Tăng giá dịch vụ y tế để phục vụ người có tiền? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

Tăng giá dịch vụ y tế để phục vụ người có tiền?


Bệnh nhân sốt xuất huyết tại một bệnh viện tại hà Nội hôm 9/8/2017.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Tăng giá dịch vụ y tế để người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh, là lời vụ trưởng Vụ Kế Hoạch Tài Chính Bộ Y Tế Nguyễn Nam Liên, được báo trong nước trích dẫn hôm 12/8 vừa qua.

Tăng giá hay tăng chất lượng chữa bệnh?

Ông vụ trưởng Vụ Kế Hoạch Tài Chính của Bộ Y Tế giải thích như vậy khi đề cập đến việc ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng giá đich vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bênh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.

Vẫn theo giải thích của ông Nguyễn Nam Liên, được báo chí tường thuật lại, thì việc tăng giá dịch vụ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng mở và đóng ngoặc kép là “có điều kiện”, rằng nếu các bệnh viện trong nước không đáp ứng được nhu cầu của nhóm bệnh nhân “có điều kiện này” thì đa số họ sẽ ra nước ngoài để khám chữa bệnh.

Đây là những đối tượng khác với những người được hưởng bảo hiểm y tế, ông Nguyễn Nam Liên giải thích tiếp, có nghĩa họ là những người mong muốn được sử dụng dịch vụ cao hơn tại các bệnh viện như chỗ ăn, chỗ tiếp khách, hộ lý trực 24/24.

Người giàu có điều kiện đi nước ngoài chứ người nghèo làm sao đi được. Nếu tăng giá dịch vụ y tế thì người nghèo tiền đâu mà chịu nổi.

-Người dân
Chính vì thế, ông Nguyễn Nam Liên nói, thông tư mà Bộ Y Tế sắp ban hành sẽ là cơ sở để các bệnh viện đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng người bệnh này. Ông còn khẳng định nguyên văn rằng “Đây là tâm tư tình cảm của người Việt”.

Dư luận nói sao về thông tin tăng giá dịch vụ y tế để người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh mà quan chức Bộ Y Tế giải thích như vừa nêu?

Từ Sài Gòn, ông Duy, có người nhà đang chữa trị trong bệnh viện Thống Nhất, cho biết đúng là nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất lớn nhưng không thể vin vào cớ đó để tăng giá dịch vụ y tế trong lúc hãy còn quá nhiều thiếu thốn, tiêu cực và khó khăn tại khắp các bệnh viện công trên cả nước:

Nói tăng giá dịch vụ y tế để người bệnh khỏi đi nước ngoài như thế là không đúng đâu. Người giàu có điều kiện đi nước ngoài chứ người nghèo làm sao đi được. Nếu tăng giá dịch vụ y tế thì người nghèo tiền đâu mà chịu nổi.

Ảnh minh họa: Bệnh nhân nhi tại một bệnh viện ở Hà Nội. AFP
Bà Hạnh, một cư dân Hà Nội cho rằng, tăng giá dịch vụ y tế để đáp ứng như cầu của người bệnh có điều kiện là một ý tưởng ngớ ngẩn, không thực tế nếu không muốn nói là quan liêu, và ai dám bảo đảm là bệnh viện chỉ áp dụng thang giá dịch vụ cao này cho người có tiền không thôi. Lại nữa, không lẽ chỉ người giàu mới có quyền yêu cầu dịch vụ khám chữa bệnh cao cấp còn người ít tiền thì không có quyền đó:

Thay vì nói tăng chất lượng để người dân không phải ra nước ngoài thì ông ấy lại nói là tăng giá. Nếu đúng tăng giá thì người dân chỉ có chết ở nhà thôi. Có lẽ một vạn người mắc bệnh may ra mới có một người ra nước ngoài. Đấy là những người giàu có hoặc những quan chức, mà quan chức hay người giàu có ở Việt Nam đếm được trên đầu ngón tay, dân thường mà bệnh thì cứ tiếp tục bị bóc lột.

Nên nâng cấp BHYT cho dân

Theo như ông Nguyễn Nam Liên cho biết thì mỗi năm Việt Nam có từ 50.000 đến 100.000 người ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí 2 tỷ USD, vì thế nếu có cơ chế để giữ lại một nữa những bệnh nhân này thì mỗi năm ngành y tế có thể thu được hai ba chục ngàn tỷ đồng.

Thông Tư Hướng Dẫn cho thấy giá dịch vụ giường nằm nội trú tại bệnh viện theo yêu cầu là một phòng đặc biệt với một giường giá tối đa 4 triệu VND một ngày.

Đối với các loại phòng có từ 2 đến 4 giường thì mức gía lên xuống từ 1 triệu 300 ngàn đồng đến 2 triệu 500 ngàn đồng một ngày.

Tại sao mình không tính đến việc hỗ trợ cho người nghèo để họ có được bảo hiểm y tế tốt hơn mà lại tính việc tăng phí dịch vụ để đảm bảo cho người có tiền có dịch vụ tốt hơn. Điều đó không nhân văn một tí nào cả.

-Ông Đặng Ngọc Sơn
Nguyên nhân của mọi phản ứng hay suy nghĩ của dư luận đều bắt nguồn từ chữ dịch vụ mà viên chức Bộ Y Tế Nguyễn Nam Liên sử dụng trong trường hợp này, là ý kiến của ông Đăng, nhân viên y tế kỳ cựu tại một bệnh viện lớn ở Sài Gòn.

Theo ông Đăng thì trước giờ người Việt Nam, không cứ ngành y tế mà tất cả những lãnh vực khác, vẫn thường nghĩ nói tới dịch vụ là nói tới những chi phí bắt buộc thêm thắt vào nếu không muốn công việc bị đình trệ. Trong trường hợp này, ông phân tích:

Ngày xưa, buổi ban đầu của chương trình này người ta gọi là khám ngoài giờ, tức là Nhà Nước cho phép nệnh viện được mở ra dịch vụ khám ngoài giờ. Sau giờ làm việc có những người có nhu cầu khám bệnh thì các bệnh viện được quyền mở ra giống như một phòng khám tư nhân. Người bệnh sẽ được khám ở khu ngoài giờ mà theo tôi người ta dùng là dịch vụ.

Còn cái dịch vụ bây giờ là trong giờ chứ không phải ngoài giờ, thí dụ bệnh viện công như Thông Tư vừa rồi là người ta phân biệt người yêu cầu được nằm giường cao cấp, ăn uống cao cấp, phòng sạch, toa lét sạch… thì nhà thương sẽ sắp xếp để người này được nằm ở nơi mà bệnh viện đó ráng làm đẹp làm sạch như ở nước ngoài.

Đó là vì làm việc trong ngành y tế nên ông Đăng biết rõ, ông nói tiếp, nhưng lời giải thích rất chung chung, không rõ ràng của ông Nguyễn Nam Liên rất dễ làm bệnh nhân hiểu lầm:

Cái giá đó mà người nghèo không biết là giá dịch vụ, tức là cứ ấm ớ đi vô và không có ai giải thích cho rõ mà gật đầu một cái là chết tiền. Cần một sự giải thích rõ ràng có thật sự là anh chị muốn được phục vụ theo kiểu dịch vụ không. Phải cho rõ ràng không thì nhiều người dở khóc dở cười.

Về lời tuyên bố tăng giá dịch vụ y tế để người dân không phải đi nước ngoài khám chữa bệnh là “tâm tư tình cảm của người Việt” được vụ trưởng Vụ Kế Hoạch Tài Chính, Bộ Y Tế, ông Nguyễn Nam Liên đưa ra với báo chí, nhà hoạt động xã hội Đặng Ngọc Sơn ở Hà Nội phát biểu:

Nhu cầu của người dân Việt Nam là muốn được hưởng một chế đô y tế tốt hơn. Nếu được hưởng một chế độ y tế tốt hơn kể cả tăng giá dịch vụ thì cũng không sao, nhưng nói đó là tâm tư tình cảm của người dân Việt Nam là nói không hết vế.

Đa phần người Việt Nam trung bình và lợi tức thấp vẫn phụ thuộc vào bảo hiểm y tế, làm sao họ có thể tìm được đến những dịch vụ công tốt hơn. Có rất nhiều người nghèo cần được sự hỗ trợ hơn thì bản thân Bộ Y Tế không làm được điều đó. Tại sao mình không tính đến việc hỗ trợ cho người nghèo để họ có được bảo hiểm y tế tốt hơn mà lại tính việc tăng phí dịch vụ để đảm bảo cho người có tiền có dịch vụ tốt hơn. Điều đó không nhân văn một tí nào cả.

Được biết Thông Tư Hướng Dẫn giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp sẽ được áp dụng trên toàn quốc từ ngày 1/10/ 2019.


Thanh Trúc
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad