Tôi sẵn sàng bỏ tiền cao hơn để mua những sản phẩm xuất xứ từ những quốc gia làm mình yên tâm, chẳng hạn như là sản xuất tại Hoa Kỳ, Châu Âu, cũng như những nước Châu Á tự do khác như là Nhật, Đại Hàn, Đài Loan hay là Thái Lan.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang vướng vào một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài mà qua đó đôi bên áp thuế lên hàng hóa của nhau để trả đũa qua lại. Washington đòi Bắc Kinh phải thay đổi những tập tục thương mại “bất công” đối với các doanh nghiệp Mỹ trong khi Bắc Kinh phủ nhận và nói mọi thay đổi phải được thực hiện trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng.
Một số công xưởng bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng sự săm soi gia tăng sau khi có tin một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được dán mác “Made In Vietnam” để tránh thuế quan.
Trong một cuộc phỏng vấn cuối tháng trước, ông Trump đưa ra những chỉ trích gay gắt nhất từ trước tới nay nhắm vào Việt Nam về vấn đề thương mại, cáo buộc Hà Nội là “kẻ lợi dụng tồi tệ nhất trong tất cả các nước.”
Khi được hỏi ông có muốn đánh thuế lên Việt Nam hay không, Tổng thống Trump nói Mỹ "đang thảo luận" với Việt Nam nhưng không nói rõ là về vấn đề gì.
Việt Nam đáp lại bằng cách nói rằng họ chủ trương thúc đẩy giao thương giữa hai nước “theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi” và đang triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, chống gian lận thương mại.
Một số người Việt ở Mỹ cho biết họ ủng hộ lời đe dọa này của Tổng thống Trump, chỉ ra rằng ghi sai nguồn gốc xuất xứ là gian lận đánh lừa người tiêu dùng, trong số này có bà Đinh Ngọc Tuyết, cư dân thành phố Louisville, bang Kentucky.
“Sản phẩm xuất xứ từ nơi nào rất là quan trọng và nó cần phải chính xác,” bà Tuyết nói. “Điều đó nói lên sự tôn trọng người tiêu thụ cũng như đó là quyền của người tiêu thụ cần biết, không có sự nghi ngờ nào về xuất xứ của sản phẩm mà họ tiêu dùng.”
Do đó, theo bà, những quốc gia nào có ý định gian dối về nguồn gốc sản phẩm của mình, vốn được truyền vào từ một nơi khác không tuân theo luật thương mại quốc tế, “đáng bị chế tài.”
“Nếu không làm như vậy thì hàng hóa sản xuất từ Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Nó sẽ làm cho hàng hóa của Việt Nam luôn luôn bị thế giới nghi ngờ,” bà Tuyết nói thêm.
Sự ủng hộ của bà Tuyết đối với đe dọa của Tổng thống Trump xuất phát từ nỗi ngờ vực sâu sắc đối với hàng hóa Trung Quốc xuất hiện tràn ngập trong các siêu thị và cửa hàng ở Mỹ. Bà cho biết bà chỉ mua hàng tiêu dùng có nguồn gốc từ Trung Quốc chỉ khi nào không còn sự lựa chọn nào khác và riêng với thực phẩm thì bà gần như luôn nói không với hàng ‘Made in China’.
“Đi vào chợ, nhất là chợ Walmart, có rất nhiều những sản phẩm như là tôm, cá lấy từ Trung Quốc. Nếu mà cầm lên thấy ‘Made In China’ là bỏ xuống liền,” bà nói. “Có những lúc quyết như vậy đó!”
“Tôi sẵn sàng bỏ tiền cao hơn để mua những sản phẩm xuất xứ từ những quốc gia làm mình yên tâm, chẳng hạn như là sản xuất tại Hoa Kỳ, Châu Âu, cũng như những nước Châu Á tự do khác như là Nhật, Đại Hàn, Đài Loan hay là Thái Lan.”
Việt Nam là một trong những nước đang được hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Hàng nhập khẩu Mỹ từ Việt Nam tăng 38 phần trăm trong bốn tháng đầu năm 2019 so với cùng kì năm ngoái. Điều này cho thấy các nhà nhập khẩu Mỹ đang tìm cách mua từ các nhà cung cấp ở đó.
Thâm hụt mậu dịch hàng hóa của Mỹ với Việt Nam tiếp tục gia tăng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2017, lên tới mức 39,5 tỉ đôla trong năm ngoái, theo thống kê về ngoại thương của Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ.
Trong một diễn tiến có liên quan hồi gần đây, Bộ Thương mại Mỹ loan báo sẽ chỉ thị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới bắt đầu thu tiền kí quỹ khi nhập khẩu đối với các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cuộn cán nguội được sản xuất tại Việt Nam sử dụng thép chất nền có nguồn gốc Hàn Quốc hoặc Đài Loan.
Thuế suất có thể lên tới hơn 400% tùy theo nguồn gốc thép chất nền và loại sản phẩm thép xuất khẩu sang Mỹ, theo thông cáo của Bộ.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét