Sự kiện kể trên quả thật hy hữu, cho nên nó được bình phẩm và quan tâm khá nhiều trên dư luận Việt Nam sáng hôm qua. Thế nhưng bản chất sự việc đó lại chẳng hiếm có một tí nào, vì bao lâu nay các núi rác tương tự vẫn chung sống với người dân. Thậm chí ngay dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội), là vùng trung tâm nhưng vẫn sừng sững một núi rác lâu năm.
Núi rác đổ ra cánh đồng hoa và suối Cam Ly rồi sẽ được người dân dọn dẹp để còn lấy lại mảnh đất tiếp tục trồng trọt mưu sinh. Nhưng trong hiện tại và tương lai, những núi rác Cam Ly, Long Biên khác vẫn sẽ tiếp tục mọc lên và tiếp tục đổ sập.
Vì sao?
Đó chính là câu chuyện tôi muốn nói.
Vì sao lắm rác?
Quý vị hãy nhìn kỹ lớp rác trong các tấm ảnh trên.
Quý vị thấy gì không? Gọi là rác, nhưng chủ yếu là nilon, của các túi nilon siêu mỏng dùng một lần.
Dân Việt Nam bây giờ gần như không thể sống thiếu túi nilon loại này. Ngày trước mẹ tôi đi chợ luôn xách theo cái giỏ nhựa để đựng thực phẩm. Rau bó bằng sợi lạt. Thịt cá gói trong túi giấy hoặc miếng lá chuối, lá sen. Muốn ăn đậu phụ hay bún thì mang theo rá, hay hộp đựng.
Thế rồi từ độ hai chục năm nay hình ảnh người phụ nữ xách giỏ đi chợ thưa dần rồi gần như không còn. Sáng ra người nội trợ chỉ việc hai tay không đi lơn tơn ra chợ. Giỏ làm gì nữa, vì mua bất cứ cái gì, rau quả cá thịt, thậm chí một vốc ớt thì người bán cũng rút xoẹt một cái túi nilon siêu mỏng nhét vào. Nếu mua cá tươi thì ngoài cái túi đựng cá lại bọc thêm một cái túi nữa, cho sạch tay. Cho nên mua xong một buổi chợ thì trên tay lỉnh kỉnh phải hàng chục cái túi.
Từ chợ về đến nhà, cởi ra cái xoẹt, hàng chục túi nilon sống ngắn ngủi chỉ khoảng một tiếng đồng hồ là cùng, lại vứt toẹt vào thùng rác.
Với những món thức ăn giao đến tận nơi, rác nhựa còn nhiềuhơn. Món phở giao đến cho một người ăn thường phải có đến 9 cái túi. Gồm một túi đựng bánh phở, một túi đựng nước dùng, một túi đựng rau giá, một túi đựng chanh ớt, một túi đựng tương đen, một túi đựng tương đỏ, một túi đựng nước mắm, một túi đựng đôi đũa dùng một lần, một cái thìa nhựa và một cái túi to nhất đựng tất cả các túi ấy.
Dân ta còn mua các thức uống dọc đường đi làm, đi chơi. Một ly cà phê nhựa gồm một cái ly, một cái nắp, một ống hút nhựa và một quai xách bằng nhựa nốt. Một người làm văn phòng, ăn bữa trưa ở nơi làm việc, uống hai ly cà phê thì một ngày sẽ thải ra khoảng 20 món đồ bằng nhựa, chủ yếu là túi nilon siêu mỏng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thống kê mỗi gia đình Việt Nam dùng khoảng 5-7 cái túi nilon một ngày. Riêng TP HCM và Hà Nội thải ra môi trường mỗi ngày khoảng 80 tấn rác nhựa và túi nilon.
Việc lạm dụng rác nhựa túi nilon cũng đáng nói. Nhưng đáng nói hơn là quá trình diễn ra sau khi cởi cái túi ấy.
Ba giây sau khi cởi, cái túi lao vào thùng rác
Nhưng Việt Nam lại không phân loại rác. Dù được kêu gọi, phát thùng phân loại và mưc độ phân loại mới chỉ dừng ở mức tối thiểu là để riêng chất thải hữu cơ và “chất thải còn lại” (bao gồm tất tật nilon, giấy, thủy tinh, gỗ, vải, sắt vụn loại nhỏ… v.v), thì dân ta vẫn chưa thèm phân loại. Hoặc cực cực cực ít, như muối bỏ biển.
Là vì, phân loại để làm gì? Phân cho lắm thì đến chiều công nhân vệ sinh cũng trút xoẹt hai thùng rác vào nhau, đổ lên xe chở đi. Tốn công tốn sức, vô ích.
Rồi, ngay cả những người thường xuyên phân loại rác cũng không làm đúng cách thức. Như cái túi đựng phở bò nhé, dính đầy dầu mỡ và cặn vụn của thức ăn. Lẽ ra phải rửa sạch túi trước khi vứt vào thùng phân loại, thì chả ai làm chuyện ấy. Mỡ bò khó rửa bỏ xừ, lại còn đông quánh lại, rửa bao nhiêu lần mới gọi là tạm sạch? Thôi vứt quách cho khỏe.
Thế là thành ông chẳng bà chuộc, làm mãi vẫn chẳng đạt được kết quả nào. Vì mục đích của việc phân loại rác thải đâu có phải chỉ là bảo vệ môi trường.
Ai nghiên cứu đôi chút về rác nhựa đều biết câu slogan thần chú của những ngành nghề liên quan đến rác: “Rác không phải đồ bỏ. RÁC LÀ TIỀN”. Rác hữu cơ là nguồn cung cấp nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ. Rác nhựa là nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành tái chế. Vỏ hộp sữa giấy tái chế thành tấm lợp sinh thái, nhôm, giấy… Thế nhưng muốn rác thành tiền thì trước đó chúng phải được làm sạch tương đối, không dính dầu mỡ và các chất hữu cơ để máy móc có thể tiếp tục rửa sạch và tái chế. Rác hữu cơ cũng phải không lẫn nhựa vào thì mới xay, ủ, lên men… thành phân compost đi bón cây được chứ.
Cơ mà phân loại rác theo cái kiểu dân Việt Nam nội địa chúng mình như vừa kể ở trên thì nhà máy tái chế khóc thét. Vứt luôn cho xong, chứ tiền đâu thuê người lọc ra hàng tỷ cái túi nilon hay mảnh nhựa lẫn trong hàng núi xương cá, đầu gà, rau úa, cả cứt chó cứt mèo, tã lót đầy phân trẻ con… đang rữa nát? Thôi thôi mặc kệ bọn keo kiệt thế giới tìm cách vắt tiền từ rác, với Việt Nam rừng vàng biển bạc nhà mình, rác chỉ là rác thôi. Là đồ bỏ!
Tái chế không được. Đốt cũng chẳng xong vì tỷ lệ hỗn tạp và độ ẩm đều cao (theo tiến sĩ Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam). Thế thì chỉ còn mỗi cách chôn lấp.
80% số bãi chôn lộ thiên, không xử lý nước rỉ, không phun khử mùi
Tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam là 85% tổng lượng rác.
Theo con số được Bộ Tài nguyên va Môi trường đưa ra vào cuối tháng 7/2019, ngoài các cơ sở xử lý rác tập trung, Việt Nam đang có 660 bãi chôn lấp rác sinh hoạt quy mô trên 1 ha. Mỗi ngày các bãi này tiếp nhận gần 53.000 tấn rác. Nhưng có đến 80% số bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, tức chôn lộ thiên, không có máy đầm nén, thu gom khí, xử lý nước rỉ rác, không phun hóa chất khử mùi, không có hệ thống quan trắc môi trường và kém cả về quản lý.
Tổng diện tích các bãi chôn lấp rác sinh hoạt của cả nước (chưa kể các bãi chôn lấp nhỏ rải rác ở các xã) chiếm diện tích khoảng 5.000 ha, tức 50 km2, rộng hơn toàn bộ các quận 1, 3, 5, 10, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh cộng lại.
Và đấy là vấn đề. Mặc kệ các đoàn công tác của chính phủ đi học giải pháp xử lý rác hết nước nọ đến nước kia, mặc kệ các nhà khoa học vỡ đầu nghĩ ra hết biện pháp xử lý rác mang tính công nghệ cao nọ công nghệ cao kia, mặc kệ các chính sách hò hét kêu gào từ trung ương đến địa phương, thì cái lỗ chân trâu khiến con voi chết đuối lại đang nằm ở cái khâu nhỏ nhặt đầu tiên là phân loại rác.
Với lượng rác thải ra ngày càng lớn và vẫn tiếp tục không được phân loại thì các bãi chôn lấp vẫn sẽ tiếp tục mọc lên. Cùng với mức độ gia tăng dân cư và để giảm chi phí vận chuyển, các bãi chôn lấp rác sẽ ngày càng gần khu dân cư, rồi sẽ tiến đến sát sàn sạt ngay cạnh nách.
Cứ nhìn bãi Đa Phước ở TP HCM thì biết. Bãi Đa Phước có công suất thiết kế xử lý 10.000 tấn rác/ngày (tức toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của TP HCM), nằm cách khu đô thị Phú Mỹ Hưng khoảng 15 km đường chim chạy. Đường chim bay thì chỉ năm bảy km.
Thế cho nên đừng ngạc nhiên ba cái vụ tai họa như núi rác Cam Ly trào xuống cánh đồng của người dân Đà Lạt làm gì. Nay mai thôi rác sẽ sập luôn xuống phòng ngủ của chúng ta ấy mà.
Con số được ngành chức năng đưa ra vào tháng 6/2019 cho biết hàng ngày TP HCM thải ra 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, tuyệt đại đa số là rác hỗn hợp. Trong đó rác thải nhựa chiếm 20% (1.800 tấn). Chỉ 11% lượng rác thải nhựa được thu hồi, tái chế (200 tấn). Tính chung trên tổng lượng rác thải sinh hoạt thì chỉ có 2% được tái chế.
Con số này, ở các nước đứng đầu về tái chế rác như sau: Bỉ tái chế trên 80%, Thụy Điển tái chế 99% toàn bộ lượng rác thải; Na Uy tái chế trên 97% lượng chai nhựa; Đức đặt kế hoạch đến 2020 (sang năm) xóa bỏ toàn bộ 300 bãi chôn lấp rác hiện có, đồng thời tái chế toàn bộ lượng rác thải và biến rác thải thành năng lượng (nguồn: Moitruong.com.vn).
Tre
Blog RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét