Những đóng góp của người tị nạn Việt Nam cho Canada sau 44 năm định cư - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Những đóng góp của người tị nạn Việt Nam cho Canada sau 44 năm định cư


Bản đồ lộ trình của người tị nạn Việt Nam đi đến các nơi trên thế giới sau năm 1975 được trưng bày tại cuộc triễn lãm của Tiffany Chung tại Bảo tàng Viện Nghệ thuật Smithsonian ở Washington D.C.

Những đóng góp của người tị nạn Việt Nam cho Canada sau 44 năm định cư

Đã 44 năm từ ngày 30/4/1975 khi người tị nạn Việt Nam bắt đầu có mặt tại Canada, xứ sở mà họ gọi là ‘xứ lạnh tình nồng’, đất lành chim đậu, vì chính sách nhập cư cởi mở và hào phóng. Ước lượng hiện có 300.000 người Việt sinh sống tại Canada trong dân số tổng cộng khoảng 39 triệu dân. Đa số là người Việt tị nạn, nay đã trở thành công dân Canada. Họ làm ăn, sinh sống ra sao? Liệu đã hội nhập vào xã hội có những giá trị nhân bản đã mở vộng vòng tay đón nhận họ trong những giờ đen tối nhất? Ông Michael J. Molloy, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Lịch sử Di dân Canada, từng là người điều hợp chương trình cứu vớt thuyền nhân Đông Dương, nhận định về những thành công, thất bại của chương trình nhập cư đối với người Việt tị nạn 44 năm sau biến cố 30/4.

Chủ tịch Hội Nghiên cứu Lịch sử Di dân Canada Michael Molloy, nguyên Đại sứ Canada tại Jordan, cũng từng là Điều hợp viên chương trình cứu vớt thuyền nhân Đông Dương, nêu bật ý chí vượt khó và vươn lên của người tị nạn Việt Nam. Ông nói người Việt bây giờ đã có mặt trong hầu hết mọi lĩnh vực sinh hoạt: chuyên môn, khoa bảng, hệ thống công quyền, văn hóa, giáo dục… và ngay cả lĩnh vực ẩm thực.

Ông Michael Molloy nói:

“Cộng đồng người Việt là thành phần rất quan trọng bởi vì họ rất sáng tạo. Bây giờ họ có mặt trong quân đội, trong Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada, trong tất cả các bộ sở cơ quan chính phủ, doanh thương, trong hệ thống giáo dục… Tôi đã được nghe số thống kê mới đây thôi, nói rằng khoảng 20% các nhân viên y tế tại tỉnh bang Quebec có tên Việt Nam. Thật là đáng kinh ngạc!”

Đánh giá những đóng góp của người Việt tị nạn sau 4 thập niên định cư, Đại sứ Mike Molloy đề cập tới một cuộc nghiên cứu ở Phần Lan:

“Mới đây một đại học ở Phần Lan vừa thực hiện một cuộc khảo sát về người tị nạn Việt Nam ở Đức, Hoa Kỳ và Canada. Vì lẽ gì họ không khảo sát cộng đồng người tị nạn Việt Nam ở Úc hay Pháp, tôi không biết, nhưng về phía Canada, chúng tôi có một chương trình rất hữu dụng, là sau 10 năm (định cư), chúng tôi liên kết hồ sơ di trú – đương nhiên là vẫn giữ kín lý lịch cá nhân – với hồ sơ thuế, thế cho nên chúng ta có một thước đo rõ rệt về sự thành công của người tị nạn. Thực tế là trong 20 năm đầu tiên, cộng đồng người Việt là cộng đồng nghèo nhất ở Canada. Họ phấn đấu chật vật, chưa tới 5% nói được tiếng Anh hay tiếng Pháp. Điều lý thú là cuộc khảo sát của LHQ cho thấy là có một nghịch lý là cộng đồng người Việt có tỷ lệ học sinh bỏ ngang học vấn cao nhất, thế nhưng cùng một lúc, cộng đồng ấy lại có tỷ lệ tốt nghiệp đại học cao nhất nước, như vậy có một số người rất thành công, nhưng một số khác thì không. Nhưng 20 năm sau, thì cộng đồng người Việt đã bắt kịp cộng đồng chính mạch, và tới năm thứ 30, họ vượt qua cộng đồng chính mạch về mặt ngành nghề chuyên môn và giáo dục, có thể khẳng định người Việt đã trở thành cộng đồng có tỷ lệ có ngành nghề chuyên môn cao nhất Canada.

Ông Molloy nói:

“Tại thời điểm này, có một số người Việt có tên trong danh sách những nhà văn sáng giá nhât của chúng tôi, vì những tác phẩm của họ, có rất nhiều kỹ sư, đa số tới Canada vào lúc 13, 14, 15 tuổi, không nói một chữ tiếng Anh, thế mà chỉ 6 năm sau thôi, là họ giật được mảnh bằng kỹ sư! Một số đông đáng kể đã nhảy vọt lên dẫn đầu công nghệ thông tin, họ có mặt trong mọi lĩnh vực. Người Việt còn thay đổi cả cách thức ăn uống của người Canada chúng tôi, chúng tôi bây giờ ăn phở, và các tiệm ăn Việt Nam rất được ưa chuộng.”

Nên rút ra bài học nào từ chương trình định cư và tiếp nhận tị nạn đầy sáng tạo của Canada?

Ông Molloy nói:

“Chúng ta không bao giờ thua thiệt khi tiếp nhận người tị nạn. Với tất cả những lập luận chống tị nạn, chống di dân mà chúng ta nghe từ Châu Âu và những nơi khác, và cả tại Canada mới đây nữa, nhưng đa số không tin vào những lập luận ấy bởi vì chúng ta biết rằng khi chúng ta nhận người tị nạn vào định cư, họ chỉ có một con đường mà thôi, và đó là đi lên. Kinh nghiệm thực tế cho thấy là từ cộng đồng này, sang cộng đồng khác, đều nhận ra điều đó. Trước đây tôi thường quan sát những người tị nạn bước ra khỏi máy bay ở Edmonton hay ở Montreal trong cái lạnh mùa Đông, trên người chỉ mặc có cái áo phông, quần short, mang dép cao su, tay mang cái túi ny lông đựng giấy tờ, có người bồng con bên hông… Tôi từng tự hỏi làm cách nào họ có thể sống sót ở đây? Thế mà không những họ sống sót, mà họ còn vươn lên một cách mạnh mẽ.”

Ông kết luận:

“Thế cho nên điều đó cho thấy là nếu chúng ta cho người tị nạn một cơ hội, dù là với những trở lực lớn như ngôn ngữ, như những chấn động tâm lý mà họ từng trải qua, những lo lắng cho gia đình còn lại và nhiều vấn đề khác nữa… Nếu chúng ta cung cấp những dịch vụ thích hợp, và nối kết họ trực tiếp với những cá nhân trong cộng đồng lớn, thì họ rốt cuộc sẽ vượt qua được những khó khăn. Đặc biệt cộng đồng người Việt đã chứng minh là nếu bạn cho họ một thời gian, cung cấp cho họ cơ hội tìm việc làm và cơ hội giáo dục thì cuối cùng họ sẽ vượt khó, và con cái họ sẽ trở nên xuất sắc.”


Hoài Hương
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad