh, xin được góp ý đôi điều với những người có trách nhiệm truyền thông đại chúng Việt Nam trong tinh thần xây dựng như sau:

Hình ảnh đất nước, văn hoá và con người Việt Nam đang được cộng đồng thế giới quan tâm và có nhiều thiện cảm. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang bị xếp vào hàng thấp nhất về tự do ngôn luận và truyền thông báo chí. Một hệ thống An Ninh Mạng tích cực và lành mạnh nhất là để giúp nội dung truyền thông đại chúng gạn lọc những tệ nạn xã hội hiện nay như cổ xuý bạo lực, thông tin đồi truỵ, dối gạt, gây chia rẽ, phỉ báng cá nhân, xâm phạm quyền riêng tư… Ngược lại, sự bày tỏ công khai quan điểm chính trị đa chiều; phê phán những nhân vật cộng đồng, lãnh đạo thoái hoá; luận đàm về những chủ trương, chính sách không hợp thời, tác hại cho dân… đều là những dấu hiệu lành mạnh của con người hướng thượng và đất nước vươn lên.

Cụ thể là trong trường hợp Facebook của Trần Đức Anh Sơn có nội dung công khai luận đàm về các vấn đề đất nước và chỉ trích nhân vật lãnh đạo… đã bị trừng phạt khai trừ khỏi Đảng là dấu hiệu yếu kém và khiếp nhược của lãnh đạo.

Tại sao con người, vấn đề, đối tượng bị phê phán, chỉ trích… lại không công khai đối thoại mà lại phải tận dụng tới biện pháp chế tài hành chính độc đoán nhưng yếu đuối và tiêu cực đến như thế?!

Rất mong quý vị có trách nhiệm truyền thông đại chúng Việt Nam sử dụng quyền lực xứng tầm một đất nước Việt Nam văn hiến và nhân bản trước sự thách đố của cuộc cách mạng truyền thông đại chúng đang khai diễn trên toàn thế giới.

Sacramento 9-3-2019

Trần Kiêm Đoàn
FB Trần Kiêm Đoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad