Quy định "sức khỏe lãnh đạo là bí mật Nhà nước" trái với hiến pháp VN năm 2013 - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

Quy định "sức khỏe lãnh đạo là bí mật Nhà nước" trái với hiến pháp VN năm 2013


Ông Nông Đức Mạnh (giữa) giúp cựu Chủ tịch nước Việt Nam Võ Chí Công (bên trái) tại lễ khai mạc Đại hội đảng lần thứ 9, ngày 19 tháng 4 năm 2001


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Tình hình sức khỏe lãnh đạo được cho là ‘bí mật quốc gia’ dẫn đến nhiều đồn đoán trong dân chúng mỗi khi một nhân vật cao cấp nào đó không xuất hiện trước công chúng trong những sự kiện mà đáng lý ra họ phải có mặt.

RFA phỏng vấn Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long, người biết về quá trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trung ương.

Diễm Thi: Thưa bác sĩ, là một người có kinh nghiệm và hiểu biết quy trình chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo, trước hết xin ông cho những cấp nào được đưa vào diện này?

BS. Đinh Đức Long: Ban bảo vệ sức khỏe trung ương được thành lập với mục đích đúng như tên gọi của nó, nghĩa là bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ trung ương, cán bộ cao cấp của đảng, chính quyền, quân đội, công an và các tổ chức vệ tinh khác của chế độ như: Mặt trận tổ quốc, công đoàn, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh...

Diễm Thi: Quy trình chăm sóc sức khỏe cho họ được thực hiện như thế nào, về tư vấn, khám và thuốc men, thưa bác sĩ?

BS. Đinh Đức Long: Trong ban bảo vệ sức khỏe trung ương lại chia thành nhiều tổ để phục vụ các đối tượng cụ thể, với nhiệm vụ cụ thể khác nhau, ví dụ như: Tổ 1 là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho uỷ viên bộ chính trị, ban bí thư, bao gồm cả “tứ trụ”, tức là Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội; tổ 2 thì đối tượng phục vụ là các uỷ viên trung ương đảng, gồm hầu hết bí thư, chủ tịch các tỉnh thành, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể...; tổ 3 thì chủ yếu phục vụ các bộ thứ trưởng và các cấp tương đương, ngoài ra còn tổ 4; tổ 5 nữa phục vụ cán bộ cấp thấp hơn.

Trong mỗi tổ thì họ lại phân công bác sĩ phụ trách theo dõi chăm sóc sức khỏe cho từng đối tượng cụ thể, nghĩa là mỗi vị “yếu nhân” đều có bác sĩ riêng của mình, khổ nhất là các bác sĩ thuộc tổ 1, vì họ nhiều khi phải tháp tùng “yếu nhân” 24/24h, ví dụ như có vị thuộc “tứ trụ” về cuối đời phải cần tới 2 bác sĩ thay nhau chăm sóc cả ngày đêm...

Mỗi khi “tứ trụ” công du trong, ngoài nước, thì tuỳ theo sức khỏe của đối tượng cụ thể, ngoài bác sĩ riêng theo sát ra, đôi khi còn có cả một ê-kíp hồi sức cấp cứu đi cùng, thông thường các bác sĩ bệnh viện trung ương quân đội 108 hay làm việc này.

Quy trình chăm sóc sức khỏe thì hàng ngày bác sĩ phải theo dõi mạch, huyết áp, các chỉ số sinh học, thức ăn, nước uống, chất thải..., của “yếu nhân” và quan trọng nhất là hướng dẫn họ sử dụng thuốc điều trị đúng liều, đúng cách như ghi trong bệnh án, duy trì chế độ làm việc, nghỉ ngơi phù hợp, thậm chí có lúc phải can thiệp vào cả chuyện sinh hoạt vợ chồng khi “thủ trưởng” đi công tác về mệt mỏi buộc phải cách ly vợ hoặc ngược lại khi các bà không đáp ứng được chồng mình thì cũng phải tư vấn.

Nếu phát hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào của “thủ trưởng” thì phải xử lý ngay, ví dụ như làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, đờm, phân..., thông thường các bệnh phẩm đều ghi ký hiệu riêng hoặc mang tên của bác sĩ phụ trách, để đảm bảo bí mật kết quả, ngay chính “thủ trưởng” cũng không được biết về kết quả đó của mình, mà các bác sĩ sẽ ghi vào hồ sơ bệnh án báo cáo ban bảo vệ sức khỏe trung ương, rồi báo cáo ban tổ chức trung ương, để phục vụ cho việc điều trị cũng như công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới.

Thuốc men cho các vị đó thì cần gì cũng có, nhất là các vị thuộc tổ 1, có thể nói bất cứ nơi nào có thuốc mới, tốt nhất thì đều mua được hết, hàng năm các tổ đều phải làm dự trù thuốc cần thiết cho đối tượng mình phục vụ để ban bảo vệ sức khỏe trung ương mua thông qua nhiều nguồn khác nhau. Bản thân tôi thời là sinh viên du học y khoa tại Hungary, đã từng nhận nhiệm vụ bí mật đi mua thuốc cho lãnh đạo cao cấp, với nguyên tắc là không bao giờ được mua loại thuốc đó lần thứ hai tại cùng một cửa hàng bán thuốc, mà phải mua chỗ khác.

Diễm Thi: Nếu trong nước không thể chữa trị thì những vị lãnh đạo được chuyển sang những nước nào để trị bệnh, thưa bác sĩ?

BS. Đinh Đức Long: Nếu trong nước không chữa trị được thì tuỳ theo mặt bệnh, tuỳ theo tình hình chính trị và nhất là quan hệ cũng như ảnh hưởng quốc tế của “yếu nhân” mà họ được đưa tới nước ngoài nào phù hợp nhất để chữa trị. Ví dụ như trước kia chủ tịch Hồ Chí Minh thường sang Trung Quốc “chữa bệnh”, tổng bí thư Lê Duẩn thì lại sang Liên Xô, trong khi đó ông Lê Đức Thọ sang Pháp, ông Hoàng Văn Hoan sang Trung Quốc, cộng hoà dân chủ Đức...


Thời tôi là sinh viên ở Hungary đã chứng kiến năm nào cũng có vài đoàn cán bộ cao cấp sang Hungary chữa bệnh, an dưỡng, riêng các tướng lĩnh thì không đi theo đoàn, mà chỉ đi với vợ con, ví dụ như đại tướng Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn..., trước đó thì đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng chữa bệnh tại Hungary.

"Tứ trụ" Việt Nam. Ảnh chụp đầu năm 2016. Reuters
Diễm Thi: Vừa qua có những vị đi Mỹ như trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh, cố bí thư thành phố Đà Nẵng, cựu bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đi Pháp… đó là do ý muốn của họ và gia đình hay được đảng và Nhà nước đưa đi?

BS. Đinh Đức Long: Gần đây ông Nguyễn Bá Thanh đi Mỹ, ông Phùng Quang Thanh đi Pháp, ông Trần Đại Quang đi Nhật chữa bệnh..., như trên tôi đã nói là họ đến những nơi phù hợp nhất với mặt bệnh cần chữa trị, tuy nhiên do tất cả họ đều là đảng viên đảng CSVN, nên bắt buộc đảng cho phép mới được đi, vấn đề ở đây là kinh phí chữa bệnh lấy từ tiền thuế của dân hay do gia đình họ tự chi trả, điều này đến giờ chúng ta chưa thể biết.

Diễm Thi: Thưa bác sĩ, có nguồn thông tin nói nguồn thuốc để chữa trị cho lãnh đạo cao cấp khi chữa trị trong nước chủ yếu là từ Trung Quốc, thông tin này theo ông có xác thực không?

BS. Đinh Đức Long: Thông tin tất cả các nguồn thuốc điều trị cho cán bộ cao cấp trong nước đều lấy từ Trung Quốc, là hoàn toàn xuyên tạc, bịa đặt với dụng ý xấu; thể hiện hiểu biết kém cỏi về thực tế công tác bảo vệ sức khỏe cán bộ cao cấp.

Như trên tôi đã nói, thời Việt Nam còn bị bao vây, cấm vận mà lãnh đạo vẫn chẳng thiếu thuốc quý, thuốc tốt nhất để dùng, thì bây giờ với chính sách mở cửa, làm bạn với tất cả các nước, đến trẻ con cũng có thuốc tốt từ mọi nguồn (với điều kiện có tiền), nói gì tới lãnh đạo cao cấp. Tôi nhấn mạnh là chưa bao giờ Việt Nam chỉ dựa vào một nguồn cung cấp duy nhất, không chỉ thuốc men, mà mọi thứ khác như: Vật tư thiết bị, chuyên gia, công nghệ, đào tạo cán bộ, chăm sóc sức khỏe, thậm chí cả vũ khí nữa cũng thế.

Diễm Thi: Luật pháp Việt Nam qui định ‘sức khỏe lãnh đạo Việt Nam là bí mật quốc gia’. Theo ông vì sao lại có qui định như thế?

BS. Đinh Đức Long: Luật pháp Việt Nam quy định sức khỏe lãnh đạo là bí mật quốc gia nhằm mục đích bảo vệ cho địa vị lãnh đạo, cầm quyền của đảng CSVN, điều này là trái với Hiến pháp năm 2013, trong đó điều 4 quy định quyền giám sát của nhân dân đối với mọi hoạt động của đảng CSVN.

Diễm Thi: Gần nhất là trường hợp ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngã bệnh và nhiều đồn đoán được đưa ra về tình hình sức khỏe của ông này; trước đó là trường hợp cố chủ tịch Trần Đại Quang cũng được nói qua đời vì một loại virus hiếm cũng khiến dẫn tới nhiều đổn thổi. Theo ông việc công khai về sức khỏe lãnh đạo nên được thực hiện ra sao?

BS. Đinh Đức Long: Việc công khai sức khỏe lãnh đạo là cần thiết, nhưng hiện nay chưa có cơ chế nào để kiểm soát nội dung, mức độ công khai, ngược lại pháp luật còn quy định đó là “bí mật quốc gia”, nên càng khó thực hiện. Thực tế chỉ ra rằng khi nào chưa có đa nguyên, đa đảng, chưa có tam quyền phân lập thì người dân chưa thể nào thực hiện được quyền giám sát của mình về mọi sinh hoạt chính trị, đâu chỉ riêng sức khỏe của lãnh đạo cao cấp.

Diễm Thi: Cuối cùng ông nhận định về tầm quan trọng của vị Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương như thế nào, thưa bác sĩ?

BS. Đinh Đức Long: Vai trò của trưởng ban bảo vệ sức khỏe trung ương rất quan trọng, vì phải nắm được, dự báo được diễn biến sức khỏe của các lãnh đạo cao cấp, có kế hoạch chữa trị kịp thời, đúng bệnh, đúng chuyên khoa tại nơi hiệu quả nhất, đặc biệt là vai trò “nhạc trưởng” của vị này khi tổ chức, phối kết hợp các chuyên gia, bệnh viện đầu ngành từ nhiều nguồn khác nhau để chẩn đoán, điều trị bệnh cho cán bộ cao cấp.

Diễm Thi: Cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn RFA hôm nay.

BS. Đinh Đức Long: Cảm ơn đài RFA.


Diễm Thi
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad