Sau hơn hai tháng biểu tình và xung đột với lực lượng cảnh sát dùng dùi cui và hơi cay, dân biểu tình đã khiến phi trường phải đóng cửa suốt ngày Thứ Hai. Đây là lần đầu tiên một phi trường thuộc lãnh thổ Trung Quốc phải đóng cửa, vì dân Hồng Kông tỏ thái độ phản đối hành động của cảnh sát tại sân ga xe lửa ngày Chủ Nhật. Họ tiếp tục chống cự cảnh sát trong ngày Thứ Ba với những chai nước bằng plastic.
Nhiều người đã lo lắng chính quyền Cộng Sản Trung Quốc sẽ mạnh tay. Quân đội Trung Cộng đồn trú còn bất động nhưng đã thị uy, tuyên bố có thể can thiệp ngay sau ngày 21 Tháng Bảy khi dân biểu tình ném bùn vào huy hiệu nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ở trụ sở. Họ còn cho chiếu video cảnh lính tráng đàn áp một đám người đóng trò biểu tình.
Ngày Thứ Hai khi phi trường tê liệt, quân lính Trung Cộng kéo đến sát biên giới giữa Hồng Kông và Thẩm Quyến. Thế Giới Thời Báo, thuộc đảng Cộng Sản, ở Bắc Kinh đã gọi những người Hồng Kông biểu tình là bọn “tạo loạn” và nói rằng họ đang “tự hủy” vì “chơi với lửa,” đe dọa sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Một phóng viên tạp chí này bị nhận diện khi dân biểu tình hỏi giấy tờ; rồi trói anh ta lại với hành lý bằng băng nhựa, ngăn cản không cho ai đánh anh ta, khoác vào anh chiếc áo T-shirt với hàng chữ “Tôi yêu cảnh sát Hồng Kông;” cho đến khi anh được cảnh sát giải cứu.
Cuối cùng chỉ có hai cảnh sát viên bị thương và năm người biểu tình bị bắt. Các chuyến bay đã bắt đầu trở lại sáng ngày Thứ Tư.
Bài học cho dân chúng trong lục địa là: Không cần sợ hãi. Hồng Kông không thể biến thành một Thiên An Môn!
Lý do, không phải vì vai trò kinh tế của lãnh thổ với dân số chỉ bằng một nửa thủ đô Trung Quốc. Trước năm 1997, kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào cảng Hồng Kông hơn. Khi người Anh trao trả lãnh thổ cho Trung Cộng, Hồng Kông lớn hơn 15% kinh tế Trung Hoa lục địa. Sau hơn 20 năm, bây giờ GDP Hương Cảng chỉ bằng 3% của lục địa. Số thùng hàng (container) từ lục địa đi qua Hồng Kông ra nước ngoài cũng giảm, từ gần 150,000 mỗi năm xuống chỉ còn vài chục ngàn, vì các hải cảng của Trung Cộng đã phát triển.
Chỉ trong trong hai lãnh vực Trung Cộng vẫn chưa thể thay thế Hồng Kông: Giao thương tiếp liệu chiếm 22% và tài chánh chiếm 19% so với cả nước Trung Hoa.
Tại sao Trung Cộng không thể đánh phủ đầu, đưa “quân giải phóng” vào trấn áp dân Hồng Kông như họ đã hành động ở Thiên An Môn, ngăn không cho phi trường bị đóng cửa?
Thứ nhất, bởi vì dân chúng ở Hồng Kông đồng tâm nhất trí phản kháng. Khi các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ bắt đầu, đã có hơn hai triệu người dân Hồng Kông xuống đường. Khi phát động đình công, bãi khóa ngày 5 Tháng Tám làm tê liệt cả hệ thống xe lửa, xe hàng và phi trường, hơn 350,000 người đã hưởng ứng. Chủ nhân các xí nghiệp và cửa hàng không ngăn cản mà còn khuyến khích công nhân tham dự đình công. Hàng chục ngàn công chức cũng đình công mặc dù bị cảnh cáo; nói rằng họ là đầy tớ của nhân dân chứ không làm tay sai cho chính quyền. Năm 1989 dân Bắc Kinh chưa “giác ngộ” đến mức đó.
Hơn nữa, ở Bắc Kinh và khắp nước Tàu, Trung Cộng đã thiết lập được một hệ thống kiểm soát người dân rất chặt chẽ trong hơn 70 năm qua, với chế độ hộ khẩu, với công an khu vực gài khắp nơi, và các tiểu tổ đảng viên Cộng Sản nằm trong tất cả các xí nghiệp, các trường học, không chừa một chỗ nào. Guồng máy công an Cộng Sản có thể điểm mặt từng người dân chỉ rõ lý lịch đầy đủ, suốt đời. Với guồng máy đó dân trong lục địa chỉ cần sợ cũng tự khiến họ bất động, tê liệt. Sau khi Đặng Tiểu Bình ra lệnh giết hàng ngàn sinh viên và công nhân, dân Bắc Kinh không dám cục cựa. Dân Hồng Kông may mắn chưa bị kiểm soát kỹ như vậy.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất khiến Trung Cộng không thể ban lệnh “giới nghiêm” để ra tay tàn sát người dân Hồng Kông như ở Thiên An Môn năm 1989 là vì họ lo sợ hậu quả trên chính nền kinh tế đang trên đà trì trệ.
Hồng Kông vẫn còn đóng vai then chốt làm cửa ngõ cho đồng đô la từ nước ngoài đi vào nước Tàu. Đây là nơi các xí nghiệp trong lục địa tới để gây vốn, bằng đô la Mỹ. Nếu máu chảy, đồng đô la sẽ ngưng chảy.
Trong hai chục năm qua, kể từ khi trở về với “nước tổ” dưới quy chế “nhất quốc lưỡng chế,” số tiền các công ty Trung Quốc vay nợ nước ngoài qua ngả Hồng Kông đã tăng lên hơn gấp đôi. Thị trường chứng khoán Hồng Kông đứng hàng thứ tư trên thế giới, còn thua Tokyo nhưng đã qua mặt London. Hơn 70% số vốn gây được qua thị trường này cung cấp cho các công ty trong lục địa; trong đó có những xí nghiệp khổng lồ như Tencent, Xiaomi, Meituan. Các công ty này đã chọn ghi tên trên thị trường “Hằng Thịnh” mà không chọn các thị trường trong nước Trung Hoa.
Thêm một yếu tố khác: Các công ty nước ngoài đầu tư vào lục địa cũng lựa chọn, 60% tiền vốn đi qua ngả Hồng Kông trong nhiều năm qua. Nhiều công ty đa quốc (multinational) chọn Hồng Kông đặt trụ sở điều động các hoạt động trong vùng Á Đông. Từ năm 1997 đến nay số trụ sở tăng thêm hai phần ba, lên tới 1,500 công ty.
Tại sao đồng đô la lại chọn Hồng Kông làm xa lộ đi vào Trung Quốc?
Rất giản dị, vì ở đó còn một hệ thống pháp luật đáng tin cậy. Các quan tòa độc lập với chính quyền, ngay cả cảnh sát cũng làm việc theo luật lệ, các công chức không coi dân như tôi tớ trong nhà! Biến Hồng Kông thành Thiên An Môn, cả nền tảng lòng tin đó sẽ tan biến.
Hiện nay Hồng Kông đã đang bị đe dọa sẽ bị Singapore “cướp khách.” Những công ty lớn như Google, Amazon, Facebook chọn đặt trụ sở vùng ở Singapore, một phần vì mối lo “tin tặc” có thể xuất phát từ trong lục địa. Nếu máu đổ, nhiều công ty quốc tế khác cũng sẽ chạy qua Singapore. Thế giới sẽ nhìn Hồng Kông không khác gì Trung Hoa lục địa. Cả nước Tàu sẽ bị thiệt hại.
Cuối cùng, sức mạnh của dân Hồng Kông khiến Trung Cộng không dám ra tay, như ở Thiên An Môn năm 1989, gồm hai thứ vô hình vô ảnh.
Thứ nhất, người dân ý thức rằng các quyền tự do họ đang được hưởng là căn bản cho đời sống kinh tế thịnh vượng. Vì thế, họ quyết tâm bảo vệ tự do. Thứ hai, xã hội Hồng Kông đã được đặt trên nền tảng pháp trị từ hàng thế kỷ, nó bảo đảm cho kinh tế phát triển. Nếu để mất hai thứ “sức mạnh mềm” đó thì Hồng Kông sẽ tự hủy diệt, chứ không phải vì dân đi biểu tình mà họ tự hủy diệt, như Bắc Kinh đe dọa.
Ngô Nhân Dụng
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét