Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Anh nói họ đang "yêu cầu thêm thông tin từ giới chức Quảng Đông và giới chức Hong Kong."
Sứ quán Anh tại Bắc Kinh đang hỗ trợ gia đình ông Cheng.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh nói: "Chúng tôi lo ngại trước tin một nhân viên của chúng tôi đã bị giữ khi trên đường trở về Hong Kong từ Thâm Quyến."
Trang tin địa phương HKFP đưa tin ông Cheng là một nhân viên chuyên về thương mại và đầu tư trong bộ phận Phát triển Quốc tế Scotland thuộc lãnh sự quán Anh. Trang này nói ông đã tới dự một sự kiện kinh doanh ở Thâm Quyến vào ngày 8/8 qua cửa kiểm soát xuất nhập cảnh Lo Wu.
Bạn gái ông Cheng nói với trang tin HK01 ông đã có kế hoạch về nhà bằng tàu hỏa trong cùng ngày, nhưng đã không trở về.
Nhiều du khách kể về các biện pháp an ninh tăng cường tại biên giới Hong Kong - Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách dập các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong, mà Bắc Kinh gọi là "gần như khủng bố".
Những người đi lại qua biên giới trong thời gian gần đây thuật lại rằng bất kỳ ai đi qua biên giới từ Hong Kong vào Trung Quốc lục địa đều phải đi qua kiểm tra của cảnh sát phía lục địa. Cảnh sát kiểm tra điện thoại của mọi người và xem xét kỹ ảnh và video trong máy họ.
"Cô Chan" đi từ Hong Kong qua Trung Quốc đại lục vì mục đích kinh doanh. Cô kể với BBC cô bị ép xóa ảnh trong điện thoại tại biên giới trong một chuyến đi gần đây. Cảnh sát tiến hành kiểm tra bất ngờ và yêu cầu cô nộp điện thoại, trong đó có một số cuộc chuyện trò của cô với bạn bè về các cuộc biểu tình trên ứng dụng Whatsapp.
"Tôi rất sợ họ kiểm tra điện thoại của tôi, nên tôi đưa cho họ cái điện thoại cũ. Tôi nghĩ là tôi đã xóa hết tất cả các tấm ảnh biểu tình, nhưng họ cũng tìm cả các biểu ngữ và tin tức có liên quan đến biểu tình.
"Sau khi họ thấy những thứ đó trong phone của tôi, vị cảnh sát đó lập tức gọi các nhân viên mặc đồng phục khác tới. Họ dẫn tôi vào một phòng khác, và hỏi về lý lịch của tôi, công việc của tôi, liệu tôi đã tham gia biểu tình chưa. Các cảnh sát khác cũng xem rất kỹ album ảnh trong phone của tôi để xem tôi có bao nhiêu bức ảnh liên quan đến biểu tình.
"Tôi đã xóa một số ảnh biểu tình trong iPhone, nhưng tôi không biết chúng vẫn nằm trong folder "mới xóa gần đây". Cảnh sát cũng kiểm tra folder đó. Anh ta phát hiện ra tôi có khoảng 100 bức ảnh và yêu cầu tôi xóa hết.
"Quan sát của tôi là cứ ba người thì họ kiểm tra hai người. Tình hình khá căng thẳng. Bạn tôi bây giờ chẳng có ai muốn đi Trung Quốc lục địa nữa."
Biểu tình ở Hong Kong, nay đã bước sang tháng thứ ba, được châm ngòi từ dự luật dẫn độ mà giờ đây đã bị hoãn.
Các cuộc biểu tình nay đã phát triển thành một phong trào rộng hơn kêu gọi cải cách dân chủ ở Hong Kong, và một cuộc điều tra về cáo buộc cảnh sát đàn áp dã man người biểu tình.
Những người tổ chức nói 1,7 triệu người tham gia xuống đường ủng hộ dân chủ ở trung tâm Hong Kong hôm Chủ Nhật.
Cảnh sát nói con số người biểu tình chỉ là 128,000 - chỉ tính những ai chính thức đăng ký ở Công viên Victoria trong thành phố.
Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam cho biết hôm thứ Ba rằng bà hy vọng cuộc biểu tình chống chính phủ ôn hòa cuối tuần qua là khởi đầu cho nỗ lực khôi phục hòa bình và cuộc đối thoại với những người biểu tình ôn hòa sẽ tìm thấy 'lối ra' cho tinh trạng hiện nay của thành phố này.
"Tôi hy vọng rằng đây là khởi đầu của quá trình đem bình yên trở lại xã hội và thoát khỏi bạo lực," bà Lam nói.
Bà hứa hẹn "sẽ ngay lập tức bắt đầu công việc tạo mở ra cuộc đối thoại" giữa chính phủ Hong Kong và người biểu tình, nhưng không nói rõ cuộc đối thoại sẽ diễn ra theo hình thức nào.
"Cuộc đối thoại này, tôi hy vọng, sẽ dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau và tìm ra lối thoát cho Hong Kong hiện nay."
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét