Chiến lược phát triển Việt Nam sẽ khá hơn khi các cựu lãnh đạo góp ý? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Chiến lược phát triển Việt Nam sẽ khá hơn khi các cựu lãnh đạo góp ý?


Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng XIII, vào ngày 26/08/19 tổ chức hội nghị xin ý kiến các cựu lãnh đạo cấp cao đối với Chiến lược 10 năm của Việt Nam


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Vào ngày 26 tháng 8, dưới sự chủ trì của ông Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, một số cựu lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã được mời tham dự hội nghị do Tiểu ban Kinh tế-Xã hội tổ chức nhằm xin ý kiến cho Chiến lược 10 năm và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới của Việt Nam.

Tạo sự đồng thuận hay bất bình?

Các cựu lãnh đạo cấp cao được mời tham dự hội nghị lần này có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nguyên Chủ tịch Quốc hội là ông Nguyễn Văn An và ông Nguyễn Sinh Hùng cùng một số vị lãnh đạo thuộc Bộ Chính trị, Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo cấp thành phố…

Bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên đã từ bỏ đảng, cho RFA biết về nhận định của mình liên quan sự kiện này:

“Theo tôi đấy là một trong những biện pháp mà các nước theo chủ nghĩa cộng sản hay làm. Thứ nhất, họ muốn tranh thủ sự đồng thuận của các cựu lãnh đạo. Thứ hai, kể cả những người thất bại, ví dụ cho rằng ông Dũng thất bại thì đấy cũng là kinh nghiệm thất bại, để tránh những thất bại ấy khỏi lặp lại. Đó cũng là hành động tốt thôi.”

Theo ông Long, ngoài sự đồng thuận thì đây là dịp để các thế hệ trao đổi thông tin và tìm ra cách mà theo họ sẽ tốt hơn để phát huy và tránh những thất bại đáng tiếc xảy ra trong thời gian đến.

Khi Nguyễn Tấn Dũng là người bị tai tiếng quá nhiều về những sai phạm trong điều hành kinh tế xã hội, mà lại mời nhân vật đó góp ý cho việc phát triển kinh tế xã hội, thì điều này là cực kỳ phản cảm và không tương ứng một chút nào cả.

-TS Phạm Chí Dũng
Trao đổi với RFA hôm 28/8, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết hội nghị lấy ý kiến này không phải năm nay mới tổ chức:

“Trước khi tổ chức Đại hội đảng toàn quốc, hay những vấn đề trọng đại của đất nước, thì trung ương cũng như chính phủ thường tổ chức, để lấy ý kiến cán bộ lão thành, những người nguyên là lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước, để chính quyền đương chức có thêm kênh thông tin, có thêm bài học, để từ đó điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế đất nước cho chính xác và phù hợp.”

Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến hôm 26/8/2019, ông Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, mặc dù Việt Nam đạt được nhiều thành quả phát triển trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến của các tổ chức thế giới cho rằng Việt Nam còn bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, cả về thu nhập, mức sống, trình độ khoa học công nghệ, sản xuất và năng lực cạnh tranh qua nhận xét rằng Việt Nam “chưa giàu đã già”.

Vì sao ông Thủ tướng nhìn thấy đất nước đang bị tụt hậu, thất bại về trình độ khoa học, năng lực cạnh tranh, lại không mời các chuyên gia đầu ngành phân tích mà lại mời các cựu lãnh đạo, trong đó có những người bị dư luận cho rằng có nhiều sai phạm trong thời gian tại chức, gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội? Trả lời RFA hôm 27/8 liên quan câu hỏi này, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cho biết như sau:

“Chưa có kết luận thanh tra, kết luận điều tra, thì chưa thể gọi là sai phạm mặc dù dân tình đều biết cả và dư luận bàn tán rất nhiều. Nhưng thật ra, không chỉ Nguyễn Xuân Phúc mà những quan chức khác, thường mời những nhân vật như thế, đặc biệt là ông Nguyễn Tấn Dũng. Chuyện này cũng bình thường trong nội bô Đảng cộng sản Việt Nam. Chỉ có điều phản cảm rất lớn là khi Nguyễn Tấn Dũng là người bị tai tiếng quá nhiều về những sai phạm trong điều hành kinh tế xã hội, mà lại mời nhân vật đó góp ý cho việc phát triển kinh tế xã hội, thì điều này là cực kỳ phản cảm và không tương ứng một chút nào cả.”

Vào ngày 26 tháng 8, dưới sự chủ trì của ông Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, một số cựu lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã được mời tham dự hội nghị do Tiểu ban Kinh tế-Xã hội tổ chức nhằm xin ý kiến cho Chiến lược 10 năm và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới của Việt Nam. Courtesy chinhphu.vn

Còn theo Bác sĩ Đinh Đức Long thì chắc chắn người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đều biết hết mọi sai phạm của một số cựu lãnh đạo, nhưng không muốn công khai phanh phui trong thời điểm này. Việt Nam thì không có công khai minh bạch, không giám sát quyền lực. Nhưng theo ông, chắc chắn họ có rút kinh nghiệm, quy trách nhiệm… sai phạm nào của ai.

Ngoài phân tích nêu trên, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn cho rằng, thực ra Chính phủ nên mời các chuyên gia đầu ngành, không chỉ chuyên gia thân Chính phủ, mà phải mời cả những chuyên gia phản biện độc lập, những người nói trái ý mình, lãnh đạo cũng nên tiếp thu. Còn chuyện mời cựu quan chức cấp cao góp ý kiến thì chỉ nên coi là nguồn tham khảo chứ không nên mang tính quyết định.

Chuẩn bị cho kế hoạch cuối năm

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS ở Hà Nội đã tự giải thể, nhận định:

Ngoài ý kiến của các ông cựu ấy ra thì cần phải nghe thêm ý kiến của các giới khác nữa, không nhất thiết là chuyên gia, nghe dư luận của người dân như thế nào thì cũng cần phải nghe.

-TS Nguyễn Quang A
“Tôi nghĩ đây là truyền thống của người ta, cho các ông cựu đấy cảm thấy là rất được tôn trọng, để các ông ấy khỏi tự diễn biến, tự chuyển hóa thành hư hỏng. Theo tôi việc tham khảo ý kiến các ông cựu như thế cũng là tốt chứ không phải là dở, nhưng ngoài ý kiến của các ông cựu ấy ra thì cần phải nghe thêm ý kiến của các giới khác nữa. Theo tôi, không nhất thiết là chuyên gia, nghe dư luận của người dân như thế nào thì cũng cần phải nghe.”

Thực tế, giới lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam có muốn nghe những ý kiến phản biện thẳng thắn hay không, đó lại là vấn đề khác? Theo một số chuyên gia, điều này ở Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo trực tiếp lắng nghe, cầu thị và muốn có quan hệ giao tiếp với các chuyên gia, các nhà tư vấn, thì người lãnh đạo đó có thể tổ chức và có thể đối thoại một cách rất dân chủ và rất thẳng thắn với các giới trí thức, chuyên gia.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Việt Nam có chấp nhận các tư tưởng canh tân, đổi mới không? Có vùng cấm hay không? Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội khi trả lời báo chí cho rằng, theo những gì bà quan sát thì trên bề mặt nổi có lẽ không có vùng cấm, vùng hạn chế, nhạy cảm nào cả.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam tổ chức hội nghị mời một số các cựu lãnh đạo cấp cao, ngoài mặt là để xin ý kiến đối với Chiến lược kinh tế xã hội 10 năm tới nhưng phía sau đó là sự chuẩn bị của giới lãnh đạo Chính phủ cho Hội nghị Trung ương 11 cuối năm 2019. Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định:

“Chuẩn bị sắp tới Hội nghị Trung ương 11 cuối năm 2019, là hội nghị theo tôi biết là phải đưa ra danh sách đầu tiên, sơ bộ, về các ủy viên bộ chính trị tương lai cho Đại hội XIII, cho nên nhiều khả năng, từ nay cho đến cuối năm sẽ là đấu đá nhau tơi bời. Gần đây đã thấy chuyện người này đá người kia, người kia kháy người nọ… nhưng chuyện Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng nói trống không ‘đi cơ sở mà một đoàn xe dài dằng dặc là rất phản cảm’; hay tự nhiên nổ ra chuyện bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đeo đồng hồ hơn nửa tỷ đồng, và những câu chuyện liên quan các nhân vật khác trong bộ chính trị.”

Cho nên Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng, cũng có thể cuộc gặp các cựu quan chức chỉ nhằm mục đích kêu gọi sự ủng hộ của các cựu quan chức đối với các nhân vật đương chức để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 11.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad