Thân phận luật sư trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

Thân phận luật sư trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa


Luật sư Trần Vũ Hải. Photo Facebook Vu Hai Tran

Tin truyền thông cho hay, sáng ngày 2/7/2019, Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố, tiến hành khám xét chỗ ở và nơi làm việc của Luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải tại Hà Nội, với cáo buộc “trốn thuế”. Nhưng cơ quan điều tra lại thu giữ hồ sơ liên quan đến Blogger Trương Duy Nhất.Trang Tuổi Trẻ Online hôm 2/7 loan tin rằng cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải về hành vi được coi là “giúp sức cho người bán đất trốn thuế.”

Sau khi đọc bản tin trên, chúng tôi liên tưởng đến thân phận của các luật sư trong các chế độ XHCN thiết lập trên nền tảng chủ nghĩa cộng sản nói chung, chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng. Từ sự liên tưởng này, chúng tôi so sánh thân phận của giới luật sư với thân phận người dân thường trong chế độ hiện nay tại Việt Nam, để thấy rằng quyền an toàn cá nhân về mặt pháp lý cũng như thực tế đều không được bảo đảm, chỉ khác nhau đôi chút. Đồng thời, thân phận của luật sư cũng như người dân trong chế độ XHCN (duy vật) có khi còn tệ hại hơn nhiều so với các chế độ độc tài các kiểu từng có trong lịch sử hình thành các chế độ chính trị của loài người trên nền tảng duy thần,duy tâm, như giáo chủ chuyên chế, quân chủ chuyên chế, độc tài phát-xít, độc tài quân phiệt…Thật vậy,

1 - Thân phận luật sư và người dân thường trong chế độ độc tài toàn trị XHCN, quyền an toàn cá nhân về pháp lý cũng như thực tế đều không được bảo đảm, chỉ khác nhau đôi chút.

Chẳng hạn với giới luật sư, nhà cầm quyền Việt Nam thận trọng hơn, chuẩn bị cẩn thận hơn dân thường về mặt pháp lý, cũng như thực tế, mỗi khi muốn trấn áp một luật sư có các hoạt động bất lợi, không phù hợp với chế độ.

Thật vậy, đối với dân thường, nhà cầm quyền có thể bắt bớ, giam cầm, bạo hành dễ dàng, vì nghĩ rằng người dân ít am tường luật pháp hay liệt ý chí phản kháng, luôn lo sợ không giám khiếu nại kêu oan do lâu ngày sống bị áp chế dưới chế độ “công an trị”, nên thường câm lăng chịu đựng, với tâm trạng an phận, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Nhưng với luật sư thì không dễ dàng, nên cần thận trọng chuẩn bị kỹ càng về mặt pháp lý cũng như bạo hành trấn áp trên thực tế.

Về mặt pháp lý, như muốn khởi tố một luật sư nhân quyền được công luận biết đến, như luật sư Trần Vũ Hải (do có nhiều thành tích bào chữa, hỗ trợ pháp lý cho dân oan, thấp cổ bé miệng… để bảo vệ cho các quyền lợi hợp pháp, chính đáng bị nhà cầm quyền xâm hại…) thì nhà cầm quyền phải dàn dựng cẩn thận, có bài bản như là do vi phạm pháp luật là “giúp sức cho người bán đất trốn thuế.”. Thế nhưng khi khám xét chỗ ở và nơi làm việc của Luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải tại Hà Nội, cơ quan điều tra lại thu giữ hồ sơ liên quan đến Blogger Trương Duy Nhất, một nhà bất đồng chính kiến đang được luật sư Trần Vũ Hải nhận bảo vệ pháp lý. Sự thể này đã khiến công luật nghi ngờ việc nhà cầm quyền Việt Nam khởi tố Luật sự Trần Vũ Hải về tội trốn thuế một cách gượng ép, thiếu cơ sở pháp lý, chỉ là sự dàn dựng để có cớ thực hiện ý đồ đàn áp chính trị. Sự nghi ngờ này đã trở thành sự thật, khi mới đây, ngày 11-7 cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an chính thức thông báo từ chối cho phép Luật sư Trần Vũ Hải làm luật sư bào chữa cho nhà báo-blogger Trương Duy Nhất với lý do đang bị khởi tố tội trốn thuế, dù luật sư Hải đã nộp đơn xin biện hộ từ 3 tháng trước không được trả lời.

Như vậy là nhà cầm quyền Việt Nam đã cố tình và có dự mưu thực hiện ý đồ khủng bố, trấn áp một luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải là người từng tham gia bào chữa trong rất nhiều vụ án được xem là “nhạy cảm” ở Việt Nam, như vụ dân oan mất đất ở Văn Giang, vụ Đồng Tâm, Thủ Thiêm, vụ Cù Huy Hà Vũ… và gần đây là vụ cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng. Việc nhà cầm quyền Việt Nam không cho ls. Trần Vũ Hải bào chữa cho nhà bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất, một người đã đào thoát qua Thái Lan xin tỵ nạn chính trị thì bị mật vụ Việt Nam bắt cóc đem về nước xét tội, là hành động bắt cóc một người trên đất nước một quốc gia khác, đã bị công luận lên án là đã vi phạm trắng trợn tư pháp và công pháp quốc tế. Đồng thời, việc tịch thu tài liệu hồ sơ nhiệm cách của luật sư không liên quan đến tối danh bị truy tố, là xâm phạm thô bạo quyền hành nghề của luật sư (bí mật nghề nghiệp).trong tương quan với thân chủ. Công luận bất bình và coi hành động này của nhà cầm quyền Việt Nam có chủ đích khủng bố, đe dọa, ngăn chặn, loại trừ một luật sư có nhiều thành tích bảo vệ pháp lý và nhân quyền cho nhiều người dân oan và các nhà bất đồng chính kiến bị bắt cầm tù bao lâu nay.

Về mặt trấn áp, bạo hành thực tế, như các vụ công an bạo hành người dân thường công khai ngoài đường phố gây thương tích hay đánh đập, tra tấn đến vong mạng trong nhà giam, xảy ra nhiều hơn các vụ việc xẩy ra cho các luật sư. Thực tế, chưa thấy có luật sư nào bị bắt cầm tù, tra tấn đến vong mạng như các thường dân. Nếu có hành hung gây thương tích nặng nhẹ cho một luật sư trên đường phố (như luật sư Võ An Đông và một số luật sư khác trong quá khứ xa gần…) thì công an thường giả dạng thường dân hay dùng côn đồ tấn công bất ngờ gây thương tích cho nạn nhân để nhà cầm quyền dễ phủi tay không chịu trách nhiệm.

2 - Thân phận của luật sư cũng như người dân trong chế độ XHCN (duy vật) có khi còn tệ hại hơn nhiều so với các chế độ độc tài các kiểu có trong lịch sử hình thành các chế độ chính trị của loài người. Vì sao?

Vì chế độ xã hội chủ nghĩa là thể chế chính trị ra đời sau các chế độ độc tài hay hay chuyên chính như: giáo chủ chuyên chính, quân chủ chuyên chính, độc tài phát-xít, độc tài quân phiệt…nên đã tổng hợp được tất cả những tệ hại của các chế độ độc tài này để thành một chế độ “Độc tài toàn trị xã hội chủ nghĩa(hay cộng sản chủ nghĩa).

Vì là chế độ độc tài toàn trị nên chế độ XHCN thể hiện sự cai trị độc đoán, độc tôn, độc quyền trên mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng, văn hóa, giáo dục …Và do đó dẫn đến các hệ quả tệ hại hơn nhiều so với các chế độ độc tài các kiểu hình thành trước nó.

Riêng với giới luật sư, một nghề nghiệp hình thành từ Phương Tây sau cuộc cách mạnh nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789.lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, thiết lập nền cộng hòa Pháp quốc. Theo tiến trình thời gian nghề luật sư hình thành ở nhiều nước có chế độ dân chủ pháp trị, với nguyên tắc tam quyền phận lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp) độc lập nhưng không biệt lập mà tác động qua lại để quân bình quyền lực cai trị, thực thi và bảo vệ các quyền dân chủ, dân sinh, dân quyền. Luật sư trở thành một định chế pháp lý. Theo đó, luật sư đóng vai trò phụ tá công lý làm nhiệm vụ bảo vệ cho các quyền lợi hợp pháp chính đáng cho những công dân nhờ cậy (thân chủ) hay tự nguyện, trước các cơ quan có thẩm quyền (như Tòa án,cơ quan chính quyền, các diễn đàn pháp lý…). Khi thực thi năng quyền này, luật sư chỉ căn cứ và tuân thủ pháp luật, độc lập, không chịu sự chỉ đạo và áp lực của bất cứ thế lực nào. Có lẽ chính vai trò này mà luật sư thường trở thành kẻ thù của các chế độ độc tài, nên không được các nhà cầm quyền trong các chế độ độc tài các kiểu ưa thích.

Chẳng thế mà Đại đế Napoléon Bonaparte của Pháp (1769 1821) đã từng tuyên bố (nhưng không dám làm, vì biết không thể làm được), rằng “nếu ta có thể cắt được hết lưỡi của các tên luật sư (vì dám chống lại ông ta) thì ta cũng sẽ làm ngay”.Vì Năm 1799, Napoléon đã tổ chức một cuộc đảo chính và tự đưa mình trở thành vị Tổng tài thứ nhất; 5 năm sau đó ép Thượng viện Pháp tấn phong ông là Hoàng đế Pháp quốc. Giới luật sư là thành phần chống đối hàng đầu vì Napoléon đã tái lập đế chế quân chủ đã bị cuộc cách mạng 1789 tiêu hủy, trở thành nhà độc tài với câu tuyến bố bất hủ, rằng “Luật là ta, Ta là luật” (Lois, C est moi. Moi, C est la lois”) với ý nghĩa tương tự “Đảng ta là luật, luật là Đảng ta” trong chế độ XHCN Việt Nam.

Tuy nhiên có khác, nếu Napoléon là một nhà độc tài, nhưng trong thời gian là Hoàng đế của người Pháp (1804-1815) Ông đã thực hiện được cuộc cải cách pháp luật theo hướng dân chủ. Bộ luật Napoléon, đã có những ảnh hưởng lớn lên nhiều bộ luật dân sự trên toàn thế giới. Trong khi “Đảng ta” trong chế độ độc tài đảng trị, cai trị toàn cõi đất nước gần nửa Thế Kỷ qua, trước đòi hỏi của nhân dân và xu thế thời đại, vẫn chỉ thực hiện “cải cách luật pháp” một cách chậm chạp, theo hướng cố bảo vệ chế độ độc tài để kéo dài quyền thống trị độc tôn. Tất nhiên, “Đảng ta” cũng không ưa thích gì giới luật sư và nếu có thể bịt miệng, bỏ tù được tất cả những tên luật sư nào dám “thề bảo vệ công lý” cũng là ước muốn khó đạt của “Đảng ta”. Một điều “Đảng ta” hơn hẳn đại đế Napoléon và giống chế độ quân chủ chuyên chế thời vua Louis 16 Pháp quốc bị cuộc cách mạng dân quyền 1789 giật sập. Nghĩa là công an Việt Nam bí mật bắt cóc người chống đối chế độ (như nhà báo Trương Duy Nhất và nhiều nạn nhân khác…), không thông báo cho thân nhân, giống như là “chế độ mật chỉ” của nhà vua Pháp quốc bắt những người chống đối giam vào ngục Bastile, một biểu tưởng của chế độ vương quyền chuyên chế Pháp. Đến khi nhà ngục này bị cách mạng phá bỏ mới hay nhiều người đột nhiên mất tích nhiều năm, nay mới biết bị nhà vua ra “mật chỉ” bắt nhốt vào đây và nhiều người đã chết…

Tựu chung, thân phận của các luật sư cũng như nhân dân trong các chế độ độc tài toàn trị xã hội chủ nghĩa như Việt Nam nhìn chung đều giống nhau về an toàn pháp lý cũng như thực tế, đều mang thân phận như “cá nằm trên thớt”.Có khác chăng, như về pháp lý, muốn khởi tố một luật sư nhân quyền được công luận biết đến, như luật sư Trần Vũ Hải, thì nhà cầm quyền phải dàn dựng cẩn thận, có bài bản như là do vi phạm pháp luật là “giúp sức cho người bán đất trốn thuế.” để che đây ý đồ đàn áp chính trị. Về mặt trấn áp thực tế, như các vụ công an bạo hành người dân thường công khai ngoài đường phố gây thương tích hay đánh đập, tra tấn đến vong mạng trong nhà giam, thì thường xảy ra nhiều hơn cho người dân và chưa có trường hợp nào xẩy ra cho các luật sư.


Thiện Ý
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad