Trường Quốc tế có ý nghĩa gì trong xu hướng thương mại hóa giáo dục - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

Trường Quốc tế có ý nghĩa gì trong xu hướng thương mại hóa giáo dục


Đã đến lúc phải đánh giá lại quá trình xã hội hóa giáo dục mang màu sắc thương mại có thể gây ra những hệ lụy nhức nhối như thế nào?

Trường tiểu học Gateway.

Câu chuyện em L.H. L mới bước chân vào lớp 1 đã phải mất mạng vì sự tắc trách của người lớn, nhắc lại càng thêm đau thương. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, sai phạm sẽ được phán định cụ thể. Còn những ai vẫn tin tưởng vào lương tri, thì phải nghiêm túc suy nghĩ thấu đáo hơn về xu hướng kinh doanh mô hình giáo dục quốc tế. Câu hỏi không dễ trả lời: Có bao nhiêu cơ sở đào tạo tại Việt Nam hiện nay đạt tiêu chuẩn quốc tế?

Trước đây, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập, rất nhiều tổ chức giáo dục uy tín đã đầu tư mở trường tại Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, khi tầng lớp giàu có ở Việt Nam đông đảo lên, thì sân chơi ấy lại bị chi phối bởi những đại gia lắm bạc vàng và nhiều quan hệ. Dù cấp giấy phép theo đúng quy trình, nhưng ngành giáo dục cũng không thể giám sát một cách chính xác chất lượng của trường quốc tế.

Vì sao trường quốc tế nở rộ? Đừng ngụy biện bằng những lý lẽ quanh co. Hãy thẳng thắn với nhau rằng, đại bộ phận người dân đã quá chán ngán sự dạy và học ngày càng xuống dốc ở các trường công lập. Phụ huynh không mặn mà với phong trào chạy đua thành tích của ban giám hiệu, phụ huynh sợ hãi những kiểu dạy thêm học thêm hết môn chính đến môn phụ, và phụ huynh càng hoảng hốt trước các kỳ thi đầy áp lực cho con em họ. Mặt khác, phụ huynh cũng không che giấu được thất vọng về môi trường đại học hiện nay. Nếu không quá túng thiếu, ai cũng muốn con em được du học nước ngoài khi hoàn thành xong bậc phổ thông. Vì vậy, trường quốc tế là một chọn lựa không kém khôn ngoan.

Có cung ắt có cầu. Trường quốc tế đua nhau ra đời. Trường quốc tế mở rộng biên độ phục vụ. Mầm non cũng quốc tế, tiểu học cũng quốc tế, trung học cũng quốc tế. Theo học trường quốc tế, vừa hứa hẹn cho triển vọng của con em, vừa nở mặt nở mày cho phụ huynh. Người nào đủ điều kiện tài chính để con được học trường quốc tế, thì ánh mắt cũng kiêu hãnh hơn, khuôn mặt cũng ngạo nghễ hơn. Thế nhưng, chẳng ai biết được chất lượng trường quốc tế ra sao. Họ treo biển tiêu chuẩn Mỹ, họ treo biển tiêu chuẩn Anh, họ treo biểu tiêu chuẩn Úc, học treo biển tiêu chuẩn Canada… thì phụ huynh cũng đành tạm hiểu như vậy, chứ phụ huynh có được học theo những tiêu chuẩn ấy ngày nào đâu mà định lượng hay dở, đúng sai.

Để chiêu dụ phụ huynh và để phô trương năng lực, cách duy nhất các trường quốc tế tại Việt Nam có thể làm là xây dựng cơ sở vật chất rất hoành tráng và đưa ra mức học phí rất đắt đỏ. Thật ngây ngô và thật đáng thương, khi nhiều phụ huynh vẫn dùng tư duy thị trường “tiền nào của nấy” để mặc định rằng học phí 300 triệu đồng/năm chắc chắn chất lượng sẽ cao hơn 200 triệu đồng/ năm. Chính cái tâm lý đó đã giúp những đại gia nhanh chóng mường tượng được mô hình trường quốc tế chính là con gà đẻ trứng vàng.

Bao nhiêu ông chủ hoặc bà chủ trong hệ thống trường quốc tế hiện nay có nghiệp vụ sư phạm? Vô cùng hiếm hoi. Bởi lẽ, nhà giáo chân chính không bao giờ dư dả để có cổ phần trong trường quốc tế. Phũ phàng thay, trường quốc tế bỗng dưng trở thành lãnh địa của những đại gia. Và trường quốc tế được vận động giống như một cơ sở kinh tế, chứ không phải hoàn toàn giống như một cơ sở giáo dục. Đại gia mở trường quốc tế thì dùng mối quan hệ làm ăn để lôi kéo đại gia khác gửi con em vào học. Thỉnh thoảng có cán bộ, viên chức thắt lưng buộc bụng cũng gửi con vào trường quốc tế, với rất nhiều phập phồng và rất nhiểu hồi hộp. Rồi sau mỗi buổi tổng kết hoành tráng, không có học sinh trường quốc tế nào ở Việt Nam có thể chuyển tiếp vào trường đại học ở Mỹ, ở Anh, ở Úc, ở Canada theo đúng như… quảng cáo.

Có học sinh nào ở trường quốc tế có thành tích xuất sắc mà gần đây cả xã hội phải ghi nhận chưa? Chưa, bởi vì trường quốc tế được nằm dưới sự kiểm soát của những doanh nghiệp, chứ không phải của tổ chức giáo dục có nền tảng triết lý khai sáng riêng. Trường quốc tế chỉ là sản phẩm của những cái gọi là Công ty cổ phần giáo dục quốc tế hoặc Tập đoàn giáo dục quốc tế.

Khái niệm “quốc tế” ở đây cực kỳ mơ hồ nhưng cũng cực kỳ quyến rũ. Trường quốc tế mà không có giáo sư quốc tế, thì quốc tế kiểu gì? Trường quốc tế mà không có giáo trình quốc tế, thì quốc tế kiểu gì? Trường quốc tế mà không có liên kết đào tạo quốc tế, thì quốc tế kiểu gì? Trường quốc tế chủ yếu có số giờ học tiếng nước ngoài nhiều hơn giờ học tiếng Việt, thì tiêu chuẩn quốc tế mới thật sự rẻ rúng và kệch cỡm làm sao.

Điểm sáng nhất của hệ thống trường quốc tế hiện nay, hầu như chỉ nằm ở… vật chất bề ngoài, từ trang thiết bị phòng ốc cho đến đồng phục giáo viên và học sinh. Trường quốc tế nào cũng đánh bóng bằng dòng chữ “The International School” và đưa ra những ngôn từ choang choang như “theo đuổi tầm nhìn trở thành giải pháp hiệu quả cho mối quan hệ của phụ huynh và học sinh; là môi trường phát triển vững chắc cho học sinh cả về học vấn, năng khiếu và tính cách, phẩm chất” hoặc “kết hợp hài hòa Chương trình Giáo dục Quốc gia với Chương trình Giáo dục Quốc tế, với phương pháp giáo dục cá thể hóa giúp các em sẵn sàng đương đầu với thử thách của cuộc sống cũng như thành công ở những bậc học cao hơn, đồng thời vẫn gìn giữ những giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc".

Ai thẩm định những cam kết ấy? Chẳng có ai cả. Vì vậy, khi xảy ra sự cố bẽ bàng ở trường Gateway, thì ngay lập tức nhiều trường quốc tế khuếch trương sự ưu việt như "nhà trường đã tiên phong sử dụng công nghệ quét dấu vân tay của học sinh khi đến lớp an toàn, đồng thời ngay lập tức phụ huynh sẽ nhận được tin nhắn thông báo để giúp phụ huynh luôn yên tâm con em đã an toàn đến trường".

Thậm chí, có trường quốc tế còn diễn giải sự khác biệt của mình rất tưng bừng: “Khi đưa đón học sinh, trên xe luôn có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe. Ngoài việc phải rà soát và giám sát chất lượng được thực hiện đúng quy trình ở mọi khâu như: lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn, lái xe phải có ý thức tốt, giao tiếp, ứng xử với học sinh có văn hóa và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cũng nằm trong sự kiểm tra nghiêm ngặt của nhà trường”.

Giáo dục Việt Nam đang báo động về nhiều mặt. Để cải thiện thực trạng ê chề, phải đề cao năng lực sư phạm và đạo đức sư phạm ở mỗi cơ sở dạy và học. Những ai không chấp nhận sứ mệnh sư phạm, thì đừng mở trường học để tìm kiếm lợi ích theo toan tính riêng tư.


Lê Thiếu Nhơn
(Kiến thức gia đình số 33)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad