CSVN thắng lợi hay thất bại với Facebook, Google, YouTube? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019

CSVN thắng lợi hay thất bại với Facebook, Google, YouTube?


Khác khá nhiều với giọng điệu hùng hổ như ăn tươi nuốt sống các doanh nghiệp mạng xã hội nước ngoài vào năm 2018, cuộc họp của Bộ Thông Tin và Truyền Thông vào giữa năm 2019 chỉ đưa ra biện pháp chế tài “Bất cứ nền tảng xuyên biên giới nào vào Việt Nam hoạt động mà không tuân thủ pháp luật Việt Nam sẽ không sẽ không được đất nước này chào đón.”

Cuộc đấu tố hằn học và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cung cấp một bằng chứng trực tiếp về thất bại của chính quyền này. (Hình: AP Photo/Thibault Camus, File)

Khác khá nhiều với giọng điệu hùng hổ như ăn tươi nuốt sống các doanh nghiệp mạng xã hội nước ngoài vào năm 2018, cuộc họp của Bộ Thông Tin và Truyền Thông vào giữa năm 2019 chỉ đưa ra biện pháp chế tài “Bất cứ nền tảng xuyên biên giới nào vào Việt Nam hoạt động mà không tuân thủ pháp luật Việt Nam sẽ không sẽ không được đất nước này chào đón.”

Cuộc họp trên được Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì, nhằm “chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới.” Nội dung chính của cuộc họp này nhằm “kêu gọi các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo, các nền tảng công nghệ Việt Nam, các cơ quan báo chí và người sử dụng mạng xã hội chung tay cùng Bộ Thông Tin và Truyền Thông “quét rác” trên môi trường mạng, bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, xây dựng môi trường Internet lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.”

Tuy nhiên, cuộc họp trên đã không bàn gì về việc thu thuế của Google, YouTube, Facebook – điều mà vào năm 2017 và 2018 đã trở thành một chủ đề ưu tiên của bộ này lẫn Bộ Tài Chính.

Chùm nho và con cáo

Từ giữa năm 2016, Bộ Thông Tin và Truyền Thông và Bộ Công An đã nhiều lần họp bàn về biện pháp quản lý và chế tài các nhà mạng nước ngoài. Cũng đã có những cuộc họp liên bộ Tài Chính – Công An – Thông Tin Truyền Thông để phối hợp đồng bộ vừa siết mạng vừa thu tiền theo phương châm “không cho chúng nó thoát.”

Tuy nhiên sau một đợt “bắn tiếng” với Google, Facebook… nhưng chỉ nhận được kết quả quá ư khiêm tốn, các bộ này đã rút ra được bài học xương máu là làm gì thì làm cũng phải “tạo điều kiện” để các nhà mạng nước ngoài mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Vào cuối năm 2017, ngay sau khi Bộ Công An tung ra dự thảo Luật An Ninh Mạng với Điều 34 đòi tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, đến lượt Bộ Tài Chính tung ra dự thảo mới về luật quản lý thuế với đòi hỏi nhà cung cấp nước phải khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Khi đó, Bộ Tài Chính đã tìm cách “ăn theo” Luật An Ninh Mạng bằng cách gia tăng áp thuế và hy vọng có thể thu bẫm thuế trong một khu vực kinh doanh mà từ trước tới giờ ngành thuế của Việt Nam không với tay được. Số thuế dự tính thu được có thể lên từ 3,000 đến 5,000 tỷ đồng ($129.4 triệu đến $215.7 triệu).

Theo cách nhìn riêng của Bộ Tài Chính, Google và Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua hai phương thức: qua các đại lý tại Việt Nam và mua bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Nếu thông qua đại lý, các doanh nghiệp trên phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu nhưng ở phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến lại chưa được quy định rõ nên có thể bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác. Khi thanh – kiểm tra thuế, cơ quan chức năng khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.

Nếu thành công trong việc đánh thuế các nhà mạng nước ngoài, ngân sách Việt Nam sẽ thu được một số tiền lớn để giúp chế độ tồn tại qua ngày.

Những năm gần đây đã chứng kiến một cơn túng quẫn hiếm có của ngân sách trung ương. Trong khi tỉ lệ bội chi vẫn duy trì ở mức cao đến hơn 70% mà không hề giảm, tình hình thu ngân sách lại có nhiều dấu hiệu “đụng trần” mà không thể thu thêm được nữa, kể cả ở Sài Gòn – nơi được Bộ Chính Trị xem là “bò sữa.” Nguy cơ đó sẽ khiến ngân sách không biết tìm đâu ra hàng trăm ngàn tỷ đồng (trừ việc ồ ạt in thêm tiền) cho một đội ngũ công chức gần ba triệu người mà trong đó có đến 30% bị dư luận xem là “không làm gì cả những vân đều đều lãnh lương.”

Trong khi đó, các nguồn “ngoại viện” đều hầu như đóng cửa với Việt Nam. Trừ “kênh Nhật” còn đôi chút hy vọng về nguồn ODA, còn lại các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đều bắt Việt Nam phải vay với lãi suất và thời gian ân hạn theo mặt bằng thị trường từ Tháng Bảy, 2017.

Tiếp theo các “phát minh” thu thuế bán hàng trên mạng, thu thuế “bảo vệ môi trường” và kể cả muốn thu thuế bằng bán… sim số đẹp, cơn bĩ cực ngân sách đang đánh thẳng vào hầu bao của giai tầng trung lưu và một phần “hạ lưu” qua thuế xăng dầu, thuế sử dụng đất, thuế VAT (giá trị gia tăng), và có trời mới biết còn bao nhiêu loại thuế khác – tình cảnh mà ngày càng nhiều người dân và cả quan chức phải thốt lên “sưu cao thuế nặng thế này thì còn hơn cả thời thực dân!”

Chỉ có điều, quản lý thu thuế trong nước là dễ hơn nhiều so với thu thuế của các hãng nước ngoài, vì các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trong nước đã được cơ quan thuế áp mã số thuế nên dễ theo dõi và truy thu. Trong khi đó, các nhà mạng nước ngoài đa phần lại không có đại diện hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam nên dù Bộ Tài Chính quá muốn thu thuế thì cũng chẳng biết phải gặp ai và gặp ở đâu.

Cho đến nay, vẫn không có bất kỳ thông tin nào cho thấy Bộ Tài Chính có thể thu được thuế từ Google, YouTube, Facebook.

Thậm chí ngay cả việc đặt văn phòng hay trụ sở làm việc tại Việt Nam cũng không được các doanh nghiệp mạng trên tha thiết. Trong bối cảnh đó, thu được thuế là một điều không tưởng. Bây giờ thì ai cũng hiểu là cùng lắm các doanh nghiệp này sẽ không được chính quyền Việt Nam “chào đón.”

Nhưng không chỉ thất bại về thu thuế, chính quyền Việt Nam còn không thể ‘thắng lợi’ trong mục tiêu quản lý an ninh chính trị đối với Google, YouTube, Facebook.

Sau đấu tố là thất bại

Vào đầu năm 2019, việc lần đầu tiên trong lịch sử du nhập vào Việt Nam, hãng Facebook bị chính thể độc đảng ở quốc gia này lên án và tổ chức đấu tố một cách quyết liệt và đầy cay cú đã cho thấy sự bất lực của hệ thống chính trị quốc gia này.

Khi đó, nhiều tờ báo nhà nước, trong khi im thin thít về vụ chính quyền TP.HCM dùng “luật rừng” cưỡng chế và phá sạch 200 ngôi nhà ở khu Vườn Rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, thì đồng loạt nhảy xổ vào Facebook và gào thét về những “sai phạm” của hãng này tại Việt Nam như không đóng các tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm, có bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước; cho phép các tài khoản hoạt động quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; trốn thuế; không hợp tác với cơ quan an ninh Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về các tài khoản mà Việt Nam cho là “lừa đảo, vi phạm pháp luật”…

Chắc chắn là những tờ báo trên đã được bật đèn xanh bởi hành động thông đồng của Ban Tuyên Giáo Trung Ương của Ủy Viên Bộ Chính Trị Võ Văn Thưởng và Bộ Thông Tin và Truyền Thông của tân Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Nhưng cái cách phản ứng dữ dằn và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cho thấy trong những tháng qua doanh nghiệp mạng xã hội này đã không làm cho những kẻ muốn bóp nghẹt tự do ngôn luận và tự do Internet hài lòng.

Không loại trừ khả năng Facebook đã bị chính quyền Việt Nam đe dọa theo đúng cái cách của Trung Quốc độc trị đối với Google gần một chục năm về trước, để cuối cùng dàn lãnh đạo Facebook phải phản ứng lại.

“Chúng tôi có một quy trình rõ ràng để các chính phủ báo cáo nội dung bất hợp pháp và chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu đó, đối chiếu các điều khoản và điều kiện cung cấp dịch vụ của chúng tôi với luật pháp địa phương” – Facebook viết trong một tuyên bố để phản ứng những cáo buộc của chính quyền Việt Nam về việc doanh nghiệp này vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức; cho phép quảng cáo bất hợp pháp; và trốn thuế.

Cuộc đấu tố hằn học và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cung cấp một bằng chứng trực tiếp về thất bại của chính quyền này trong việc cố gắng áp đặt Facebook phải tuân theo luật chơi độc trị và bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng xã hội.

Chẳng có gì bảo đảm là một khi bị siết cả về quyền tự do ngôn luận lẫn túi tiền, các hãng Google, Facebook… sẽ còn muốn hoạt động tại thị trường Việt Nam hay là không.

Việc Google phải quyết định rút khỏi Trung Quốc vào năm 2010 do bị siết chặt chính trị là một bài học xứng đáng cho giới chóp bu chính trị và cơ quan thuế của Việt Nam.


Phạm Chí Dũng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad