Chưa bao giờ đất nước nhục như ngày nay - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

Chưa bao giờ đất nước nhục như ngày nay


Ông Phúc đang hạ mình xuống nói chuyện với ông Trump. Ảnh: VTV

Vừa qua đài truyền hình quốc gia VTV có loan tải một đoạn phim phóng sự cho thấy cảnh Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị G20 ở Nhật. Nhìn kỹ đoạn phim đó chúng ta có thể thấy được rất nhiều điều về văn hóa chính trị ở Việt Nam.

Việt Nam không có “kí lô” nào trên trường quốc tế

Thứ nhất, việc gặp gỡ ông Phúc không có trong nghị trình làm việc của ông Trump nên ông Phúc đã phải tranh thủ một khoảng thời gian rất ngắn ngủi trước khi bắt đầu một phiên làm việc mới để tiếp cận ông Trump. Hình ảnh vội vã của ông Phúc mong vài giây gặp ông Trump để nói chuyện rất tương phản với tuyên truyền của Ban Tuyên giáo CSVN từ trước đến nay là nhờ sự lãnh đạo “sáng suốt và tài tình” của đảng Cộng sản mà vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế.

Thực tế là nhiều công dân Việt Nam chỉ có đầy tủi nhục khi ra nước ngoài. Lao động xuất khẩu Việt Nam đang “tung hoành” trên thế giới ở những ngành nghề nguy hiểm, độc hại mà công dân các nước sở tại không muốn làm. Những vùng bị ảnh hưởng bởi nhiễm độc biển do Formosa gây ra thì người dân thậm chí còn phải đi làm thuê làm mướn ở Lào và Campuchia.

Ở Nhật Bản, quốc gia đăng cai G20 kỳ này, người Việt đi xuất khẩu lao động nhiều nhất trong khi tiền bạc bị nhà cầm quyền cấu kết với các công ty môi giới o ép. Nhiều lao động phải vi phạm pháp luật nước sở tại tìm cách trốn ở lại. Người Việt trở nên nổi tiếng ở Nhật vì tình trạng ăn cắp hàng trong siêu thị.

Khúm núm cầu cạnh Mỹ

Thứ hai, ông Trump đã bắt tay ông Phúc bằng một tay rất hời hợt và rút tay lại ngay để khoanh hai tay trước ngực thể hiện sự phòng thủ không muốn tiếp chuyện. Có lẽ ông Phúc đã chọn thời điểm rất sai để bắt chuyện với ông Trump. Trong khi đó, ông Phúc bắt tay ông Trump bằng hai tay và cúi người trước ông Trump vì ông Trump đang ngồi.

Mời xem clip của VOA


Đường đường là nguyên thủ một quốc gia mà giới cai trị luôn khoe khoang là đã đánh đuổi “đế quốc Mỹ xâm lược”, chương trình sách giáo khoa luôn đề cao lịch sử đánh Mỹ, vậy mà Thủ tướng Việt Nam bị Tổng thống Mỹ coi thường đến như vậy, và bản thân Thủ tướng Việt Nam lại cho thấy một thái độ khúm núm cầu cạnh với Tổng thống Mỹ như vậy. Thú thật là tôi không hiểu xem clip này, các đảng viên cộng sản “trung kiên” có “rã rời chân tay” hay không? (“Rã rời chân tay” là cụm từ mà ông Phúc mô tả “phản động lưu vong” khi thấy ông Trump vẫy cờ đỏ sao vàng).

Chương trình giáo dục quốc phòng ở Việt Nam hay trong các trường quân sự đều luôn dạy học sinh, sinh viên là “đối tượng tác chiến của quân đội nhân dân là quân đội Mỹ và đồng minh”. Clip này sẽ cho các em học sinh, sinh viên và các sỹ quan quân đội, công an thấy rõ giới cai trị cộng sản chỉ toàn là dối trá.

Thực tế là đảng Cộng sản Việt Nam rất cần Mỹ. Nếu không có đồng đô-la của Mỹ vào Việt Nam qua việc Mỹ nhập hàng Việt Nam để Việt Nam luôn xuất siêu với Mỹ; nếu không có đồng đô-la do cộng đồng người Việt ở hải ngoại gửi về, trong đó đa số là tiền của “phản động lưu vong” thì có lẽ đảng Cộng sản Việt Nam đã sụp đổ từ lâu. Và nếu không có Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ đóng ở Nhật Bản thì biển Đông đã bị Trung Quốc chiếm hết từ lâu.

Hơn cả việc cần Mỹ, giới cai trị cộng sản còn yêu Mỹ vô cùng. Con cái các cán bộ cao cấp hầu hết đều du học ở Mỹ. Điển hình như ông Lê Quang Tự Do, sinh năm 1978, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, đi học ở Mỹ nhưng lại trở thành một “sát thủ” của quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của người dân Việt Nam qua việc ngăn chặn người dân lên tiếng trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube...

Thói quen nịnh bợ mọi lúc mọi nơi

Thứ ba, trong khi ông Trump tiếp tục ngồi và khoanh tay nhìn ông Phúc với ánh mắt khinh khỉnh thì ông Phúc lại dùng hai tay vuốt người ông Trump. Cái hành động đó thể hiện sự nịnh bợ cầu cạnh rất rõ. Ông Phúc rõ ràng không nắm các nguyên tắc giao tiếp thông thường chứ đừng nói các nguyên tắc ứng xử trong ngoại giao. Không chỉ ông Phúc mà cả phái đoàn đi theo ông đều như thế.



Trong nền chính trị Việt Nam, nếu bạn muốn thăng tiến, bạn chỉ có cách nịnh bợ tạo quan hệ lấy lòng cấp trên, đồng thời lo lót tiền bạc cho cấp trên để được cất nhắc. Lý do là việc được thăng tiến không phải do dân bầu ra mà là do Ban Tổ chức cán bộ cơ cấu, quy hoạch. Thực trạng này phổ biến đến nỗi chính giới cai trị cũng nói công khai là “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”. Hay như có cả ông giáo sư Học viện Hành chính Quốc gia còn cho là “cần luật hóa cho phép chạy chức chạy quyền”.

Chuyện nịnh bợ chạy chức chạy quyền trong đảng Cộng sản cầm quyền thối đến độ cả xã hội và bản thân đảng viên cộng sản cũng không ngửi nổi mà đề xuất “đưa quy định không được nịnh bợ cấp trên vào luật”. Ông Phúc leo lên tới chức Thủ tướng, quyền lực chỉ còn dưới ông Nguyễn Phú Trọng thì đủ biết năng lực nịnh bợ của ông tới đâu. Và trong cuộc gặp với ông Trump, một cách vô thức, cái bắt tay bằng hai tay, cái vuốt người ông Trump cho thấy ông Phúc rất biết cách nịnh. Không biết trong lòng ông Phúc thì ông Trọng, ông Trump, hay ông Tập Cận Bình mới là cấp trên thực sự của ông?

Lãnh đạo dốt mà đòi làm “cách mạng 4.0”?

Thứ tư, trong thời buổi toàn cầu hóa như hiện nay, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ phổ biến trong kinh doanh, ngoại giao, học tập toàn cầu. Lãnh đạo một quốc gia đã vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ năm 2006 mà không nói được tiếng Anh thật sự rất khó chấp nhận. Không phải lúc nào cũng có phiên dịch đi theo được. Như trong clip ông Phúc nói chuyện với ông Trump thì người phiên dịch của ông Phúc cũng phải cúi người sát cả ông Phúc và ông Trump để lắng nghe hai ông nói gì mà dịch, điều này thật sự rất bất tiện.

Việc lãnh đạo đi đâu cũng phải có phiên dịch sẽ khiến chi phí dành cho bộ máy hành chính cao lên rất nhiều để nuôi đội ngũ phiên dịch. Việc không thông thạo ngoại ngữ quan trọng như tiếng Anh sẽ khiến giới cai trị bị “mù”, “điếc” trước tình hình thế giới vì thông tin gì các ông bà cai trị nhận được đều đã qua kiểm duyệt, từ đó dẫn đến những chuyện cười ra nước mắt như giới cai trị Việt Nam đi qua các nước khác vẫn huênh hoang về chủ nghĩa xã hội, hay nhắc lại tình cảm “xã hội chủ nghĩa anh em” với một quốc gia từng bị cộng sản cai trị trước đây.

Trong lý lịch chính thức của ông Phúc, ông khai có bằng B Anh văn và bằng B Nga văn. Nhưng qua cách phát âm của ông như “Ma dê in Việt Nam” thì người dân có thể khẳng định bằng cấp tiếng Anh của ông Phúc là giả.

Nói thêm một chút, cũng trong đoạn clip “Ma dê in Việt Nam” đó, ông Phúc còn phát biểu “Đất nước mình anh hùng như vậy, giải phóng dân tộc giỏi như vậy, tại sao không thể xuất khẩu lớn được?”. Rõ ràng là tư duy ông Phúc, cũng như tư duy các lãnh đạo cộng sản khác, có vấn đề lớn, nếu không muốn nói là có dấu hiệu tâm thần. Chuyện một quốc gia “anh hùng” với “giải phóng dân tộc” chẳng có liên quan logic gì đến chuyện quốc gia đó có thể xuất khẩu hàng hóa. Có thể do chủ nghĩa Mác Lênin đã không logic nên những người hô hào kiên định chủ nghĩa này đều có đầu óc rất kém về lý luận logic.

Đất nước chưa bao giờ tệ như thế này

Để kết luận, chỉ một đoạn clip ngắn ngủi chiếu ông Phúc gặp ông Trump đã nói lên rất nhiều điều về chính trị Việt Nam, cho thấy vị thế thực sự của Việt Nam dưới sự cai trị của đảng Cộng sản trên trường quốc tế thấp như thế nào, cho thấy thói quen nịnh bợ hèn hạ và dối trá của các cán bộ cộng sản như thế nào, cho thấy trình độ ngoại ngữ và rộng hơn là trình độ quản trị quốc gia của đảng Cộng sản kém cỏi như thế nào.

Vậy là hiểu ngược lại câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng là hoàn toàn đúng, đất nước chưa bao giờ tệ như thế này: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín [tệ] như ngày nay”.


© Trung Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad