Chống chạy chức, chạy quyền: cần thay đổi cơ chế, thể chế - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

Chống chạy chức, chạy quyền: cần thay đổi cơ chế, thể chế


Hình minh họa. 200 Ủy viên Trung ương Đảng chụp hình nhân đại hội đảng thứ 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Một ngày trước khi Luật phòng, chống tham nhũng 2018 có hiệu lực thi hành (1/7/2019), Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ban hành kế hoạch số 2835 về kiểm tra công tác cán bộ năm 2019 với mong muốn chủ động phòng ngừa, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền. Liệu động thái này của Bộ trưởng Tân sẽ giúp làm giảm tình trạng chạy chức, chạy quyền tại Việt Nam và phát hiện những tiêu cực trong việc điều động, bổ nhiệm cán bộ?
…và chống cả tha hóa quyền lực

Theo kế hoạch được Bộ Nội vụ đề ra, 4 nơi bị đưa vào “vòng kiểm tra” đợt I bao gồm Ban Tôn giáo Chính phủ, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Đây được coi là những đơn vị nhà nước có liên quan đến việc điều động, phân bổ cán bộ công, viên chức.

Nhận xét về kế hoạch này của Bộ Nội vụ, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng đây là điều cần thiết, tuy nhiên việc vào cuộc “rầm rộ” như vậy liệu có kết quả như ông Tân mong muốn hay không lại là chuyện khác.

Chạy chức, chạy quyền là dấu hiệu vi phạm pháp luật, là một dạng đưa hối lộ và nhận hối lộ, nên họ phải đi con đường an toàn, quen biết thì mới có thể móc ngoặc, mới chạy được.

- LS. Trần Quốc Thuận
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự độc lập từ Hà Nội cho rằng động thái “cứng cỏi” của người đứng đầu Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân hoàn toàn không có ý nghĩa gì:

“Tôi nghĩ Bộ Nội vụ nói như thế để nói chơi thôi chứ họ có vai trò gì trong chuyện nhân sự đâu, nhân sự là bên Đảng làm chứ đâu phải Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ chỉ là người sau khi Đảng quyết rồi thì có thể làm thủ tục thôi. Ông ấy chỉ muốn tỏ ra cho oai thôi.”

Giải thích rõ hơn về định nghĩa ‘chạy chức, chạy quyền’, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam cho biết:

“Chạy chức, chạy quyền là dấu hiệu vi phạm pháp luật, là một dạng đưa hối lộ và nhận hối lộ, nên họ phải đi con đường an toàn, quen biết thì mới có thể móc ngoặc, mới chạy được. Thường thì chạy chức chạy quyền nằm ở uy quyền nào đó của một người có quyền gợi ý thì nhiều người xúm vô ‘chạy’, lo toan. Vừa có thế, vừa có lực, mệnh lệnh hành chánh thì có cơ hội chạy chức chạy quyền nhiều hơn. Có lẽ tập trung những người đó là chính.”

Còn theo ông Nguyễn Duy Lộ, một người từng làm cho Ngân hàng Vietcombank trong nhiều năm cho biết tình trạng chạy chức, chạy quyền là chuyện xưa nay vẫn có.

“Chạy chức, chạy quyền thời nào cũng có: thời bao cấp, thời đổi mới cũng có, thời nay cũng thế. Nhưng tính chất thời nay liên quan đến tài sản, tiền nong nhiều hơn.”

Giải thích rõ hơn, ông Dương Trung Quốc cho biết:

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó trưởng phòng Chống tham nhũng – Thanh tra Bộ Xây dựng. (Ảnh minh họa chụp trước đây) Courtesy vinhtuong.vinhphuc.gov vn
“Từ khi có những thay đổi lớn về kinh tế thì người ta thấy những cơ hội làm giàu trên chức quyền ngày càng tăng. Vì thế tạo ra một mối quan hệ xin-cho trong xã hội, thậm chí được định giá hẳn hoi.”

Tình trạng chạy chức, chạy quyền được đánh giá là đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực với nhiều hình thức tinh vi và được thực hiện theo hệ thống, đường dây hoặc do quan hệ ‘dây mơ, rễ má’.

Như sự việc diễn ra gần đây nhất là ba thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt tạm giam và bị khởi tố do đòi và nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ba người bị bắt gồm bà Nguyễn Thị Kim Anh, trưởng đoàn, Phó trưởng phòng Phòng chống Tham nhũng -
Thanh Tra Bộ Xây Dựng và hai thành viên trong đoàn là Đặng Hải Anh và Nguyễn Thủy Linh. Trong đó, ông Đặng Hải Anh và bà Nguyễn Thủy Linh không phải là công chức Bộ Xây dựng nhưng được Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn đưa vào danh sách đoàn thanh tra. Ngoài ra, truyền thông trong nước cũng “bật mí” bà Nguyễn Thủy Linh là em gái bà Nguyễn Thị Kim Anh.

Sự việc gây xôn xao dư luận khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 17/6 đã yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm Phó Trưởng phòng Phòng chống Tham nhũng.

Trở lại kế hoạch của Bộ trưởng Nội vụ Tân, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, việc Bộ Nội vụ kiểm tra các cơ quan, nhất là ở thời điểm hiện tại, ngay trước đại hội đảng có thể phần nào giúp ích trong việc ngăn chặn chạy chức:

“Bắt đầu từ các cấp để định hình bộ máy lãnh đạo trong thời gian sắp tới: sắp xếp các chức vụ, các ghế… Rõ ràng đấy là cơ hội nảy sinh rất nhiều hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực này.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề chạy chức, chạy quyền là bệnh nan y tồn tại trong đại bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên từ xưa đến nay, gây bức xúc cho người dân, làm giảm uy tín của nhà nước đối với người dân. Và ông Hậu cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền.

Còn theo Luật sư Trần Quốc Thuận, việc chạy chức, chạy quyền gây tác hại không nhỏ đến việc phát triển xã hội.

“Cái hại lớn nhất của chạy chức, chạy quyền là cho một lớp người thiếu năng lực, phẩm chất đạo đức kém, tham lam, nên họ mới không đi lên bằng năng lực mà đi đường vòng, phải bỏ phí bôi trơn, phí giành chức...”

Cần giải quyết tận gốc rễ

Việc chạy chức, chạy quyền là một hình thức của tham nhũng được các quan chức lãnh đạo chính phủ Hà Nội thường xuyên kêu gọi phòng chống trong thời gian gần đây.

Theo ông Dương Trung Quốc, hiện tượng chạy chức, chạy quyền đến nay vẫn còn rất mơ hồ về hướng xử lý nên gần như không có giải pháp để ngăn chặn.

Còn đối với Luật sư Trần Quốc Thuận, giải pháp người ta nói nhiều nhất vẫn phải là thay đổi cơ chế, thể chế.

“Đề bạt, thi cử phải có cơ chế thế nào mà phải có sự ganh đua thay vì tập trung. Thật sự đến bây giờ người dân Việt Nam vẫn chưa có quyền được chọn người lãnh đạo của mình, mà những người lãnh đạo đó dự kiến ở một nhóm quyền lực cấp trên hay một số quyền lực nào đó chi phối bổ nhiệm người này, người kia. Nên khi cơ chế thể chế không minh bạch, không tạo sự cạnh tranh, tuyển chọn không công bằng thì làm sao tránh khỏi cái đó (chay chức, chạy quyền- PV) được.”

Từ khi có những thay đổi lớn về thay đổi kinh tế thì người ta thấy những cơ hội làm giàu trên chức quyền ngày càng tăng. Vì thế tạo ra một mối quan hệ xin-cho trong xã hội, thậm chí được định giá hẳn hoi.

- Dương Trung Quốc
Đồng quan điểm này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng quy trình tuyển chọn dù chặt chẽ đến đâu vẫn có kẽ hở, ngay cả khi bổ nhiệm một nhân vật cấp cao tưởng như rất chặt chẽ nhưng do không có sự đồng thuận của các cơ quan khác, vượt qua ranh giới đó thì được gọi là chạy chức chạy quyền. Vì vậy, ông chia sẻ khẳng khái:

“Cần tăng cường công cụ kiểm soát và thanh tra, cơ chế này cần phải mạnh hơn đồng thời phải lấy phiếu tín nhiệm. Phải có một chế độ thi tuyển những chức danh trước khi đề bạt. Phải có quy trình lựa chọn chặt chẽ, tránh những trường hợp sống lâu lên lão làng, cục bộ, bè cánh. Tôi thấy đây là chuyện rất bình thường nếu ta quản trị không tốt, không có sự kiểm soát quyền lực, không có quy chế. Cần sớm có một cơ chế từ chức, có lên có xuống, có vào có ra.”

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì “Tuy có phân quyền bên dưới nhưng thật sự vẫn gọi là ban tổ chức Trung ương, từ Ban tổ chức Trung ương lại có một hệ thống xuống tận tỉnh. Bản thân sự độc quyền này đẻ ra tham nhũng. Nên trước tiên phải giải quyết ở đó, hay nói cách khác là dẹp chuyện độc quyền đi và phải trở thành một nền hành chính theo đúng hành chính chứ không phải là một công cụ của đảng thì lúc đó mới giải quyết được tận gốc rễ.”


Đồng ý với nhận xét này, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng cho rằng trong cơ chế một đảng cầm quyền, bên cạnh việc tạo được sức mạnh của quyền lực thì cũng tạo ra không ít sự nghi ngờ về năng lực chọn ra người đại điện, tiêu biểu cho cả quốc gia, xã hội… Điều đó cũng là đặc thù trong xã hội Việt Nam.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, những vụ án tham nhũng được ban tổng kết đến nay là 54 vụ với hơn 670 bị cáo. Trong số này có 10 người bị tuyên mức án tử hình, 21 người với mức án chung thân, 9 người bị tù 30 năm, 19 người bị tù 20 năm; số từ 12 tháng đến 20 năm tù là hơn 570 người.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad