30/4: Dịp để giới trẻ Việt ở Mỹ ‘biết về cội nguồn’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

30/4: Dịp để giới trẻ Việt ở Mỹ ‘biết về cội nguồn’


Phố Bolsa ở Little Saigon, California, tưởng niệm 30/4. Ảnh chụp ngày 30/4/2015.

Mặc dù phần lớn người trẻ gốc Việt ở Mỹ không có liên hệ trực tiếp về ngày 30/4 cũng như không có trải nghiệm gì về cuộc sống dưới chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nhưng lễ tưởng niệm 30/4 hàng năm ở hải ngoại là dịp để kết nối họ với cội nguồn, một vị lãnh đạo cộng đồng người Việt nói với VOA.

Năm nay kỷ niệm 44 năm ngày quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn trong hành động mà chính quyền trong nước gọi là ‘Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’ mà cộng đồng người Việt ở hải ngoại xem là ngày ‘Quốc hận’ khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam. Ngày này đều được người Việt cả trong và ngoài nước tưởng nhớ.

Cộng đồng người Việt vùng thủ đô Washington DC (bao gồm cả các tiểu bang Virginia và Maryland) từ hơn 40 năm qua, năm nào cũng tổ chức chào cờ và hát quốc ca Việt Nam Cộng hòa vào ngày 30/4.

Năm nay, lễ chào cờ diễn ra vào 10:30 sáng Chủ nhật ngày 28/4. Trước đó, vào ngày thứ Bảy 28/4, lễ truy điệu các tử sỹ Việt Nam Cộng hòa đã được cử hành, theo sau là chương trình ca nhạc, tại khu Eden – khu thương xá lớn nhất của người Việt ở khu vực thủ đô Washington DC và hai bang phụ cận gồm Virginia và Maryland.

Trao đổi với VOA, ông Lý Bảo, chủ tịch của cộng đồng người Việt vùng DC, Maryland và Virginia, nói rằng nghi thức chào cờ ngày 30/4 đã được duy trì kể từ khi cộng đồng tị nạn Việt Nam hình thành ở khu vực này và ‘chưa bao giờ bị gián đoạn’.

Khi được hỏi việc chào quốc kỳ của một quốc gia không còn tồn tại nữa có ý nghĩa như thế nào, ông Lý Bảo nói đó là để giữ cho hình ảnh, giá trị và ý tưởng của Việt Nam Cộng hòa sống mãi.

“Cờ còn thì đất nước vẫn còn,” ông Bảo nói.

Ông nói rằng nếu không tiếp tục thực hiện những buổi lễ tưởng niệm như thế này, ‘thế hệ sau họ sẽ quên’ khi thế hệ trước mất đi.

Bản thân ông Bảo cũng thuộc thế hệ trẻ không biết nhiều về cuộc chiến ở Việt Nam ngày trước và chỉ mới lên làm chủ tịch của cộng đồng người Việt khu vực này.

Trả lời câu hỏi liệu các sự kiện như thế này không được sự quan tâm của giới trẻ người Việt và cứ mỗi năm càng có ít người tham gia hay không, ông Bảo bác bỏ.

“Bản thân tôi cũng là người trẻ sinh hoạt trong cộng đồng và tôi cũng vận động nhiều người trẻ làm việc vì cộng đồng. Sự kiện nào họ cũng chào cờ đàng hoàng và cũng ghi nhớ những việc các ông, bà, cô, chú, bác đã làm trước đây,” ông nói.

Theo lời ông Bảo thì người Mỹ gốc Việt trẻ, một số được sự giáo dục của gia đình còn một số khác thì tìm hiểu thêm, nên cũng hiểu về ngày 30/4 và ‘rất ủng hộ tinh thần của Việt Nam Cộng hòa’.

“Những người trẻ chúng tôi phải nhớ là nếu không có sự hy sinh của các cô, chú, bác thế hệ trước thì chưa chắc bây giờ chúng tôi có mặt ở đây,” ông nói và cho biết ông đã tham gia lễ chào cờ 30/4 kể từ lúc ông chưa là chủ tịch cộng đồng.

“Ba tôi là sỹ quan mũ đỏ. Lúc nào gia đình cũng dạy tôi về lịch sử của người Việt Nam,” ông nói. “Vì lý do đó tôi tham gia làm chủ tịch cộng đồng vì tôi muốn thế hệ trẻ người Việt phải biết mình là ai, phải biết lịch sử, văn hóa của mình. Nếu không thì 15, 20 năm sau cái gốc của mình không còn nữa.”

Ông cho biết những gì ông biết về ngày 30/4 khi còn nhỏ là những lúc đi thăm nuôi ba ông trong trại cải tạo mà lúc đó ông ‘chỉ nhìn ba qua hàng rào thôi’.

Ông nói rằng trong cộng đồng người Việt cũng có sự lo sợ các thế hệ sau này sẽ dần dần phai nhạt với lịch sử khi các thế hệ người Việt tị nạn đầu tiên không còn nữa. Do đó, ông nói, thế hệ trước phải làm việc chặt chẽ với giới trẻ để ‘truyền lại kinh nghiệm, dạy lại lịch sử theo sự thật để cho đời sau biết gốc gác của họ’.

Theo lời ông, đa số người Việt trẻ bên Mỹ không trải nghiệm trực tiếp ngày 30/4 mà họ chỉ biết đó là ‘ngày cộng sản chiếm lấy miền Nam, ba mẹ mình chạy khắp nơi và cuối cùng qua Mỹ tạo dựng đời sống mới’.

“Do đó, người trẻ phải biết ơn các cô, chú, bác đời trước đã hy sinh vì tự do,” ông nói và cho biết các trung tâm của cộng đồng như chùa chiền, nhà thờ cũng giảng giải nhiều về lịch sử cho thế hệ trẻ và trong các trường học họ cũng có tìm hiểu, học hỏi nên nhiều học sinh, sinh viên cũng làm lễ ghi nhớ ngày 30/4 trong trường học của họ.

Về phản ứng của những người trẻ từ trong nước qua Mỹ sau này vốn đã có thời gian sống dưới chính quyền của đảng cộng sản và không quen thuộc với lá cờ của Việt Nam Cộng hòa, ông Bảo cho biết họ cũng tham gia sinh hoạt của cộng đồng và những sự kiện có treo cờ vàng.

“Điều đó cũng bình thường thôi. Họ ra phụ giúp cho các sự kiện văn hóa của cộng đồng với tinh thần là người Việt Nam.”

“Mấy người trẻ họ không dính đến chính trị, họ không coi nặng vấn đề chính trị mà chỉ biết họ làm những gì tốt cho cộng đồng của họ,” ông cho biết.

Khi được hỏi có nên bỏ qua vấn đề chính trị để có thể kết nối thêm nhiều người trẻ Việt Nam qua Mỹ sau này không, ông Bảo cho rằng ‘chính trị cũng là yếu tố để đoàn kết, nhưng cũng là yếu tố gây chia rẽ’.

“Tôi muốn người Việt trẻ đoàn kết để sau này cộng đồng Việt mình mạnh thêm nữa thôi,” ông nói.


VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad