Các nhà kinh tế chia sẻ sự lên án chiều hướng ‘quái dị’ của Trung Quốc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

Các nhà kinh tế chia sẻ sự lên án chiều hướng ‘quái dị’ của Trung Quốc


‘Phong cách lãnh đạo của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gợi nhớ thời Stalinist’. Ảnh: © AP

Các trí thức Tây phương bây giờ phải tìm cách ngăn chặn Bắc Kinh

Các lãnh đạo Trung Quốc hiện đại sẽ không thoả mãn với việc biến nước họ thành một trong những cường quốc của thế giới đa cực. Mục tiêu của họ là trở thành lãnh đạo bá quyền của thế giới.

Ý tưởng, tất nhiên, không phải là đóng quân Trung Quốc ở mọi nơi. Các công cụ thống trị sẽ khác nhau ở mỗi nước, hệt như trong đế quốc Anh xưa kia. Một số nước theo nghĩa đen sẽ dưới sự chiếm đóng quân sự. Ở nơi khác sẽ là đủ để hình thành các chính phủ phục tùng các ý muốn Trung Quốc.

Những sự thay đổi gây ớn lạnh đang xảy ra bên trong Trung Quốc. Cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã né câu hỏi về chủ nghĩa tư bản đối lại chủ nghĩa cộng sản, bằng cách nói: “Mèo trắng mèo đen không quan trọng miễn là bắt được chuột”.

Nhưng nó là quan trọng cho lãnh tụ Trung Quốc hiện thời, Tập Cận Bình. Ông ta muốn Trung Quốc quay lại hệ thống cộng sản cổ điển. Phong cách của ông gợi nhớ lại thời Stalinist. Địa vị của Đặng với tư cách lãnh tụ tối cao đã không được luật hóa trong hệ thống pháp lý. Nhưng ông Tập đã thay đổi luật để cho phép ông làm chủ tịch suốt đời.

Ông Tập đã yêu cầu các đảng ủy Cộng sản phải được thành lập bên trong tất cả các tổ chức và công ty cỡ lớn. Trong một số lĩnh vực, các ủy ban này có thể gạt bỏ ban quản lý. Một số bạn đọc có thể nhớ lại rằng, trong nội chiến sau cách mạng Sô-viết 1917, chính uỷ do đảng chọn đã có thể hất cẳng chỉ huy quân sự do các tướng chỉ định.

Các phiên toà trình diễn đang diễn ra, được đánh dấu bởi các đặc trưng của Trung Quốc hiện đại. Bất kể ai có thể bị đưa ra toà vì tham nhũng. Một số người thực sự tham nhũng, những trường hợp khác không rõ vậy. Các tù nhân bị tra tấncác vụ hành quyết lại trở nên phổ biến.

Nhờ internet, chính phủ trung ương đã không (thể) cấm hoàn toàn quyền tự do ngôn luận và báo chí. Các cuộc thảo luận chính trị có thể xảy ra trong các nhóm nhỏ, nhưng mạng cấm đoán đang dày thêm, và những rủi ro liên quan đến sự phê phán đang tăng lên.

Các trí thức Tây phương có chịu trách nhiệm về cơn ác mộng này? Chúng ta đã không chỉ theo dõi sự biến đổi của Trung Quốc với sự tán thành mà đã tích cực đóng góp cho những sự thay đổi này. Chúng ta là phiên bản hiện đại của Frankenstein của Mary Shelley, truyện thế kỷ thứ 19 về một nhà khoa học thực nghiệm người đã đưa một xác chết trở lại cuộc sống bằng việc sử dụng công nghệ của thời đó: cú sốc điện. Sinh vật được phục sinh đã trở thành một quái vật giết người.

Nhiều người trong số chúng ta chịu trách nhiệm đạo đức vì đã không chống lại sự phục sinh của con quái vật Trung Quốc, hoặc thậm chí còn tồi hơn bởi vì đã đóng một vai trò tích cực như các cố vấn. Tôi tính cả mình ở đây: tôi đã tham gia hội nghị Bashan trong năm 1985. Bảy nhà kinh tế học Tây phương và các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc đã được đưa lên một chiếc tàu sang trọng trôi trên sông Dương Tử. Tôi đã giảng về làm thế nào nước này chuyển thành một nền kinh tế thị trường. Khi những cải cách thị trường bắt đầu, các ý tưởng được viết và được nói ra của tôi, kể cả cuốn sách Economics of Shortage (Kinh tế học về sự Thiếu hụt), đã có những tác động mạnh mẽ.

Tôi đã không lẻ loi. Nhiều trí thức Tây phương khác đã tụ tập ở hội nghị và đã chia sẻ những suy nghĩ của họ. Tất cả chúng tôi đã đồng ý rằng cuộc sống mới sẽ được đưa vào Trung Quốc, mà đã bị đóng băng dưới thời Mao, bằng cú sốc điện của thị trường hoá và tải sản tư nhân. Tất cả chúng tôi, những người ủng hộ kế hoạch này, đã là các Frankenstein. Bây giờ, con quái vật ghê sợ đang ở đây. Nhiều người hỏi “Chúng ta phải làm gì bây giờ?” Đây là vài lời cảnh báo. Không thể kháng cự nỗ lực bành trướng Trung hoa chỉ bằng việc nâng thuế quan. Trung Quốc đang tiến trên tất cả các mặt trận, bằng việc đưa các công cụ hiện đại nhất vào tay của quân đội lớn nhất thế giới. Bắc Kinh cũng nhanh để đổi mới và sử dụng công nghệ mới để ảnh hưởng đến đời sống chính trị và kinh tế của các đối thủ của nó.

Tôi phản đối bất cứ hành động chính phủ và sự tuyên truyền nào mà đối xử các cá nhân với sự nghi ngờ trên cơ sở của các đặc điểm nét mặt, gốc rễ gia đình và các gen của họ. Tuy vậy, cũng là một sự thực rằng cộng đồng Hoa kiều tạo thành một kho nguồn nhân lực khổng lồ từ đó các lãnh đạo nước này có thể chọn người của riêng họ.

Những nhà đầu tư khắp thế giới hăng hái về việc đầu tư ở Trung Quốc. Trong con mắt của họ, một chế độ độc tài ổn định là một môi trường an toàn hơn một nền dân chủ lung lay. May thay các nhà tư bản khác có lương tâm tích cực hơn, và được thúc đẩy bởi tình đoàn kết con người.

Mỗi người phải suy nghĩ hai lần trước khi giúp Trung Quốc làm ra các công cụ mà có thể được dùng trong chiến tranh vật chất hay chiến tranh số. Các cánh cổng của các đại học phải được mở cho các sinh viên Trung Quốc — trừ khi họ tìm cách học làm thế nào để xây dựng một kho vũ khí cho chiến tranh hiện đại.

Vào những năm 1940, nhà ngoại giao Hoa Kỳ George Kennan đã cho rằng cách tốt nhất để chống chủ nghĩa cộng sản là “chính sách ngăn chặn”. Đến thế và không hơn! Hay chính xác hơn: không hơn theo hướng này! Cái gì đã xảy ra rồi không thể rút lại được. Nhưng chúng ta phải dừng ở đây, và chúng ta phải cẩn trọng hơn nhiều để tránh tiếp tục trong vai trò của Frankenstein.

Tác giả: Janos Kornai
Dịch giả: Nguyễn Quang A
Nguồn: Janos Kornai, Economists share blame for China’s ‘monstrous’ turn - Financial Times

* Tác giả là một giáo sư kinh tế học danh dự của Đại học Harvard và Đại học Corvinus Budapest.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad