Ảo tưởng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2019

Ảo tưởng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt


Bệnh ảo tưởng là một căn bệnh nặng ở nước ta. Nghèo đói nhưng lại đi vay để sắm cái đắt tiền nhất mà người giàu hơn nhiều lần cũng không dám sắm. Đã lạc hậu, nhưng lại mơ tưởng đi tiên phong trước cả các nước tiên phong. Cho nên mới đề ra những câu khẩu hiệu phi thực tế loại: “ Đi tắt đón đầu”, “ Tiến thẳng lên CNXH không qua TBCN”. - Nguyễn Ngọc Chu

Một phần đồ họa dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh chụp màn hình Người Lao Động)

Mở đường lại trở thành đề tài khuấy động dư luận ở Việt Nam. Tại Việt Nam, cứ đụng đến đường đi, lối lại ở bình diện quốc gia là hình thành bão - bão dư luận. Bão dư luận đã từng chà đi, xát lại chuyện phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, dự tính vay vốn Trung Quốc và nhà thầu Trung Quốc để hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc xuyên Việt,…

Tuần này, dư luận lại dậy lên thành bão khi Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT) đệ trình cho Thủ tướng Việt Nam Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt với chi phí là 26 tỉ Mỹ kim. Liên quan đến dự tính xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt, trước đó, Bộ Giao thông – Vận tải từng đề nghị chi 58,7 tỉ Mỹ kim. Chênh lệch trong tính toán về vốn đầu tư giữa hai bộ cho dự tính vừa kể khoảng … 32 tỉ Mỹ kim.

Khác biệt lên tới 32 tỉ Mỹ kim nằm ở chỗ: Bộ GTVT muốn xây dựng tuyến đường sắt cao tốc mà tàu có thể di chuyển với tốc độ 350 km/h. Còn Bộ KHĐT thì cho rằng, Việt Nam chỉ cần một tuyến đường sắt cao tốc mà tốc độ của tàu đạt đến mức 200 km/h để giảm chi phí đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia dự án, không để các tập đoàn ngoại quốc thâu tóm những hợp đồng có giá trị lớn, lũng đoạn,…

***

Ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt không mới. Ý tưởng này đã từng được chính phủ Việt Nam đem ra trình Quốc hội Việt Nam năm 2010. Trước phản ứng dữ dội của nhiều giới về tương quan giữa mức độ hữu dụng của dự án với nợ nần quốc gia, tác động đến kinh tế - xã hội cả ở hiện tại lẫn tương lai, các đại biểu của Quốc hội Việt Nam khi ấy đã dùng quyền của mình để phủ quyết dự án.

Giờ, khi đa số đại biểu Quốc hội khóa 12 (2007-2011) đã về vườn, Bộ GTVT lại đem dự án cũ ra đệ trình chính phủ. So với dự án bị phủ quyết cách nay chín năm, sự khác biệt chỉ nằm ở chi phí đầu tư: Nhiều hơn chừng ba tỉ Mỹ kim (từ 56 tỉ Mỹ kim hồi 2010, thành 58,71 tỉ Mỹ kim vào lúc này và sẽ còn tăng thêm sau khi chính phủ… xem xét rồi giới thiệu với Quốc hội).

Giống như cách nay chín năm, gần như chẳng có ai đồng tình với… khát vọng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt của Bộ GTVT. Qua báo điện tử VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Chu – một Tiến sĩ Toán, gọi khát vọng này là “ảo tưởng” kèm theo hàng loạt phân tích nhằm chứng minh, số phận đường sắt Bắc – Nam nói riêng cùng với số phận đất nước nói chung, chạy lòng vòng quanh tư vấn nếu người quyết định ấu trĩ, thiếu viễn kiến (1).

Khác với ông Chu (phản bác dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt của Bộ GTVT nhưng tán thành ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt do Bộ KHĐT soạn thảo), cũng trên báo điện tử VietNamNet, ông Trần Văn Tường – một Kỹ sư cầu đường, đưa ra hàng loạt số liệu để minh họa cho nhận định: Việt Nam chưa nên làm đường sắt cao tốc vì: Tiền ở đâu? Có nên xem đường sắt cao tốc là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh như hiện nay (2).

Đó là những phản hồi về ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt thông qua hệ thống truyền thông chính thức. Còn mạng xã hội? Giống như nhiều vấn đề thuộc dạng đại sự quốc gia, công chúng rạch ròi hơn. Minh Hữu Quang gọi những cuộc tranh luận về chi phí đầu tư cho tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt nên ở mức 26 tỉ Mỹ kim hay 57.8 tỉ Mỹ kim là… ruồi bu!

Theo Minh, khi khả năng của các cơ quan cấp bộ vẫn nằm ở mức, chưa thể đả thông cho nhau về “thu phí”, “thu giá” hay… “thu tiền” thì làm sao có thể điều hành dự án trị giá từ 10% đến 20% GDP? Tương tự, khi tầm của chính phủ chưa đủ để giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến trạm thu phí BOT, loay hoay với chuyện thiếu nhà thầu Nhật – thi công metro ở TP.HCM 100 triệu Mỹ kim,… làm sao tin chính phủ sẽ tìm ra vài chục tỉ Mỹ kim trong vài năm? Ở khía cạnh… đảng lãnh đạo, trong bối cảnh… bí nhân sự, thiếu cá nhân đủ tiêu chuẩn theo cơ cấu, quy định để bầu bán lãnh đạo tối cao tại đại hội 13, tại địa phương phải đem “vua Triệu ra khỏi nước Mèo” rồi đưa ông Khánh từng bị kiểm điểm ở Hà Tĩnh về thay tại Hà Giang cho thấy đảng… hết người! Làm sao thực thi dự án mấy chục tỉ Mỹ kim (3)?

Phản hồi từ thân hữu của Minh Hữu Quang về ý tưởng xây dựng đường sắt cao tốc xuyên Việt chủ yếu cũng xoay quanh nhân sự - yếu tố quyết định thành bại trong mọi chuyện. Hùng Vũ Khánh than nản khi chỉ cần ra quán nước đầu làng là có thể gặp vô số người mà phát biểu ngang với “tầm” của lãnh đạo đảng, chính phủ. “Tầm” như vậy thì làm chuyện lớn, hậu quả sẽ lớn tương tự. Nguyen Huynh Chinh không… tán thành bởi tại Việt Nam, khi đã có “bằng ný nuận chính trị cao cấp”, việc gì mà không làm được, thành ra mới có... “pê tê pốc”. Giống như nhiều cuộc thảo luận giữa các nhóm thân hữu trên facebook, thân hữu của Minh xem tuyến metro Cát Linh - Hà Đông như một dẫn chứng về tính khả thi của dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt. Sau khi so sánh, Phạm Đình Long hoang mang: Nên gọi bọn này là gì hả các bác?

Cũng tham gia luận bàn về ý tưởng xây dựng đường sắt cao tốc xuyên Việt, Lê Nguyễn Hương Trà dẫn hàng loạt số liệu cho thấy, nợ nần quốc gia tăng không ngừng và chắc chắn sẽ còn tăng nữa bởi hàng loạt đại dự án mà vốn đầu tư tính bằng tỉ Mỹ kim (hệ thống metro ở Hà Nội và TP.HCM - 40 tỉ Mỹ kim, phi trường Long Thành - 16 tỉ Mỹ kim, đường bộ cao tốc xuyên Việt – 15 tỉ Mỹ kim,…). Cứ thế, tương lai ra sao? Dan Nguyen – một thân hữu của Trà – khuyên, nên hỏi ý kiến… Cô Yến, Chùa Ba Vàng. Cô Yến có thể kết nối với “người âm” và chỉ “người âm” mới dự đoán được tương lai xa (4)!

Khanh Hung – một thân hữu khác của Trà – lưu ý, California một tiểu bang của Mỹ có nền kinh tế lớn hơn Việt Nam gấp mười lần, mà suốt mười năm qua, vẫn chưa thể quyết định có làm đường sắt cao tốc nối Los Angeles với San Francisco hay không, dù chi phí chỉ 20 tỉ Mỹ Kim (1/3 chi phí xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt). Khanh Hung thắc mắc: Việt Nam tuổi gì mà gan to quá vậy? Nguyễn Mạnh Linh không bàn đến “gan” mà cho rằng, dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt là một thứ… “kèo thơm” nên từ 2010 đến nay, giới hữu trách “vẫn đợi, vẫn chờ”

Trong số thân hữu của Trà cũng có người như La Dolce Vita nhìn dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt khác với đa số: Không làm thì bao giờ làm? Nếu cách nay hơn trăm năm, Pháp cũng tính như các ông, các bà bây giờ thì các ông, các bà đi xe ngựa từ Bắc vào Nam à? Cách nhìn vấn đề của La Dolce Vita tạo ra một cuộc tranh cãi khác. Trang Ng vặn hỏi: Nếu quốc gia phá sản thì sao? Bán nước hay xù nợ? Thời thuộc Pháp, Pháp thu 400 thứ thuế thì xây dựng xong, còn thời này, mấy ngàn thứ thuế phí vẫn chưa đủ trả nợ kìa! Trang Ng nói thêm, không xù được nợ thì kiểu gì cũng phải lập vài chục đặc khu giao cho Trung Quốc, bao nhiêu quốc gia phải nuốt trái đắng vì đặc khu dành cho Trung Quốc rồi?

***

Đinh Đình Điệp – một thân hữu của Minh Hữu Quang – cho rằng, phải có “thằng giật dây” thì mới có nhiều chuyện ruồi bu như dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt. Sẽ rất đáng ngại khi uy lực của “thằng giật dây” hơn cả “hoàng thượng”. Hau Van thì thắc mắc: Sao không gắn trách nhiệm về dự án đầu tư vào người đứng đầu các bộ, ngành. Nếu không hiệu quả, đội vốn thì cách chức, thậm chí tống vào tù. Làm như thế thì liệu có ông nào dám hô hào đầu tư tràn lan không...

Nhìn một cách tổng quát, dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt đặt ra hàng loạt vấn đề giống như những dự án mở đường khác vẫn được giới thiệu là nhằm phát triển hạ tầng, tạo tiền đề phát triễn kinh tế - xã hội. Những vấn đề mà cả dư luận lẫn công luận đã cũng như đang nêu ra cho thấy, dường như lối đầu tiên cần đầu tư là khai thông dẫn tới não để mở ra nhận thức về sự tự trọng, ý thức cũng như phương thức nâng cao trách nhiệm trước khi bàn luận về Mỹ kim.


Thiên Hạ Luận
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad