Tiếp dân trực tuyến: chỉ mang tính hình thức hay chính phủ thực sự muốn lắng nghe dân? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

Tiếp dân trực tuyến: chỉ mang tính hình thức hay chính phủ thực sự muốn lắng nghe dân?


Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Trong buổi họp Tổ công tác của Thủ tướng và các bộ, ngành vào chiều ngày 29/7 nhằm đôn đốc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Phó tổng thanh tra Chính phủ cho biết sắp tới sẽ xây dựng quy trình tiếp dân qua mạng. Nhiều ý kiến bày tỏ tiếp dân trực tiếp còn không giải quyết được vấn đề, liệu tiếp trực tuyến có hiệu quả?

Chỉ mang tính hình thức

Báo trong nước dẫn phát biểu của ông Trần Ngọc Liêm - Phó tổng thanh tra Chính phủ cho biết quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo có những vụ rất lâu dài, phức tạp nên tiếp dân qua mạng Internet là vấn đề khó. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ vẫn sẽ cố gắng triển khai.

Nhận xét về hướng đi mới của Thanh tra Chính phủ, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam chỉ ra rằng vẫn còn mặt hạn chế khi áp dụng phương pháp tiếp dân trực tuyến vì chỉ mang tính hình thức:

“Nhà nước muốn chứng tỏ ngày càng gần dân và trực tiếp giải quyết cho người dân nên giải quyết thông thường kia phải qua nhiều tầng nấc tốn kém. Nhiều lúc người ta ở miền Nam phải ra miền Bắc, thậm chí có nơi làm thành cái làng ở miền Bắc như làng Thủ Thiêm chẳng hạn để gặp nhưng chỉ gặp những người có trách nhiệm gián tiếp, cụ thể thanh tra. Bây giờ mở một tuyến nữa gọi là trực tuyến để người ta có cảm giác rằng chuyện này đã chuyển lên nơi có quyền lực cao nhất của thanh tra rồi, người ta chỉ hy vọng vậy thôi.”

Người ta làm cái này chắc để diễn tuồng, diễn trò mị dân chứng tỏ thanh tra chính phủ luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, nhưng người ta có giải quyết được hay không mới quan trọng. Tiếp bình thường đã không giải quyết được rồi, tiếp trực tuyến chắc cũng lời nói gió bay thôi.

- Cao Thăng Ca
Bà Cấn Thị Thêu, dân oan Dương Nội từng 2 lần bị tù vì tổ chức khiếu kiện tập thể đòi lại đất bị cưỡng chế cũng cho rằng chính phủ đưa ra phương pháp tiếp dân trực tuyến để làm dịu dư luận, tung hỏa mù để đánh lừa nhân dân chứ không có hướng gì giải quyết triệt để những khiếu nại, tố cáo của người dân.

“Bà con dân oan, tất cả những người khiếu nại liên quan đến oan sai và bị thu hồi đất trong suốt bao nhiêu năm qua gần như cướp đất của dân thì bà con ăn ngủ ở ngay trực tiếp tại các trụ sở cơ quan tiếp dân từ cấp huyện, cấp tỉnh, đặc biệt ở trung ương với cả số 1 Lê Thời Nhiệm, quận Hà Đông. Hàng bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, 10 năm họ cũng chẳng giải quyết thì huống chi trực tuyến.”

Đồng tình với quan điểm này, ông Cao Thăng Ca, người dân quận 2 từng nhiều lần khiếu kiện những sai phạm của thành phố Hồ Chí Minh khi lấy nhà, đất của người dân Thủ Thiêm trong hàng chục năm qua nhận định:

“Người ta làm cái này chắc để diễn tuồng, diễn trò mị dân chứng tỏ thanh tra chính phủ luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, nhưng người ta có giải quyết được hay không mới quan trọng. Tiếp bình thường đã không giải quyết được rồi, tiếp trực tuyến chắc cũng lời nói gió bay thôi. Nói chung người ta không thật tâm, thật tình, không có thiện chí giải quyết. Nếu có thiện chí thì không cần trực tuyến, chỉ cần một đơn thư không là cũng có thể giải quyết được rồi.”

Vẫn theo ông Cao Thăng Ca, nếu thực sự phía chính phủ muốn giải quyết thì có thể sắp xếp gặp dân, nghe dân là có thể tìm ra phương hướng. Nhưng trong thực tế, qua những buổi tiếp xúc cử tri ở quận 2 mà ông và những người khác tham gia và đưa ý kiến, ông nhận thấy dân cứ nói, cơ quan chức năng chỉ làm bộ ghi chú, ghi chép, thực chất lại không giải quyết theo đúng nguyện vọng của dân.

Không chỉ riêng Thủ Thiêm, Dương Nội, Đồng Tâm mà gần đây nhất là người dân Vườn Rau Lộc Hưng ở phường 6, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra Hà Nội để gặp gỡ các quan chức đầu ngành về việc cưỡng chế đất sai trái của Ủy ban nhân dân phường 6, quận Tân Bình.

Bà Cấn Thị Thêu cho rằng, việc tiếp dân trực truyến nhằm hạn chế người dân đi lại và gặp gỡ những trường hợp oan sai khác:

Người dân không có giấy mời phải theo dõi buổi gặp qua màn hình bên ngoài. Courtesy FB Nguyễn Hồng Quang
“Tất cả những người đã lâu không được giải quyết mà bà con cùng có chung một hướng là bắt tay nhau đoàn kết 1 lòng tập trung vào chuyện gì đó thì họ (chính phủ-pv) lo sợ những đám đông bức xúc, nên họ bày ra trò tiếp xúc từ xa, trực tuyến. Nếu họ có hướng giải quyết triệt để thì những vụ như Dương Nội, Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Lộc Hưng thì thực sự tháo gỡ rất nhanh. Những chuyện lớn như vậy trung ương cũng biết, Bộ Chính trị cũng biết, Quốc hội cũng biết, tất cả các cơ quan ban ngành đều biết nhưng họ không có hướng tháo gỡ thì người dân trình bày cụ thể mà họ còn chẳng tiếp dân huống chi trực tuyến.”

Do đó, bà Cấn Thị Thêu bày tỏ quan điểm cho rằng nếu chính phủ Hà Nội thật tâm muốn giải quyết những khúc mắc cho người dân thì việc gặp trực tiếp theo những trình tự như hiện tại vẫn rất hiệu quả và tháo gỡ vấn đề rất nhanh.

Kết quả khả thi đến đâu?

Ở một khía cạnh khác, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa lại nghĩ rằng việc tiếp dân trực tuyến chỉ là một chủ trương nằm trong tổng thể việc xây dựng chính phủ điện tử của chính phủ Hà Nội.

“Tiếp trực tuyến tôi nghĩ vấn đề này rất tốt vì mang tính rộng rãi công khai, minh bạch để các cấp chính quyền thấy được nguyện vọng của người dân để có biện pháp giải quyết một cách kịp thời, dứt điểm, tránh tình trạng vượt cấp hoặc để vụ việc kéo dài nhiều năm.”

Ông Lê Văn Cuông chỉ ra những hạn chế nhất định trong cách tiếp dân “truyền thống” mà xưa nay vẫn được áp dụng trong bộ máy nhà nước:

“Hiện nay đang thực hiện tiếp trực tiếp nhìn chung hiệu quả chưa cao vì vấn đề kể cả người dân cũng như người tiếp công dân vẫn mang tính chủ quan của mình, nên đôi khi vấn đề trình bày nguyện vọng hay người tiếp thu ý kiến người dân chưa đứng trên quan điểm chung hay sự hiểu biết pháp luật chưa nắm chắc, kể cả 2 phía, nên không tiếp cận được với nhau, mỗi bên đều có lý do của mình. Cũng không có sự chứng kiến của dư luận hay vấn đề phán xét của dư luận theo cách công dân đúng hay lãnh đạo đúng, làm cho 2 phía không thấy được cái đúng, cái sai của mình.”

Nhìn nhận ở góc độ này, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam cho rằng nếu việc tranh luận được nhiều người góp ý không chừng mọi việc sẽ được giải quyết chuẩn xác hơn:

“Nhiều người nhìn vào câu hỏi và câu trả lời để coi câu hỏi và câu trả lời đó có cơ sở pháp luật không, có mang tính thuyết phục, có đúng luật không. Nếu những cuộc hỏi và trả lời trong phòng kín, gặp riêng thì chưa biết người hỏi, người trả lời thế nào. Trực tuyến như thế thì nhiều người hiểu biết pháp luật, chủ trương chính sách sẽ nhìn thấy, nghe nói qua nói lại sẽ biết ai sai ai đúng.”

Bên cạnh đó, Luật sư Trần Quốc Thuận cũng đưa ra một điểm cộng khác trong việc tiếp dân trực tuyến là:

Nếu những cuộc hỏi và trả lời trong phòng kín, gặp riêng thì chưa biết người hỏi, người trả lời thế nào. Trực tuyến như thế thì nhiều người hiểu biết pháp luật, chủ trương chính sách sẽ nhìn thấy, nghe nói qua nói lại sẽ biết ai sai ai đúng.

- LS. Trần Quốc Thuận
“Thực tế thông tin liên lạc ở Việt Nam cái trực tuyến rẻ tiền hơn rất nhiều, hạn chế chi phí đi lại không cần thiết. Thay vì lập cái làng ở Hà Nội, hàng trăm người ăn, ở ngoài đó thì trực tuyến này không tốn kém hơn.”

Xác nhận thực tế này, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ BKAV khẳng định:

“Tôi cũng đã tham gia một số cuộc họp trực tuyến và thấy rất hiệu quả ở chỗ ở Việt Nam đến cấp xã, phường ở dưới rất rộng lớn. Nếu họp triệu tập tất cả họ về thành phố hay thủ đô thì chắc chắn tốn kém hơn rất nhiều.”

Báo Pháp Luật ngày 23/3/2017 đăng tin trích dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết mỗi cuộc họp trực tuyến toàn quốc chi phí tới cả tỉ đồng.

Chi phí này được trích từ ngân sách nhà nước, do người dân đóng thuế. Vì vậy, khi thông tin tiếp dân trực tuyến được đưa ra, nhiều người bày tỏ lo ngại, liệu chi phí để thực hiện tiếp dân điện tử có quá tốn kém và lãng phí tiền thuế của dân? Mặc khác người dân oan ở các vùng sâu vùng xa chưa chắc họ có thể tiếp cận được với “trực tuyến”, “điện tử”… công nghệ mới?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tử Quảng đưa ra quan điểm:

“Hiện nay người dân ở Việt Nam có smartphone, máy tính rất phổ biến nên đấy không phải là vấn đề. Mọi người vẫn hàng ngày trao đổi, gọi điện thoại video với nhau là chuyện rất phổ biến, cước phí internet ở Việt Nam hiện nay cũng không đắt.”

Từ những luận điểm vừa nêu, ông Lê Văn Cuông nhận định rằng nếu chính phủ thực hiện tốt việc tiếp dân trực tuyến sẽ đáp ứng nguyện vọng của người dân, từ đó góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước.

“Tôi tin khi mọi việc công khai minh bạch kết quả sẽ tốt hơn nhiều so với lâu nay trong phạm vi hẹp, thậm chí không cho quay phim, chụp ảnh, ghi âm hoặc hạn chế các đối tượng tham gia. Đây là phương pháp tránh những tính chất cá nhân áp đặt trong quá trình tiếp công dân.”

Chính phủ Hà Nội thời gian gần đây thường có những quy định tiếp dân gây nhiều tranh cãi, điển hình như thành phố Hà Nội ban hành quy định ngày 3/1 cấm người dân không được phép quay phim, chụp hình, ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân khi chưa xin phép. Tuy nhiên, sau những phản hồi của người dân, nội quy này cũng đã được chỉnh sửa và không còn tác dụng.

Vì vậy, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng cần có thêm thời gian để có thể xác định tính hiệu quả của phương pháp tiếp dân trực tuyến mà thanh tra chính phủ đề ra. Chỉ hy vọng rằng, một hình thức mới được đề xuất thì nó phải thực sự hữu dụng: tiết kiệm chi phí cho dân và tiết kiệm ngân sách nhà nước!


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad