Miền Nam còn giúp miền Bắc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

Miền Nam còn giúp miền Bắc


Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, nhiều đồng bào miền Bắc thương họ hàng ruột thịt trong Nam đói khổ, đã đem cả thúng gạo cùng mấy cái bát, đĩa vào cứu giúp. Đến nơi mới thấy dân miền Nam, khá giả giàu có hơn mình nhiều. Có người, như nhà văn Dương Thu Hương, thì ngạc nhiên thấy đời sống trí thức ở miền Nam quá tự do. Trong tiệm bày bán cả những sách về chủ nghĩa Marx! Đó là chưa kể trong đại học Văn Khoa có những lớp dạy triết học cũng giảng tư tưởng của Karl Marx!

Sài Gòn thanh bình, tự do, dân chủ và nhân quyền trước năm 1975. (Hình: Flickr manhhai)

Từ năm 1975 đến nay, cuộc sống của đồng bào miền Nam và miền Bắc ảnh hưởng lẫn nhau nhiều hơn. Chế độ cai trị từ Hà Nội đè lên trên Sài Gòn hết cục cựa; nhưng quần áo, thức ăn, ca nhạc, cho đến cách cư xử của người miền Nam có cơ hội Bắc tiến.

Trên báo chí, lớp ký giả miền Bắc vào tràn ngập trong Nam đem theo những ngôn ngữ và lối viết của báo Nhân Dân, nhưng trong dân gian thì tiếng nói miền Nam cũng lan ra Bắc. Có người đã nhận xét dân miền Nam được học miền Bắc những tiếng như “thu phí,” “bao cấp,” “trấn lột;” còn người Bắc bây giờ cũng thích nói những tiếng đặc miền Nam như “hổng sao!” “hổng biết!” và “dễ thương!”

Nhưng đồng bào miền Bắc chỉ nhìn thấy đời sống của người miền Nam bây giờ, chớ không biết trước năm 1975 nó như thế nào.

Gần đây, người ta hay so sánh cách sống của miền Nam bây giờ khác với trước năm 1975, có lẽ bà con miền Bắc nên biết.

Thí dụ, dân miền Nam trọng tình người, ăn ở tử tế với nhau, vì may mắn không phải “học tập căm thù,” căm thù cả đồng bào mình. Nhà văn Tưởng Năng Tiến mới nhắc lại câu chuyện của Lữ Phương, một người Sài Gòn đã trốn “vào bưng” theo Việt Cộng, lên tới chức thứ trưởng. Ông Lữ Phương kể, trong một bút ký đã in, rằng trong khi ông vào trong rừng chống chế độ Cộng Hòa, thì vợ con ở trong thành phố của “Ngụy” vẫn không bị trấn áp. Ông viết, “Vợ tôi ngoài việc đi dạy học còn tìm được việc làm ở một tòa án tỉnh nữa. Những người quen biết đều… hết lòng giúp đỡ, che chở (ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn).” Ông giải thích, “chẳng phải vì lý do … là ở đây người ta chưa có thói quen ‘chính trị hóa’ mọi quan hệ xã hội.”

Câu chuyện của Lê Hiếu Đằng, kể vào lúc cuối đời sau khi đã từ bỏ đảng Cộng Sản, đáng suy ngẫm hơn nữa. Hồi trẻ, ông Lê Hiếu Đằng hoạt động cho Cộng Sản, bị cảnh sát Cộng Hòa bắt. Trong khi ở tù, Đằng vẫn được đem theo sách để tự học. Đến kỳ thi “Tú Tài,” tức là tốt nghiệp trung học, Lê Hiếu Đằng, và một “đồng chí” cùng bị bắt, vẫn nộp đơn xin thi. Và trong ngày thi, cả hai “tù chính trị” được cảnh sát đưa tới trường thi, làm bài, và thi đậu!

Trước khi nhắm mắt lìa đời, chính Lê Hiếu Đằng công nhận rằng chế độ Cộng Hòa đối xử với “người bất đồng chính kiến” nhân đạo hơn chế độ Cộng Sản rất nhiều!

Nếu đồng bào miền Bắc đọc những câu chuyện của hai người trên mà kết luận rằng ai cũng nên sống theo tinh thần “nhân đạo” của người miền Nam thì rất tốt. Nhưng nhân đạo chỉ là một mặt của cuộc sống hiền hậu ở miền Nam, mặt đạo đức.

Mặt thứ hai cần nhìn ra, là một lối sống tôn trọng luật pháp.

Bà vợ ông Lữ Phương vẫn làm việc, làm cho tòa án của nhà nước Cộng Hòa; các con ông vẫn đi học, vì luật pháp không cho ai xâm phạm những quyền tự do căn bản của họ; khi chính họ không phạm luật. Ông Lê Hiếu Đằng vẫn có quyền đi thi Tú Tài vì mới chỉ bị bắt để điều tra, chưa có tòa án nào kết tội. Lê Hiếu Đằng theo Cộng Sản, ai cũng biết, nhưng chưa bị kết án thì vẫn còn đầy đủ các quyền công dân.

Tinh thần trọng pháp, đó là một điều bà con miền Bắc đáng học hỏi từ cuộc sống miền Nam. Lý do đơn giản, vì từ khi Cộng Sản cướp chính quyền, họ cai trị mà không cần luật pháp. Trong Nam có những trường đại học luật khoa ở Sài Gòn, Huế, Đà Lạt và Cần Thơ cũng chuẩn bị. Trường Luật ở Hà Nội bị đóng cửa từ năm 1954. Sau này chiếm được Sài Gòn, Việt Cộng xóa bỏ ngay các trường Luật ở miền Nam; khi theo kinh tế tư bản mới mở lại.

Chế độ độc tài toàn trị không dùng đến luật pháp. Năm 1956 ông Nguyễn Mạnh Tường đã giải thích cuộc cải cách Ruộng Đất của đảng Cộng Sản vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Công Lý; nhưng các lãnh tụ Cộng Sản nghe như vịt nghe sấm!

Bây giờ, đảng Cộng Sản đã “đổi mới,” có trường dậy luật, có cả luật sư đoàn, nhưng cách làm việc vẫn theo lối độc tài chuyên chế! Điều quan trọng nhất là người dân ở miền Bắc vẫn chưa tạo được thói quen đòi người cầm quyền phải tôn trọng luật pháp.

Dân miền Nam đã có một thời gian sống trong chế độ dân chủ tự do và nhiễm tinh thần trọng pháp cho nên bây giờ hay lên tiếng trước những cảnh bất công hơn đồng bào miền Bắc.

Nhà báo Tuấn Khanh trên mạng mới kể chuyện ba phụ nữ ở Quận Thủ Đức, Sài Gòn, năm 2017 đã tố cáo vụ quan chức Cộng Sản xâm phạm một em bé gái. Nhưng “hàng chục an ninh thường phục, dân phòng, cả cảnh sát địa phương và giao thông đã chặn bắt và hành hung dã man” ba người này.

Điều bi đát nhất trong câu chuyện trên không phải là cảnh một bà bị thương đầu phải đi cấp cứu, mà là câu hỏi của công an: “Đâu phải người thân của mày đâu mà mày phản ứng?”

Ông công an nào hỏi câu đó chắc đã được giáo dục hoàn toàn theo lối “xã hội chủ nghĩa!” Chỉ biết sống cho mình thôi! Phải nhắm mắt trước cảnh đau khổ, bất công mà người khác gánh chịu!

Sống trong một chế độ chuyên chế không biết bao nhiêu năm thì con người được đào luyện cái thói quen “sống chết mặc bay” đó?

Sau năm 1975, một người bạn tôi từ Sài Gòn về thăm làng cũ ở Thanh Hóa. Khi trở về, anh viết thư kể khi trò chuyện với họ hàng, người trong làng anh, anh nhận thấy hầu như mọi người không nói đến hai chữ “thiện, ác” nữa. Họ mất thói quen dùng các khái niệm trừu tượng này làm tiêu chuẩn phán đoán hành động của mình.

Vậy họ dùng tiêu chuẩn nào trong cuộc sống? Anh Nguyễn Văn Lan thấy họ chỉ quan tâm đến câu hỏi: “Liệu có bị công an có bắt hay không?”

“Đâu phải người thân của mày đâu mà mày phản ứng?” Đó là một quy tác luân lý mới của chế độ công an, nhiều người quen sống như vậy dù không bị ai nhồi vào đầu!

Ở miền Nam bây giờ vẫn còn những người chưa bỏ thói quen “gánh giữa đàng đem quàng vào cổ.” Như ông Bác Sĩ Đỗ Duy Ngọc.

Ông Đỗ Duy Ngọc mới so sánh các nhà thương thí ở miền Nam trước 1975 với các bệnh viện trên cả nước bây giờ, sau khi chính quyền Cộng Sản bắt những người đi săn sóc bệnh nhân cũng phải đóng tiền nộp cho bộ y tế. Chắc cả thế giới không nơi nào có thể “lệ phí” như vậy!

Đỗ Duy Ngọc viết, “Ngày xưa ở miền Nam tự do, các bệnh viện công còn gọi là nhà thương thí, ở đó bệnh nhân được chữa trị không mất tiền, còn được nuôi ăn. Người nuôi bệnh có chỗ còn được cung cấp các bữa ăn, do các tổ chức xã hội phân phát… Đó là cách đối xử… nhân đạo giữa con người với nhau.”

“Còn bây giờ chúng ta hành xử với nhau như thế nào?” Ông bác sĩ viết tiếp, “Đến các bệnh viện nhà nước mà xem, đa số bệnh nhân đều là người nghèo đến từ các tỉnh, có người không đủ tiền mua thuốc, và người đi nuôi bệnh thường là sống nhờ cơm từ thiện… Họ nghèo lắm, nghèo đến xác xơ… Các ngài cứ nghĩ việc tận thu, càng nhiều càng tốt, sống chết mặc bay…”

Khi các ông Cộng Sản cầm đầu Bộ Y Tế bắt bệnh nhân vào “nhà thương thí” phải đóng tiền, người dân miền Nam đã ngạc nhiên. Những người như Lữ Phương, Lê Hiếu Đằng chắc ngạc nhiên nhất. Nhưng đến khi họ bắt ai đi thăm nuôi bệnh người bệnh cũng phải đóng tiền thì ai cũng phải phẫn nộ!

Mấy ông Cộng Sản này là cái giống người gì đây không biết?

Họ gia nhập đảng Cộng Sản vì những đặc quyền lợi ưu tiên, ưu đãi, quyền ra lệnh cho đám dân đen đóng tiền, quyền được ngồi trên pháp luật. Nếu không thì vào đảng làm cái gì? Như Tuấn Khanh kể, năm 2018 có viên quan chức ở Vũng Tàu phạm tội xâm phạm một em gái, bị tố cáo rồi lãnh mấy năm tù. Tuy tòa án Cộng Sản đã ưu đãi chỉ “giơ cao đánh khẽ,’ nhưng “thủ phạm đã tức giận đến mức đốt thẻ đảng của mình.” Anh ta tưởng đã có cái thẻ đảng làm bùa thì hiếp đáp dân lành chỉ là chuyện nhỏ!

Đồng bào miền Bắc đã quen nếp sống trong chế độ như vậy lâu quá rồi. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, bà con đã dần dần thấy một cách sống khác, có vẻ giống lối sống của ông bà, tổ tiên chúng ta đời trước hơn. Và giống với trào lưu tự do dân chủ của loài người hơn. Sẽ tới lúc người ta thấy thói quen phản kháng, “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha” khiến con người cảm thấy đáng sống hơn, vì chính mình có giá trị hơn.

Bác Sĩ Đỗ Duy Ngọc lên án chính sách tận thu của đảng Cộng Sản là “tàn nhẫn vô nhân đạo.” Nó “đẩy người bệnh đã nghèo càng khổ thêm… Họ lại phải nhịn ăn, bán thêm ruộng vườn để đáp ứng việc tận thu của các ngài. Khốn nạn thật!”

Và ông đặt câu hỏi một chính phủ như thế “có còn nên tồn tại không?”

Cái chính phủ đó vẫn còn tồn tại, cho đến khi nào người dân cả nước Việt Nam, từ Bắc vào Nam thấy cần phải thay đổi. Có thay đổi thì chúng ta mới sống “cho ra cái giống người” như cụ Tản Đà mong ước vào đầu thế kỷ 20!

ĐÍNH CHÍNH: Bài “Thu phí người nuôi bệnh, một kiểu tận thu tàn nhẫn” xuất hiện trên Face Book của Bác sĩ Đỗ Duy Ngọc, không phải Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc như đã viết lầm trong ấn bản đầu tiên của bài này. Xin lỗi quý vị độc giả và hai vị bác sĩ về nhầm lẫn này


Ngô Nhân Dụng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad